Công tác quy hoạch, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026

Nâng tầm đại biểu chuyên trách

- Thứ Tư, 09/10/2019, 08:02 - Chia sẻ
Công tác chuẩn bị nhân sự là một trong những nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa quyết định thành công của cuộc bầu cử HĐND các cấp trong nhiệm kỳ tới. Việc lựa chọn nhân sự bầu cử và bố trí nhân sự trong HĐND cũng là lựa chọn tương lai cho cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Do vậy, công tác chuẩn bị nhân sự HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026 cần phải được chuẩn bị ngay từ bây giờ và phải được xem xét thật công tâm, khách quan, đúng nguyên tắc. Đặc biệt, việc chuẩn bị nhân sự bố trí làm đại biểu chuyên trách cần phải được quan tâm thật sự.

Chưa được quan tâm đúng mức

Một trong những yếu tố cũng không kém phần quan trọng để thu hút được người có đức, có tài tham gia vào các cơ quan dân cử, đó là chính sách đãi ngộ, tạo thuận lợi về môi trường và điều kiện làm việc cho đại biểu HĐND chuyên trách. UBTVQH cần sớm ban hành chính sách đặc thù, quy định chế độ, định mức chi tiêu bảo đảm hoạt động của HĐND thống nhất trong phạm vi cả nước, không để các địa phương tự quy định như hiện nay, kể cả các quy định về phương tiện, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ hoạt động của đại biểu HĐND chuyên trách (như chính sách đối với ĐBQH chuyên trách) để động viên, khích lệ đại biểu chuyên trách tích cực tham gia, phát huy tài năng, làm “đầu tàu” trong các hoạt động của HĐND.

Thực tiễn hầu hết ở các địa phương cho thấy, hoạt động của HĐND các cấp hiện nay chủ yếu do đại biểu chuyên trách thực hiện. Có thể khẳng định, đại biểu chuyên trách là nhân tố cơ bản đầu tiên có tính quyết định đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND. Chính đại biểu chuyên trách là người đi đầu góp phần quan trọng cho mọi hoạt động của HĐND. Nhờ đó, phần lớn các nội dung được HĐND quan tâm, xem xét đều sâu sát, có tính phản biện cao, bảo đảm đúng và trúng những vấn đề gây bức xúc trong đời sống xã hội do còn nhiều tồn tại, vướng mắc trong công tác tổ chức thực hiện thuộc trách nhiệm giải quyết của UBND và các cơ quan chuyên môn.

Tuy nhiên, hoạt động của đại biểu chuyên trách ở không ít địa phương vẫn còn những hạn chế nhất định, chưa tương xứng với vị trí, vai trò trong hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Trả lời câu hỏi HĐND đã thực sự đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của cử tri với vai trò là cơ quan dân cử nói lên tiếng nói của người dân, lấy lợi ích của nhân dân làm trung tâm hay chưa, nhiều ý kiến cử tri chưa thật sự hài lòng. Hiệu quả hoạt động của HĐND chưa được đánh giá cao, chưa đạt được như mong muốn của cử tri. Có rất nhiều nguyên nhân, trong đó đáng chú ý là cơ cấu tổ chức của HĐND các cấp chưa được hợp lý, chất lượng đại biểu nói chung và chất lượng đại biểu chuyên trách nói riêng là vấn đề đáng bàn.

Thực tế ở nhiều địa phương cho thấy, công tác quy hoạch cán bộ HĐND - đại biểu chuyên trách chưa được quan tâm đúng tầm, đúng mức, thiếu một chiến lược cụ thể về đào tạo nguồn cán bộ kế cận có đủ năng lực, phẩm chất, trình độ và kinh nghiệm trong công tác HĐND. Chưa giải quyết được một cách căn bản mối quan hệ giữa cơ cấu và số lượng đại biểu chuyên trách; giữa tính đại diện và khả năng thực hiện nhiệm vụ. Việc bố trí, sắp xếp đội ngũ đại biểu chuyên trách phụ thuộc vào sự quan tâm của cấp ủy Đảng ở mỗi địa phương. Bố trí cán bộ HĐND - đại biểu chuyên trách (ngoại trừ chức danh Chủ tịch HĐND) chưa phù hợp, chưa bảo đảm nguyên tắc cán bộ cử tham gia HĐND phải “vừa giỏi về chuyên môn, vừa thạo về chính trị”.

Nhiều nơi còn dễ dàng nhận ra được những trường hợp cán bộ được giới thiệu làm đại biểu chuyên trách HĐND là những người khó sắp xếp, bố trí, thậm chí có trường hợp “bị sự cố nào đó” mới chuyển đến cơ quan dân cử. Không ít cán bộ vẫn còn tư tưởng ngại làm việc tại các cơ quan dân cử. Đặc biệt, việc phát triển cán bộ từ cơ quan dân cử thường ít được các cấp ủy Đảng quan tâm. Có địa phương, cán bộ HĐND - đại biểu chuyên trách của nhiệm kỳ mới hoàn toàn không trúng với kết quả quy hoạch của nhiệm kỳ trước. Chính vì vậy, làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng hoạt động và vị thế của HĐND.


