Nạo phá thai ở tuổi vị thành niên cần được kiểm soát

- Thứ Bảy, 19/10/2019, 16:34 - Chia sẻ
Nạo phá thai to (trên 3 tháng) ở tuổi vị thành niên đang chiếm 10% tổng số ca nạo phá thai trong cả nước. Con số này có thể nhiều hơn bởi tình trạng phá thai chui vẫn đang diễn ra ở nhiều phòng khám tư nhân. nếu không không được trang bị kiến thức về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình (SKSS/KHHGĐ) thì rất có thể tình trạng nạo phá thai và những rủi ro về mặt sức khỏe đối với chị em sẽ còn tiếp tục tăng.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Dù chưa có con số chính xác về số ca nạo phá thai trên cả nước nhưng theo tổng hợp từ các cơ sở y tế, mỗi năm nước ta có khoảng 250 - 300 nghìn trường hợp nạo phá thai (bao gồm cả thai nhi dị tật và mang thai ngoài ý muốn). Theo Phó trưởng khoa Phụ ngoại, Bệnh viện Phụ sản Trung ương Vũ Ngân Hà, với những kỹ thuật hiện nay tại các cơ sở y tế uy tín thì việc bảo đảm an toàn rất cao, nhưng có những vết thương mà bác sĩ không thể san sẻ được đó là sang chấn về mặt tâm lý. Đối với những bạn trẻ phải đến viện phá thai trước khi lập gia đình thì vết thương tinh thần này còn nghiêm trọng hơn.

Bác sĩ Vũ Ngân Hà cũng chia sẻ, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, ước tính số ca nạo phá thai trung bình 1 ngày khoảng 40 - 50 ca, 1 năm khoảng 5.000 ca, trong đó có khoảng 18 - 20% ở tuổi vị thành niên. Tức là mỗi năm có khoảng 900 ca trẻ vị thành niên tới bệnh viện để nạo phá thai. Có những em đã phải trở thành bà mẹ “bất đắc dĩ” khi mới 10 tuổi và có những em 15 tuổi đã nạo phá thai 2 lần… Đáng nói là, không ít trường hợp chọn phá thai bằng thuốc vì cho rằng đây là biện pháp hiệu quả, kín đáo, có thể thực hiện tại nhà mà không biết phá thai bằng thuốc cũng như bất kỳ dịch vụ y tế nào khác đều cần sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ. Nếu phá thai không đúng cách theo chỉ dẫn của bác sĩ rất dễ dẫn đến những “biến chứng” nặng nề như sảy thai giữa chừng, nhau thai không hết, băng huyết…


Chú trọng tư vấn sức khoẻ sinh sản cho giới trẻ. 

 Cùng với đó, hiện nay, ở nước ta tỷ lệ các cặp vợ chồng vô sinh khoảng 20 - 25%, trong đó 10% là do nam giới. Còn nữ giới đa phần do viêm nhiễm, viêm dính vùng tử cung, tắc vòi trứng, tổn thương niêm mạc tử cung, lạc nội mạc tử cung… Hậu quả này phần lớn do phá thai và tình dục không an toàn. Không ít bé gái bỏ thai khi cơ thể đang trong giai đoạn phát triển mới qua tuổi dậy thì, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm xảy ra như nhiễm trùng, băng huyết, sót nhau, thủng tử cung, chửa ngoài dạ con, nặng hơn có thể dẫn đến vô sinh. Còn nạo phá thai tại các phòng khám tư nhân không có chuyên môn có thể dẫn đến vô sinh hoặc đe dọa nghiêm trọng tính mạng người mẹ. Vô sinh đối với phụ nữ chưa có con và nhất là đối với tuổi vị thành niên là một nỗi đau cả về thể chất và tâm hồn, gây ám ảnh lâu dài. Chưa kể đến những đứa trẻ được sinh ra bởi những bà mẹ tuổi vị thành niên hoặc những người từng nạo, hút thai nhiều lần cũng thường gặp nhiều rủi ro về sức khỏe hơn các trẻ em khác.

“Vẽ đường cho hươu chạy đúng cách”

Bàn về vấn đề giáo dục SKSS/KHHGĐ, Vụ trưởng Vụ Truyền thông Giáo dục, Tổng cục Dân số - KHHGĐ Đinh Huy Dương cho biết, hiện nay giới trẻ còn nhiều lầm tưởng về vấn đề kế hoạch hóa gia đình cũng như việc chủ động trong phòng tránh thai. Điển hình như các bạn thường mua và sử dụng các loại thuốc tránh-phá thai bán ngoài thị trường và tưởng rằng đó là kế hoạch hóa gia đình. Hay đơn giản những em gái tuổi vị thành niên khi mang thai ngoài ý muốn thường rất ngại đến các cơ sở y tế công. Tất cả các vấn đề này đều bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết hay nói rộng hơn là các chiến dịch truyền thông, giáo dục về SKSS chưa cho thấy hiệu quả.

Theo ông Đinh Huy Dương, ngành Dân số đang phát động chương trình “Tránh thai trách nghiệm không của riêng ai”. Hoạt động này sẽ giúp nâng cao nhận thức của người dân với việc sử dụng các biện pháp tránh thai. Hơn nữa, từ trước tới nay, đa số mọi người đều cho rằng, việc tránh thai là của phụ nữ nên nam giới thường ít quan tâm tới biện pháp tránh thai. Qua chương trình, ngành Dân số muốn tất cả xã hội đặc biệt là nam giới cần trách nhiệm hơn nữa với chương trình kế hoạch hóa gia đình.

Trước hiện trạng phụ nữ bước vào độ tuổi sinh sản và có nhu cầu tránh thai ngày càng tăng, ngành dân số đã có những chương trình cung cấp biện pháp phòng tránh thai miễn phí cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Ngoài ra, Tổng cục DS - KHHGĐ cũng phát triển kênh tiếp thị xã hội với mục đích đem đến cho người dân những biện pháp tránh thai bảo đảm an toàn và chất lượng nhất.

Ông Đinh Huy Dương cũng cho biết, ngoài việc truyền thông cho người dân qua các kênh thông tin đại chúng như báo in, báo mạng, phát thanh, truyền hình… thì truyền thông bằng công nghệ 4.0 cũng đang được triển khai và đẩy mạnh. Tổng cục Dân số sẽ cho ra mắt một ứng dụng trên điện thoại di động về vấn đề SKSS, giới trẻ chỉ cần tải app này trên các nền tảng như Android hay IOS là có thể được tư vấn, cung cấp thông tin miễn phí từ các chuyên gia về vấn đề phòng tránh thai, giới tính, sức khỏe tình dục… Với ứng dụng này ông Dương hy vọng giới trẻ sẽ có nhận thức tốt hơn về tình dục, biết các phòng tránh thai một cách chủ động để tránh sảy ra những hậu quả lâu dài.

Tùng Dương