Phát triển nguồn nhân lực y tế

Nâng chất, tăng lượng

- Thứ Tư, 15/07/2020, 06:26 - Chia sẻ
Dù ngành y tế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm áp lực cho bệnh viện tuyến trên cũng như xây dựng mô hình y tế cơ sở chăm sóc sức khỏe cho người dân ngay từ địa phương, nhưng khảo sát ở nhiều địa phương cho thấy vẫn thiếu bác sĩ ở tuyến dưới và thiếu bác sĩ ở các chuyên ngành như lao, phổi, tâm thần, dự phòng điều trị HIV...

Chưa đáp ứng được nhu cầu

Nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực y tế luôn có vai trò quan trọng, quyết định đến việc thành công hay thất bại trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Chính vì vậy, để phát triển nguồn nhân lực y tế đã có nhiều chính sách được ban hành như: Quyết định số 319/QĐ-TTG phê duyệt Đề án “Khuyến khích và phát triển nhân lực y tế chuyên ngành lao, phong, tâm thần, pháp y và giải phẫu bệnh giai đoạn 2013 - 2020”, tạo ra sự thu hút trong đào tạo, tuyển dụng và sử dụng nguồn nhân lực thuộc các chuyên ngành khó thu hút này.

Cần đồng bộ giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành Y tế
Ảnh: Đặng Thái Yên

Nhân lực ở tuyến y tế cơ sở, bệnh viện đa khoa tuyến huyện và trạm y tế tuyến xã, nhất là vùng sâu, vùng xa của tỉnh còn hạn chế cả số lượng và chất lượng. Đơn cử, Trung tâm Y tế huyện Bình Liêu, Quảng Ninh hiện có 21 bác sĩ, trong đó 7 bác sĩ được tuyển từ năm 2012 - 2016. Từ năm 2017 đến nay, Trung tâm không tuyển thêm bác sĩ nào, trong khi đó có 1 bác sĩ chuyển công tác và 2 bác sĩ sẽ nghỉ hưu trong năm 2020. Trung tâm hiện thiếu khoảng 10 bác sĩ ở các chuyên khoa: Hồi sức cấp cứu, ngoại khoa, chẩn đoán hình ảnh, đông y...

Cùng với đó, hệ thống văn bản quy định chính sách ưu đãi nghề, phụ cấp đặc thù đã bước đầu giải quyết một phần thiếu hụt nhân lực trong các lĩnh vực y tế. Đơn cử, năm 2018, để giảm áp lực cho bệnh viện tuyến trên cũng như xây dựng mô hình y tế cơ sở chăm sóc sức khỏe cho người dân ngay từ địa phương Bộ Y tế đã triển khai đề án thí điểm trạm y tế xã tại 26 xã điểm thuộc 8 tỉnh, thành phố như Lào Cai, Khánh Hòa, Long An, Lâm Đồng...

Dù vậy, đến nay nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế vẫn chưa đáp ứng được với nhu cầu thực tiễn. Bên cạnh thiếu hụt về số lượng, tỷ lệ bác sỹ không được phân phối đồng đều tại các địa phương. Hiện nay xu hướng chuyển dịch của đội ngũ bác sĩ, từ nông thôn, vùng sâu, vùng xa ra thành thị, từ hệ dự phòng sang hệ điều trị và từ lĩnh vực công sang tư nhân đang là thách thức. Do vậy, lĩnh vực y tế dự phòng và y tế cơ sở ngày càng thiếu hụt trầm trọng đội ngũ bác sĩ.

Giám đốc Sở Y tế Gia Lai Mai Xuân Hải nêu thực tế, dù có 4.355 cán bộ y tế đang công tác tại các cơ sở y tế nhưng nguồn nhân lực của ngành vẫn thiếu hàng trăm người, nhất là bác sĩ. Ngoài việc thiếu bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu, gây mê hồi sức, giải phẫu thì còn thiếu bác sĩ ở trạm y tế xã. Hiện nay, 48/220 trạm y tế tuyến xã chưa có bác sĩ.

Tương tự như Gia Lai, Giám đốc Sở Y tế Bắc Giang Từ Quốc Hiệu cho biết, quá trình thực hiện Nghị quyết số 35/2015/NQ-HĐND ngày 11.12.2015 quy định mức hỗ trợ đào tạo và phát triển nhân lực y tế tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016 - 2020 cho thấy, một số nội dung còn bất cập chưa phù hợp với thực tế hiện nay như chưa hỗ trợ đối với chuyển giao kỹ thuật mới theo hình thức cầm tay chỉ việc (tại đơn vị), chưa ưu tiên nhân viên y tế đi đào tạo kỹ thuật mới các chuyên ngành đặc thù như: Lao, tâm thần, giải phẫu bệnh, HIV trong khi đây là các chuyên ngành khó, phức tạp, vất vả, nguy cơ bệnh nghề nghiệp rất cao.

Cần giải pháp đồng bộ

Trong phát triển ngành y tế, bên cạnh việc xây dựng khung khổ pháp lý thống nhất; xây dựng mạng lưới y tế đồng bộ trong toàn quốc; đầu tư nguồn lực tài chính một cách thỏa đáng để ngành y tế có thể làm tốt việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Nhà nước còn phải xây dựng, đào tạo đủ và phân bổ hợp lý nguồn nhân lực cho cho ngành y tế để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của quần chúng nhân dân. Để làm được điều đó Nhà nước cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy về bảo đảm chất lượng đào tạo nguồn nhân lực y tế. Bao gồm kiểm định chất lượng đào tạo, cải tiến chương trình, tài liệu giảng dạy, nâng cao năng lực giảng viên về giảng dạy và nghiên cứu…

Do đặc thù của ngành y với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, liên quan đến tính mạng con người, đòi hỏi Nhà nước phải giữ vững yêu cầu, chất lượng cao trong công tác tuyển sinh, đào tạo nguồn nhân lực y tế. Đồng thời chú trọng xây dựng năng lực về đào tạo lại/đào tạo liên tục về lĩnh vực chuyên môn, chuyển giao công nghệ, cơ chế quản lý các chương trình đào tạo lại để tránh chồng chéo hoặc thiếu hụt, chú ý đào tạo lại đối với một số chuyên ngành: quản lý bệnh viện, y pháp, dự phòng…

Theo các chuyên gia, tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực y tế, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân ví dụ như: chính sách thu hút, chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc… Đáng chú ý, hiện nay các bệnh viện công lập đang dần chuyển sang cơ chế tự chủ và hệ thống bệnh viện ngoài công lập phát triển vì vậy nên việc cạnh tranh nguồn nhân lực y tế chất lượng cao càng khốc liệt hơn.

Giám đốc Sở Y tế Gia Lai Mai Xuân Hải cho rằng, cần có chính sách đãi ngộ để thu hút bác sĩ về vùng sâu, vùng xa; tăng thêm phụ cấp thường trực cho nhân viên ngành y tế; điều chỉnh mức lương bác sĩ công tác ở vùng khó khăn; trong khi chờ tuyển dụng viên chức, công chức thì cho đơn vị được tuyển dụng hợp đồng lao động để bảo đảm nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ở các cơ sở y tế; đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cho ngành y tế.

Thái Yến