Thường trực HĐND tỉnh Long An luôn quan tâm giám sát các vấn đề bức xúc tại địa phương
Ảnh: Công Thành

Quy định Trưởng ban của HĐND là đại biểu chuyên trách

Công tác quy hoạch, chuẩn bị nhân sự, để lựa chọn người ra ứng cử và bố trí hợp lý vào các vị trí đại biểu chuyên trách ở HĐND các cấp cho nhiệm kỳ mới có ý nghĩa rất quan trọng. Với lực lượng đại biểu chuyên trách đủ mạnh về số lượng và chất lương thì mới đáp ứng điều kiện khắc phục bệnh hình thức, bảo đảm thực quyền, mang lại hiệu lực và hiệu quả hoạt động thiết thực của HĐND các cấp.

Đáp ứng yêu cầu trên, trước hết, Luật Tổ chức chính quyền địa phương phải sớm được QH xem xét sửa đổi, bổ sung, nhất là những sửa đổi liên quan đến cơ cấu tổ chức bộ máy, liên quan đến cán bộ HĐND - đại biểu chuyên trách các cấp. Đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng để các địa phương xây dựng phương án quy hoạch, chuẩn bị nhân sự, dự kiến bố trí cán bộ HĐND - đại biểu chuyên trách cho nhiệm kỳ mới 2021 - 2026.

Về cơ cấu Thường trực HĐND cấp tỉnh và cấp huyện, trong lần sửa đổi, bổ sung này, nên chọn phương án “Thường trực HĐND gồm các chức danh: Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND và các Ủy viên là Trưởng ban của HĐND. Nơi nào Chủ tịch HĐND là đại biểu chuyên trách thì có 1 Phó Chủ tịch HĐND; nơi nào Chủ tịch HĐND là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm thì có 2 Phó Chủ tịch HĐND; Phó Chủ tịch HĐND và Trưởng ban của HĐND là đại biểu hoạt động chuyên trách”. Việc quy định “Trưởng ban của HĐND là đại biểu chuyên trách” là hết sức cần thiết, không chỉ bảo đảm được chất lượng, hiệu quả hoạt động của Thường trực HĐND, mà còn bảo đảm được chất lượng, hiệu quả hoạt động các Ban của HĐND. Thực tế, những nơi bố trí được Trưởng ban của HĐND là đại biểu chuyên trách thì hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND nơi đó thực sự được nâng cao.

Về cơ cấu các Ban của HĐND, đối với cấp tỉnh mỗi Ban của HĐND nên quy định có Trưởng ban và một Phó trưởng ban là đại biểu chuyên trách là đủ. Đối với cấp huyện, mỗi ban của HĐND nên quy định có Trưởng ban là đại biểu chuyên trách và một Phó trưởng ban có thể là đại biểu chuyên trách. Bởi Trưởng ban là đại biểu chuyên trách khi phân công nhiệm vụ cho Phó trưởng ban (dù là hoạt động chuyên trách hay kiêm nhiệm) vẫn thuận lợi, dễ dàng và hiệu quả hơn khi Phó trưởng ban chuyên trách thỉnh thị, báo cáo, xin ý kiến Trưởng ban hoạt động kiêm nhiệm.

Khách quan, công khai trong quy hoạch, bố trí cán bộ

Điều kiện tiên quyết tiếp theo cần có đó là: Các cấp ủy Đảng phải đặc biệt coi trọng đến công tác quy hoạch, bố trí cán bộ HĐND, coi trọng chất lượng và tiêu chuẩn đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách. Bên cạnh phân công, bố trí Bí thư hoặc Phó bí thư thường trực cấp ủy đảm nhận chức vụ Chủ tịch HĐND; một ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy và một cấp ủy viên đảm nhận chức vụ Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng các Ban của HĐND hoạt động chuyên trách cũng cần được tham gia cấp ủy để HĐND có thể phát huy được vị trí, vai trò của mình và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của HĐND.

Yêu cầu đặt ra đối với các cấp ủy Đảng trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và dự kiến bố trí cán bộ HĐND là phải thận trọng, tập trung, nhưng dân chủ, công tâm, khách quan, tuyệt đối không được thiên vị, không được mang tính lợi ích cá nhân. Việc lựa chọn, bố trí nhân sự, bố trí con người cho hoạt động của HĐND phải xứng tầm với đúng vị trí và chức năng, nhiệm vụ.

Việc công khai quy hoạch cũng hết sức cần thiết và đúng đắn, động viên tinh thần và tạo cơ sở có tính pháp lý để cán bộ, công chức cố gắng phấn đấu, trưởng thành. Sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng địa phương đối với công tác cán bộ của HĐND là vô cùng quan trọng, nhân tố quyết định để HĐND hoàn thành tốt trọng trách mà nhân dân giao cho.

TRẦN QUỐC VIỆT