Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức

Nâng cao trách nhiệm của công chức đương nhiệm

- Thứ Hai, 10/06/2019, 08:03 - Chia sẻ
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được thảo luận trên hội trường hôm nay. Quy định cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình trong thời gian công tác và bãi bỏ hình thức kỷ luật giáng chức trong dự thảo Luật hiện đang còn ý kiến khác nhau.

Hình thức xử phạt hữu hiệu hơn

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, qua tổng hợp, ý kiến các bộ, ngành, địa phương đều nhất trí với việc bổ sung quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ công chức, viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác. Chính phủ cũng nhận thấy dự thảo Luật đã bổ sung quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ công chức, viên chức đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu tại Điều 84 Luật Cán bộ, công chức (áp dụng quy định của Luật đối với các đối tượng khác). Quy định như vậy là phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật, đúng với tính chất của đối tượng cán bộ công chức, viên chức đã nghỉ hưu là “đối tượng khác” so với cán bộ công chức. Do đây là hình thức xử lý kỷ luật mới, đối tượng áp dụng tương đối rộng nên quá trình thực hiện có thể phát sinh một số vấn đề pháp lý khác nhau đối với các đối tượng khác nhau. Vì vậy, những nội dung này Chính phủ báo cáo QH cho phép quy định chi tiết ở nghị định.


Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố: Lạng Sơn, Ninh Thuận, Cần Thơ, Bình Phước thảo luận tại tổ
Ảnh: Quang Khánh

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Pháp luật tán thành với Chính phủ về việc bổ sung trong dự thảo Luật quy định nguyên tắc xử lý kỷ luật đối với cán bộ công chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu nếu phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian công tác để thể chế hóa yêu cầu trong nghị quyết trung ương, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị tách nội dung này (hiện đang được bổ sung vào Điều 84) thành điều riêng để thể hiện rõ hơn vấn đề này và nghiên cứu quy định về các hình thức xử lý kỷ luật phải bảo đảm hệ quả pháp lý gắn trực tiếp với quyền lợi cá nhân về vật chất, tinh thần mà người có hành vi vi phạm đã được hưởng trong thời gian công tác hoặc nghỉ hưu để có tính răn đe, thuyết phục cao hơn. Đồng thời, phải làm rõ được nguyên tắc xác định thẩm quyền xử lý, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật bảo đảm tính khả thi và thống nhất trong quá trình thực hiện.

Hình thức kỷ luật này đã được áp dụng trong thời gian qua và được người dân ghi nhận, ủng hộ. Nhưng từ thời điểm bắt đầu thực hiện đã thấy rõ vướng mắc pháp lý. Vì “nguyên” lãnh đạo là chức danh không tồn tại, và do không có ai bổ nhiệm chức danh này nên không thể cách chức được.

Nhưng không xử lý với những cán bộ này thì tác dụng răn đe trong xử lý cán bộ công chức, viên chức sẽ giảm, hình thành quan điểm “hạ cánh an toàn”. Nếu xử lý về mặt Đảng cũng chỉ thực hiện ở địa bàn cư trú, không tạo tác động nhiều. Mặt khác, cán bộ thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của lãnh đạo cơ quan hành chính sẽ có thể giao Chính phủ hướng dẫn thực hiện, nhưng chức danh do QH, HĐND bầu hoặc phê duyệt, ghi nhận cụ thể bằng nghị quyết thì theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sẽ không thể điều chỉnh bởi cơ quan không ban hành văn bản đó. Song hệ quả pháp lý của việc xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm, theo đó những văn bản, quyết định của những người này ký còn hiệu lực hay không cũng là một hệ quả pháp lý cần đánh giá kỹ càng. Do vậy, một số ĐBQH đã đề xuất các hình thức xử lý kỷ luật có thể cân nhắc quy định ngay trong dự thảo Luật như phạt tiền, thu hồi tiền trách nhiệm chức vụ…

Không tiếp tục quy định hình thức kỷ luật giáng chức

Dự thảo Luật Chính phủ trình QH đưa ra phương án không tiếp tục quy định hình thức kỷ luật giáng chức, bởi việc quy định đồng thời 2 hình thức kỷ luật “giáng chức” và “cách chức” áp dụng đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý dễ dẫn đến tình trạng nể nang, chỉ áp dụng hình thức “giáng chức” thay vì phải áp dụng hình thức “cách chức”. Hơn nữa, quy định về hình thức kỷ luật giáng chức là không phù hợp với việc bố trí công chức theo vị trí việc làm. Hình thức “giáng chức” thực chất là bổ nhiệm vào chức vụ thấp hơn, trong khi đó tại vị trí được bổ nhiệm đã xác định đủ số lượng lãnh đạo, quản lý. Do vậy, để bảo đảm tính nghiêm minh, sự nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm, đặc biệt là các hành vi vi phạm của công chức lãnh đạo, quản lý, tránh tình trạng lợi dụng quy định để xử lý kỷ luật ở mức độ nhẹ hơn, Chính phủ đề nghị quy định theo hướng này.

Nhiều ý kiến trong cơ quan thẩm tra - Ủy ban Pháp luật, tán thành phương án tiếp tục giữ quy định về hình thức kỷ luật “giáng chức”, vì cho rằng về mặt pháp lý quy định hình thức xử lý kỷ luật “giáng chức” đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là cần thiết, mang tính răn đe cao. Thực tế, thời gian qua, căn cứ vào quy định này của Luật Cán bộ, công chức hình thức kỷ luật “giáng chức” cũng đã được áp dụng.

Trên thực tế, ranh giới giữa việc kỷ luật giáng chức và cách chức ở nước ta đang được cho là “có sự duy tình”. Có trường hợp cần cách chức nhưng cơ quan thực hiện lại muốn giảm nhẹ hình thức kỷ luật nên chỉ giáng chức. Việc bỏ hình thức kỷ luật giáng chức sẽ tương thích với 4 hình thức kỷ luật của hệ thống các cơ quan Đảng là cảnh cáo, khiển trách, cách chức, khai trừ khỏi Đảng. Bởi, hiện nay đang có 6 mức kỷ luật đối với cán bộ công chức, viên chức là khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức; cách chức và buộc thôi việc. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, nếu giám đốc sở cách chức xuống làm nhân viên sẽ rất phí.

Những vướng mắc về cơ sở pháp lý hay quan điểm nêu trên rõ ràng cần được thảo luận thấu đáo, thống nhất về nhận thức trong quá trình ĐBQH cho ý kiến về dự án Luật này. Hai yếu tố này được làm rõ mới yên tâm và có sự thống nhất trong thực hiện.

Thanh Hải