Nâng cao năng lực đội ngũ công tác viên dân số

- Thứ Ba, 12/11/2019, 10:24 - Chia sẻ
Đội ngũ cộng tác viên (CTV) dân số đóng vai trò nòng cốt trong việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực dân số. Thấu hiểu vai trò đó, Nghị quyết số 21-NQ/TW chỉ rõ, cần đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, thực hiện chuẩn hóa đội ngũ cán bộ dân số các cấp, các ngành đáp ứng yêu cầu chuyển hướng sang chính sách dân số và phát triển.

Lực lượng giữ vai trò nòng cốt

“Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để vận động người dân thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) là hình ảnh không còn lạ lẫm với nhiều người dân về công việc của CTV dân số tại vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều dân tộc thiểu số cư trú.

Chi cục trưởng Chi cục DS - KHHGĐ Nghệ An Bác sỹ CKII Nguyễn Bá Tân, người đã từng nhiều lần đồng hành cùng các CTV tham gia các chương trình truyền thông về dân số hơn ai hết thấu hiểu nhất điều này. “Có thời điểm tôi đã cùng CTV, cán bộ dân số xã đi từng hộ của người dân tộc thiểu số, công giáo để vận động về chính sác KHHGĐ, chỉ khi đi sâu, đi sát, đồng hành cùng các CTV ta mới hiểu rõ được vai trò và sự khó khăn của họ” - Bs Nguyễn Bá Tân chia sẻ.


Cộng tác viên dân số đóng vai trò nòng cốt để vận động người dân thực hiện chính sách DS – KHHGĐ. (Nguồn: ITN)

Theo ông, cộng tác viên dân số là  “cánh tay nối dài” có vai trò quan trọng trong ngành Dân số. Hiện toàn tỉnh Nghệ An có gần 7.000 CTV dân số luôn có mặt từ nông thôn, thành thị đến vùng sâu, vùng xa... Đây là lực lượng đông đảo giúp ngành Dân số triển khai công tác đến tận cơ sở, tới từng gia đình, người dân; đóng góp chủ yếu cho công tác thu thập thông tin ở cơ sở giúp chính quyền nắm được tình hình dân số ở các xã, phường, mức độ biến động dân số của từng địa bàn.

Nói về vai trò của CTV dân số, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh Hà Giang Lý Chí Phương cũng chia sẻ, việc tuyên truyền công tác dân số trên các phương tiện thông tin đại chúng bên cạnh những mặt ưu việt thì cũng có những hạn chế nhất định; trong đó, đáng nói hơn cả là việc người nghe, người xem không thể tương tác, hỏi lại hay trao đổi để giải quyết thắc mắc hay những nội dung chưa hiểu rõ, nhất là đối với những người có trình độ văn hoá chưa cao, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Do đó, các hoạt động truyền thông DS - KHHGĐ của mạng lưới CTV dân số ở cộng đồng có vai trò quan trọng trong việc cung cấp các kiến thức cơ bản cần thiết cho người dân.

Giải pháp để nâng cao năng lực CTV

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Nguyễn Thị Ngọc Lan đã chỉ ra rằng, lợi thế của các CTV dân số là hầu hết đều là người địa phương, sống ở ngay trong cộng đồng, họ có thể hiểu rõ nhu cầu, đặc điểm của từng đối tượng để lựa chọn cách thức trao đổi và truyền đạt các nội dung về DS - KHHGĐ như thế nào cho phù hợp. Vì vậy, nâng cao chất lượng đội ngũ CTV cũng chính là một bước để nâng cao chất lượng dân số.

Để triển khai công việc này, Nghị quyết 21-NQ/TW, ngày 25.10.2017, Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương về công tác dân số trong tình hình mới đã đặt ra nhiệm vụ “kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ dân số”; trong đó nêu rõ, cần “có chính sách đãi ngộ thỏa đáng, nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ CTV ở thôn, bản, tổ dân phố”.

Để đạt được điều này, theo bà  Nguyễn Thị Ngọc Lan việc đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ CTV dân số đáp ứng yêu cầu chuyển hướng sang chính sách dân số và phát triển là hết sức cần thiết trong thời gian tới. Hàng năm, trên cơ sở hướng dẫn của ngành y tế - dân số, các địa phương cần tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, cung cấp thông tin, nói chuyện chuyên đề về công tác dân số với nhiều thành phần tham gia, trong đó có đội ngũ CTV ở các thôn, xóm, cụm dân cư… Qua đó cung cấp, bổ sung thông tin, kiến thức, kỹ năng giúp cho đội ngũ CTV dân số tại các địa phương có thể triển khai lồng ghép, tuyên truyền và thực hiện đạt kết quả công tác dân số tại địa phương.

Nói về bộ giải pháp nâng cao chất lượng CTV Dân số, Chi cục trưởng Chi cục DS - KHHGĐ Nghệ An Nguyễn Bá Tân cũng tham mưu, cấp trung ương cần có chế độ chính sách, hỗ trợ kịp thời, thỏa đáng đối với đội ngũ làm công tác dân số, trước hết là ưu tiên hỗ trợ cho đội ngũ CTV dân số thôn, bản, các khu dân cư; đồng thời có chính sách khen thưởng kịp thời đối với những người làm tốt công tác tuyên truyền, vận động về DS - KHHGĐ để khuyến khích họ gắn bó lâu dài với công việc.

Tùng Dương