Nâng cao năng lực thanh tra chuyên ngành

- Thứ Hai, 02/12/2019, 07:46 - Chia sẻ
Công tác thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội đã tạo sự chuyển biến tích cực trong việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở kinh doanh. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả hơn nữa, thời gian tới, các địa phương cần phải vào cuộc quyết liệt hơn; quá trình thanh tra phải bảo đảm thực chất; đặc biệt, phải thực hiện các biện pháp “cầm tay chỉ việc” cho các đơn vị tuyến dưới để nâng cao năng lực cho lực lượng làm công tác thanh tra an toàn thực phẩm.

Nhiều kết quả khả quan

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung, trong những năm qua, công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn TP Hà Nội đã đạt được một số kết quả quan trọng. Cụ thể, thành phố đã xây dựng mô hình quản lý thực phẩm theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn. Tổ chức phối hợp với các tỉnh giám sát an toàn thực phẩm theo chuỗi từ khâu chăn nuôi đến tiêu thụ. Tổ chức gắn kết thu mua sản phẩm, xây dựng và mở rộng các mô hình sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất tốt…

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm luôn được coi trọng kết hợp với công tác tuyên truyền hướng dẫn giúp người sản xuất, kinh doanh nắm được các quy định và thực hiện đúng theo quy định về an toàn thực phẩm. Thực hiện nghiêm túc Quyết định số 38/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Đặc biệt là Quyết định số 47/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm tại các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và xã, phường, thị trấn thuộc huyện, quận, thị xã, thành phố của 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Gia Lai. Trong đó, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh triển khai thực hiện tại 100% số đơn vị hành chính cấp huyện, xã.

Thực hiện Quyết định số 47, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, từ ngày 10.7.2019 - 10.7.2020, TP Hà Nội mở rộng thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại tất cả 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn. Hiện nay, tất cả quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn đã ban hành kế hoạch thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm trên địa bàn từ ngày 10.7 - 31.12.2019.


Kiểm tra và lấy mẫu tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm
Nguồn: ITN

Cầm tay chỉ việc

Tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề Những vấn đề đặt ra từ việc thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm ở cơ sở của TP Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, với một địa bàn rộng, tập trung số lượng lớn các cơ sở kinh doanh thực phẩm, việc nhân rộng mô hình thí điểm thanh tra chuyên ngành là rất cần thiết. Hay nói các khác, việc hình thành và hoạt động của lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tuyến quận, huyện và xã, phường đã góp phần tăng hiệu lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, đồng thời nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người sản xuất, kinh doanh, nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân.

Cũng theo ông Chung, đạt được kết quả này là nhờ trong quá trình triển khai mở rộng thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm trên địa bàn có nhiều thuận lợi như sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của UBND thành phố; lãnh đạo các đơn vị đều xác định sự cần thiết của thanh tra chuyên ngành tuyến quận, huyện, xã, phường và coi đó là nhiệm vụ trọng tâm.

Tuy nhiên, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều tồn tại do số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ không có giấy phép kinh doanh tại tuyến xã còn nhiều. Phần lớn chưa đáp ứng các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm; hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ còn tồn tại. Đặc biệt là lực lượng thanh tra chuyên ngành còn thiếu và yếu, nhất là còn phải kiêm nhiệm nhiều. Chưa kể, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Trần Ngọc Tụ cho biết, do tuyến xã, phường còn hạn chế tránh xử phạt nên tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều vấn đề, chứa đựng nguy cơ không bảo đảm an toàn.

Theo các chuyên gia, thời gian tới, các địa phương cần phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa; quá trình thanh tra, kiểm tra phải bảo đảm thực chất; đặc biệt, phải coi trọng công tác hậu kiểm. Để thực hiện được điều này, Phó chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Hà Nội Nguyễn Ánh Nguyệt cho rằng, chính quyền các cấp cần tăng cường tập huấn, đào tạo chuyên môn cho cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm; nâng cao chất lượng đội ngũ chuyên trách an toàn thực phẩm của các tuyến, đủ khả năng quản lý và điều hành các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm tại các địa phương.

“Từ thành phố đến các cấp quận, huyện, thị xã phải thực hiện các biện pháp “cầm tay chỉ việc” cho các đơn vị tuyến dưới để vừa nâng cao năng lực cho lực lượng làm công tác thanh tra an toàn thực phẩm, vừa triển khai đạt hiệu quả cao nhất. Các đơn vị cũng cần vận dụng quan hệ kết hợp động viên, liên hệ, tuyên truyền để các đối tượng nhận thức và tuân thủ pháp luật từ đó triển khai thanh tra hiệu quả” - bà Nguyệt nhấn mạnh.

Nhật Phương