Chính sách và cuộc sống

Nâng niu từng đồng ngân sách!

- Thứ Ba, 13/08/2019, 07:25 - Chia sẻ

Kinh tế đất nước trong cam go thách thức vẫn vượt lên là ghi nhận đáng mừng. Nhưng nhìn thẳng trong những tín hiệu vui mừng ấy vẫn không thể không lo. Bộ KH - ĐT vừa trình Chính phủ những con số không thể không suy nghĩ. Đó là các dự án mở ra nhiều, nhưng hiệu quả của nhiều dự án báo động  quá giật mình. Nói gì khi 56.500 dự án đầu tư công thực hiện trong năm 2018 có tới 23.600 dự án chuyển tiếp từ các năm trước và 32.000 dự án khởi công mới đang đặt ra nhiều vấn đề cần tháo gỡ. Cả nước đưa vào khai thác hơn 30.000 dự án đầu tư công, nhưng có tới 245 dự án không hiệu quả. Nghĩ gì khi tổng vốn đầu tư công cả nước trên 631 nghìn tỷ đồng, nhưng giải ngân mới được 463.700 tỷ đồng. Có tới 168 nghìn tỷ đồng chậm giải ngân theo kế hoạch. Nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Khánh Hòa..., nhiều tập đoàn mở ra quá nhiều dự án lớn, nhưng điều hành, giám sát những dự án này còn không ít bất cập.

Kỷ luật đầu tư công rõ ràng bị buông lỏng. Quản lý đầu tư công còn nhiều lỗ hổng, khe hở cần bịt lại ngay. Nguyên nhân chỉ ra vẫn mãi là “chuyện dài nhiều tập”. Là nghẽn tắc giải phóng mặt bằng. Là vướng thủ tục, là bố trí vốn không kịp thời... Nhưng chỉ thẳng ra: Đó chính là năng lực quản lý các dự án của các chủ đầu tư thiếu tầm, là chọn nhà thầu thi công chưa chuẩn nên nhiều dự án “ôm” về những nhà thầu thi công yếu kém. Đó còn là cả những lỗ hổng trong  ký tá phê duyệt các dự án vội vàng không sát thực tế nên tình trạng đội vốn, tình trạng để thất thoát lãng phí đang gây ra nhiều nghi ngại bức xúc trong dư luận.

Nhìn xuyên suốt thì tình trạng nợ đọng trong xây dựng trong năm 2018 tới con số 12.500 tỷ đồng ở nhiều địa phương cũng chính là rào cản không nhỏ trong quản lý sử dụng vốn đầu tư công. Thất thoát lãng phí lớn trong đầu tư công được Bộ KH - ĐT “điểm mặt” là ba tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ và Quảng Ngãi.

Cho dù lãnh đạo các tỉnh này giải thích, biện minh kiểu gì thì cũng là buông lỏng và non kém.

Nói nâng niu từng đồng ngân sách mà dự án bằng vốn đầu tư công mà để thất thoát, lãng phí lớn, sao có thể lọt được tai dư luận? Nói quy trách nhiệm cá nhân trong ký tá, phê duyệt, trong thanh toán, quyết toán, trong đấu thầu, chọn thầu... nhưng đã “quy” được trách nhiệm cho ai(?) 

Mới hay việc giám sát quản lý sử dụng vốn đầu tư công ở các dự án lớn cần phải siết chặt. Chặt từ khâu thiết kế, từ khái toán, dự toán. Chặt từ những quyết định cho mở dự án. Chặt từ khi thu xếp nguồn vốn, Chặt từ chọn thầu, đấu thầu, chọn các doanh nghiệp thi công, các đơn vị giám sát thi công. Chặt ngay từ khi đền bù, giải tỏa. Hơn thế là rất phải chặt chẽ trong những cam kết, ràng buộc, từ các điều khoản với đối tác cho vay vốn, trong mua sắm thiết bị cho đến cả hồ sơ cam kết khi dự án đi vào vận hành. Bài học nhiều dự án đội vốn khủng quá đắng chát vẫn còn kia. Dự án mở tuyến xe buýt nhanh BRT của Hà Nội ném cả nghìn tỷ đồng giờ như “vỡ trận”, dự án đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh không chỉ đội vốn quá ghê, mà còn lỡ hẹn tới 8 lần chưa biết đến bao giờ đi vào hồi kết. Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng còn đủ ngổn ngang chưa rõ hiệu quả đến đâu. Dự án khu đô thị Thủ Thiêm, dự án khu công nghệ cao quận 9 của TP Hồ Chí Minh với đủ ì xèo, tai tiếng.

Lòng tin của hơn 96 triệu dân về đầu tư, sử dụng vốn đầu tư công ở các dự án mang tầm vóc quốc gia đang nhìn vào những quyết sách từ vĩ mô. Không thể cứ diễn mãi tình trạng mở dự án mà giải phóng mặt bằng ì ạch, khiếu kiện đền bù loạn xạ? Càng không thể cứ bộ nọ, chờ đợi ngành kia, rồi đổ lỗi cho  nhau, rồi ỳ ra như nhìn nhau trước những vấn đề phát sinh.

Dứt khoát phải đưa vào kỷ luật trong mở dự án, phê duyệt dự án, trong đấu thầu, chọn thầu. Dứt khoát phải giám sát từng đồng vốn trong các dự án đầu tư công theo những quy định của pháp luật. Trách nhiệm cá nhân trong đầu tư công càng phải có chế tài, cơ chế để quy trách nhiệm đến cùng. Chỉ có thế mới mong tháo gỡ được những rào cản, nút thắt trong đầu tư các dự án lớn hiện nay!

Đăng Quang