TP Hồ Chí Minh:

Nâng cao năng lực quan trắc môi trường

- Thứ Ba, 01/10/2019, 07:58 - Chia sẻ
Theo các chuyên gia, với tình hình ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng như hiện nay, TP Hồ Chí Minh cần phải sớm thực hiện đồng bộ từ đầu tư nâng cấp trang thiết bị, bố trí các trạm quan trắc phù hợp, có thể tự xử lý được dữ liệu quan trắc để đưa ra cảnh báo kịp thời về những biến đổi môi trường.

Không khí bị ô nhiễm nặng

Theo các chỉ số chất lượng không khí đo được từ phần mềm Air Visual, Mỹ, tình trạng ô nhiễm không khí và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người (Air Quality Index- AQI) trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện ở mức trên 109. Đây là mức ô nhiễm nặng (màu đỏ, cam) - là mức thuộc nhóm có hại cho sức khỏe cộng đồng. Theo đó, chỉ số bụi mịn PM2.5 dao động ở mức trên 100 µg/m³, cao hơn gấp 4 lần quy chuẩn quốc gia (25 µg/m3) và gần 11 lần trung bình năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Theo dự báo đến năm 2025 nồng độ O3 sẽ vượt 1.15 đối với trung bình 1 giờ cao nhất (230µg/m3) và 1,2 lần đối với trung bình 8 giờ (144µg/m3). Nồng độ CO gấp 1,05 lần QCVN. Nồng độ NO2 vượt 1,5 lần. Chỉ có SO2 có nồng độ đạt QCVN. Đến năm 2030, ô nhiễm của thành phố sẽ cao hơn với nồng độ CO đều vượt so với QCVN đến 1,7 lần, O3 vượt 1.15 lần, tương tự với nồng độ NO2 có trung bình giờ gấp 1,67 lần so với QCVN, và đặc biệt là thời gian này, nồng độ trung bình giờ cao nhất SO2 cũng sẽ vượt QCVN 1,02 lần.

Về chất lượng không khí của TP Hồ Chí Minh, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Nguyễn Đinh Tuấn cho biết, những ngày qua xảy ra hiện tượng đảo nhiệt, trời nhiều mây, độ ẩm cao nên khí thải ô nhiễm không bốc lên được mà lơ lửng tầng thấp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.

Các chuyên gia Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng cho hay, trong những nguyên nhân gây ô nhiễm, hoạt động giao thông phát thải các chất ô nhiễm cao nhất, cụ thể hoạt động giao thông chiếm 99% trong tổng phát thải CO của toàn TP Hồ Chí Minh... Ngoài ra, một trong những phát hiện mới của Viện Môi trường và Tài nguyên là phát thải từ hoạt động bến cảng tàu của TP Hồ Chí Minh cũng đóng góp một phần đáng kể vào vấn đề ô nhiễm không khí của thành phố.


Hoạt động giao thông phát sinh bụi, ảnh hưởng xấu đến chất lượng không khí Nguồn: ITN

Đầu tư nâng cấp trang thiết bị

Theo Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam (VCAP) Hoàng Dương Tùng, dù chất lượng ô nhiễm không khí tại TP Hồ Chí Minh đang diễn biến xấu, nhưng công tác dự báo cũng như các giải pháp đưa ra để giảm thiểu lại chưa mang lại hiệu quả. Theo ông Tùng, với tình hình ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng như hiện nay, TP Hồ Chí Minh phải sớm thực hiện đồng bộ từ đầu tư nâng cấp trang thiết bị, bố trí các trạm quan trắc phù hợp, có thể tự xử lý được dữ liệu quan trắc để đưa ra cảnh báo kịp thời về những biến đổi môi trường.

Đồng thời, để hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng phức tạp, thành phố cần triển khai từng bước kiểm soát khí thải xe máy, tăng cường giao thông công cộng, sử dụng nhiên liệu sạch, sử dụng xe điện, khuyến khích đi bộ... Cùng với đó, cần sớm hoàn thiện hệ thống quan trắc tự động và truyền dữ liệu trực tuyến về Sở Tài nguyên và Môi trường; đặc biệt, đầu tư thêm các trạm quan trắc không khí tự động và công khai thông tin để mọi người cùng theo dõi.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không chỉ TP Hồ Chí Minh, mà hiện nay ở nước ta còn quá thiếu các trạm quan trắc tự động. Nguyên nhân được đưa ra là cơ chế tài chính không phù hợp, thiếu kinh phí bảo trì, thay thế bảo đảm hoạt động… Điều này dẫn đến nhiều trạm quan trắc hỏng nhưng không có thiết bị thay thế kịp thời.

“Việc đo đạc nồng độ khí thải ô nhiễm hiện nay chỉ thực hiện thủ công tại 20 vị trí, nguyên nhân là do dù có hơn 10 trạm quan trắc không khí tự động, nhưng những trạm này đã bị hư hỏng hơn 10 năm qua nên không thể sử dụng. Trong khi đó, các trạm chủ yếu được bố trí tại khu vực nội thành độ bao quát không cao, không phản ánh đúng bản chất và diễn biến của tình trạng ô nhiễm khí thải” - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết.

Để khắc phục, bà Mỹ cho hay, Sở đã đề xuất thành phố đầu tư xây dựng dự án nâng cao năng lực quan trắc môi trường với tổng kinh phí gần 500 tỷ đồng. Theo đó, đến năm 2020 sẽ đầu tư 7 trạm quan trắc tự động chất lượng môi trường không khí cố định, 2 trạm quan trắc chất lượng nước mặt lưu vực sông Sài Gòn, Đồng Nai. Cải tạo, nâng cấp 15 trạm quan trắc chất lượng nước dưới đất và đầu tư thêm 3 trạm mới. Song song đó, đầu tư trang thiết bị phòng kiểm chuẩn cho các thiết bị quan trắc tự động liên tục, nâng cấp hiện đại hóa phần phân tích tài nguyên và môi trường, hệ thống điều hành mạng lưới quan trắc tự động chất lượng môi trường nói chung.

Sau khi hoàn thiện, Sở tiếp tục triển khai tiếp 8 trạm quan trắc tự động chất lượng nước mặt lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai. Mặt khác, đầu tư thêm 10 trạm quan trắc chất lượng nước dưới đất, 5 trạm quan trắc lún mặt đất. Đặc biệt là đầu tư mạng lưới quan trắc giám sát môi trường nước thải đối với lưu lượng nguồn thải từ 1.000m3/ngày/đêm trở lên và xây dựng mới trạm điều hành hệ thống quan trắc tự động trên địa bàn thành phố.

Nhật Phương