Đề án Khám, chữa bệnh từ xa

Nâng tầm chất lượng chuyên môn

- Thứ Ba, 11/08/2020, 08:32 - Chia sẻ
Theo nhận định của các chuyên gia, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đẩy mạnh khám, chữa bệnh từ xa là việc làm rất cần thiết. Những bệnh viện tuyến Trung ương với đội ngũ giáo sư, chuyên gia nhiều kinh nghiệm cần phải phát huy công tác khám, chữa bệnh từ xa để hỗ trợ cho bệnh viện tuyến dưới.

Đột phá trong khám, chữa bệnh từ xa

Chiều 6.8, thông qua Hệ thống hỗ trợ, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) của Viettel, các bác sĩ ở tại Bệnh viện Tim Hà Nội đã thực hiện điều hành ca mổ tim trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ và một ca can thiệp tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa Thái Bình. Nhờ có hệ thống hình ảnh, âm thanh rõ nét và được truyền trực tiếp theo thời gian thực, các bác sĩ theo dõi được từng động tác của các phẫu thuật viên, để hướng dẫn, giúp ca mổ diễn ra thuận lợi. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa ê kíp ở Phú Thọ, Thái Bình và chuyên gia tim mạch ở Hà Nội đã giúp ca mổ thành công.

Theo Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội - PGS.TS. Nguyễn Sinh Hiền, trước đây, với các ca mổ tim phức tạp, Bệnh viện Tim Hà Nội muốn chi viện cho các bệnh viện khác phải cử một đoàn đến tận nơi, rất tốn kém về chi phí, con người. Điều này tạo nên áp lực rất lớn với Bệnh viện Tim Hà Nội khi hàng chục bệnh viện vệ tinh cần chuyển giao kỹ thuật mổ tim phức tạp. 

Thế nhưng, với hệ thống Telehealth, các bác sĩ bệnh viện có thể trực tiếp tham gia ca mổ, can thiệp mạch qua hệ thống trực tuyến. Đây là bước khởi đầu, tiền đề cho các hoạt động tư vấn, hỗ trợ tiếp theo trong chuỗi các hoạt động khám, chữa bệnh từ xa của Bệnh viện Tim Hà Nội. Đây được đánh giá là bước khởi đầu và đột phá trong triển khai tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp như hiện nay.

Không chỉ riêng Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng là đơn vị tiên phong trong mùa dịch Covid-19 ứng dụng triển khai khám, chữa bệnh từ xa - Telehealth. Từ 2 bệnh viện ban đầu là Bệnh viện Đa khoa Mường Khương (Lào Cai); Bệnh viện Đa khoa Quảng Xương (Thanh Hóa), đến nay, sau gần 4 tháng triển khai đã có 64 cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện tham gia Đề án Khám chữa bệnh từ xa của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh, sự ra đời của Telehealth do Tập đoàn Viettel phát triển, đã giúp các bác sĩ hiện thực hóa những mong muốn của mình là tư vấn, khám bệnh từ xa (nghe tim phổi, siêu âm, khám lâm sàng), thậm chí can thiệp vào các cuộc phẫu thuật. Không những thế, bác sĩ tuyến Trung ương có thể hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa cho nhiều đơn vị trong cùng một thời điểm.

Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội  

Nguồn: ITN 

Sớm triển khai đồng loạt

Theo Đề án "Khám, chữa bệnh từ xa" của Bộ Y tế có 24 bệnh viện tuyến trên (gồm 18 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và 6 bệnh viện của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh) tham gia. Ðề án hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện tuyến trên gồm một số bệnh viện tuyến cuối và bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đủ năng lực chuyên môn kỹ thuật và trang thiết bị để hỗ trợ cho bệnh viện tuyến dưới thực hiện khám, chữa bệnh từ xa...

Tại Hội thảo góp ý kế hoạch triển khai Đề án Khám, chữa bệnh từ xa, do Cục Quản lý khám, chữa bệnh phối hợp với Tập đoàn Viettel tổ chức mới đây, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê cho biết, đề án "Khám, chữa bệnh từ xa" giai đoạn 2020 - 2025 được xây dựng với quan điểm chủ đạo là "chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa". Thông điệp này có ý nghĩa giúp tăng cường năng lực chuyên môn, nâng tầm chất lượng của bệnh viện tuyến dưới; đồng thời, kiến thức chuyên môn của tuyến trên được lan tỏa xa hơn tới mọi người dân trên khắp các vùng miền của Tổ quốc. Trong giai đoạn 2020 - 2021, ưu tiên đầu tư các chuyên khoa tim mạch, ngoại, sản, nhi, truyền nhiễm, ung bướu, huyết học truyền máu, các bệnh không lây nhiễm…

Các chuyên gia khẳng định, đẩy mạnh khám, chữa bệnh từ xa trong giai đoạn này, khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp là rất cần thiết. Dù phương pháp này không thể thay thế tuyệt đối phương pháp truyền thống nhưng sẽ là một công cụ hỗ trợ hữu ích cho hệ thống y tế. Hiệu quả rõ nhất là giảm tỷ lệ bệnh nhân đi từ nhà đến bệnh viện, giảm tỷ lệ chuyển tuyến từ bệnh viện cơ sở đến bệnh viện Trung ương, đặc biệt là giảm tỷ lệ tái khám của người bệnh.

Trong giai đoạn này, phải tăng cường tư vấn cho đối tượng người cao tuổi, người khuyết tật, người mắc các bệnh mạn tính, thực hiện kê đơn thuốc kéo dài… để hạn chế người dân đến các bệnh viện, tránh các nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện. 

"Các bệnh viện tuyến Trung ương có đội ngũ giáo sư, chuyên gia nhiều kinh nghiệm cần phải phát huy trong giai đoạn này để hỗ trợ cho các bệnh viện tuyến dưới. Bởi kinh nghiệm điều trị rất quan trọng và đáng trân trọng. Các bệnh viện phải quyết tâm thực hiện để phòng ngừa cho bệnh viện mình, không để tình trạng chưa đánh đã vỡ trận”- PGS.TS. Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh. 

Được biết, hiện cả nước có 40 bệnh viện tuyến Trung ương; 492 bệnh viện tuyến tỉnh; 645 bệnh viện tuyến huyện; 72 bệnh viện ngành; 275 bệnh viện tư nhân; 32.000 phòng khám tư nhân; 11.000 trạm y tế. Dự kiến đầu tháng 9, khoảng 1.000 cơ sở y tế sẽ tham gia vào kết nối khám chữa bệnh từ xa.

Tại hội thảo, đại diện Vụ Bảo hiểm y tế (BHYT) cho biết, sẽ chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các đơn vị liên quan xây dựng các quy định về chi trả bảo hiểm đối với các dịch vụ y tế khám chữa bệnh từ xa tại các bệnh viện tuyến dưới, tuyến trên. Theo đó, xác định khám chữa bệnh, tư vấn khám chữa bệnh từ xa là một loại dịch vụ y tế được Quỹ BHYT chi trả (tương tự như hội chẩn trực tiếp đối với từng trường hợp bệnh nhân cụ thể). Trong đó, mức hưởng BHYT là 100% - 95% - 80% chi phí 1 lần tư vấn theo giá đã xác định. Các dịch vụ phát sinh trong quá trình tư vấn, hội chẩn (như điện tim, siêu âm, X quang… được thực hiện trong quá trình tư vấn, hội chẩn dữ liệu theo thời gian thực), được Quỹ BHYT thanh toán theo quy định.

Minh Nhật