Phát triển điều dưỡng viên

Nâng tầm chất và lượng

- Thứ Ba, 14/05/2019, 08:24 - Chia sẻ
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngành điều dưỡng là một trong 3 trụ cột của nền y tế, bao gồm điều trị, chăm sóc và dự phòng. Tuy nhiên, có một số khó khăn, thách thức đặt ra cho ngành điều dưỡng Việt Nam là nhu cầu khám bệnh, dịch vụ y tế, dân số, tuổi thọ trung bình, tỷ lệ các bệnh mãn tính... đều tăng cao, trong khi nguồn nhân lực chưa thể đáp ứng đủ về số lượng và chất lượng.

“Làm dâu trăm họ”

“Làm dâu trăm họ” là ví von khi nói về nghề điều dưỡng bởi tính chất công việc phải chăm sóc, phục vụ người bệnh một cách tận tình nhất. Làm việc tại Trung tâm phẫu thuật lớn nhất cả nước, nơi tiếp nhận những bệnh nhân chấn thương nặng, Phó Trưởng phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức Chu Văn Long chia sẻ, không chỉ cùng các bác sĩ khẩn trương cấp cứu những ca tai nạn, nhiều lúc các điều dưỡng viên còn thức suốt đêm với những bệnh nhân hôn mê sâu. Bởi điều dưỡng là “chốt chặn” cuối cùng để bảo đảm an toàn việc sử dụng thuốc cho người bệnh. Vì trực tiếp cho bệnh nhân dùng thuốc nên luôn phải theo dõi, phát hiện, thông báo cho bác sĩ những vấn đề bất thường, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện để cấp cứu người bệnh trước những phản ứng có hại của thuốc có thể xảy ra.


Số lượng điều dưỡng viên ở Việt Nam còn khiêm tốn  Nguồn: ITN

Không chỉ thực hiện công việc quen thuộc là tiêm thuốc, truyền dịch cho người bệnh, mà điều dưỡng còn phải biết sử dụng liệu pháp tâm lý, xoa dịu nỗi đau người bệnh trong thời gian nằm viện và tiếp tục chăm nom cho đến khi người bệnh hồi phục sức khỏe. Trưởng phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức Trần Văn Oánh cho hay, tất cả những cử chỉ, lời nói của điều dưỡng viên đều tác động đến sự an toàn của bệnh nhân. Chỉ một phút lơ đãng cũng có thể dẫn đến tiêm, truyền nhầm thuốc. Chỉ một cử chỉ không thân thiện là đem đến lo lắng cho bệnh nhân, chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn đến mổ nhầm người bệnh.

Cùng với những nhọc nhằn vất vả về công việc, điều dưỡng viên cũng phải chịu nhiều áp lực, khi mỗi người một ý. Thậm chí, không ít người còn phải đối mặt với những ánh mắt nghi ngờ, không tin tưởng của bệnh nhân chỉ vì tuổi đời, tuổi nghề còn quá trẻ. Theo các chuyên gia, hiện xã hội vẫn còn nhận thức chưa đúng về vai trò của người điều dưỡng, cho rằng “nghề điều dưỡng là nghề phục vụ, chỉ là người làm theo y lệnh, bác sĩ bảo gì làm nấy”. Đây cũng chính là trở ngại cho việc đổi mới toàn diện điều dưỡng, dẫn đến tồn tại những bất cập chưa được giải quyết và nhiều điều dưỡng viên mặc cảm bỏ nghề.

Theo khảo sát của Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường, gần 23% điều dưỡng viên có điểm stress ở mức cao, 42% có điểm stress ở mức trung bình và hơn 20% điều dưỡng có biểu hiện nhức đầu, lo âu, căng thẳng tinh thần, bất thường trong giấc ngủ…

Băn khoăn số lượng và chất lượng

Mặc dù đóng vai trò quan trọng nhưng theo thông tin từ Hội Điều dưỡng Việt Nam, số lượng điều dưỡng viên ở nước ta còn khiêm tốn. Thống kê mới nhất về số liệu nhân lực cán bộ y tế từ 1.414 bệnh viện cho thấy, toàn quốc có 118.030 điều dưỡng, 17.456 hộ sinh; tỷ lệ điều dưỡng, hộ sinh/bác sỹ đạt 1,82.  Tuy nhiên, đây vẫn là con số thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới và không đáp ứng đủ nhu cầu chăm sóc người bệnh. Tỷ lệ này ở Philippines là 5,1, ở Indonesia là 8,0, Thái Lan là 7,0.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê, người điều dưỡng có vai trò quan trọng trong hệ thống khám, chữa bệnh. Tỷ lệ hài lòng của người bệnh nội trú đạt 79,96% có đóng góp không nhỏ từ chăm sóc của người điều dưỡng. Chính vì vậy, trong Bộ 83 tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện có nhiều tiêu chí liên quan đến hoạt động của điều dưỡng, đặc biệt trong những tiêu chí hướng về người bệnh. Song một số bệnh viện vẫn chưa chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ điều dưỡng, còn thiếu cán bộ đầu đàn được đào tạo trình độ cao, thiếu đội ngũ điều dưỡng hướng dẫn lâm sàng.

Xác định tầm quan trọng của việc nâng cao hiệu quả hoạt động của điều dưỡng viên, nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh, với khoảng 1.400 điều dưỡng viên, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã cụ thể hóa các tiêu chí trong Bộ 83 tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện thành quy trình kỹ thuật, quy định chuyên môn cho phù hợp với đặc thù, điều kiện thực tế, làm cơ sở cho điều dưỡng dễ thực hiện với 17 quy trình kỹ thuật, 12 quy định và 32 bảng kiểm, phiếu đáng giá.

Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức Trần Bình Giang nhấn mạnh, bệnh viện sẽ đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động nâng cao y đức và truyền lòng say mê nghề nghiệp cho đội ngũ điều dưỡng, thực hiện cam kết “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng đến sự hài lòng của người bệnh”. Theo đó, ngoài việc chăm sóc người bệnh, đội ngũ điều dưỡng còn được đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển phong trào nghiên cứu khoa học sôi nổi với những sáng kiến mang tính ứng dụng thực tiễn cao.

Minh Nhật