Nâng cao năng lực các chủ thể thực hiện giám sát

- Thứ Tư, 24/06/2020, 08:09 - Chia sẻ
Trên thực tế, hoạt động giám sát của HĐND tỉnh rất rộng, bao quát toàn bộ hoạt động quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng, củng cố chính quyền, thực hiện pháp luật, bảo đảm phát huy quyền làm chủ Nhân dân ở địa phương. Để thực hiện tốt chức năng giám sát của HĐND tỉnh, cần quan tâm một số giải pháp nâng cao năng lực các chủ thể thực hiện hoạt động giám sát của HĐND.

Thành viên Thường trực HĐND tỉnh phải hoạt động chuyên trách

Thường trực HĐND tỉnh có vị trí, vai trò rất quan trọng trong thực hiện chức năng giám sát của HĐND tỉnh và còn phải thực hiện khối lượng công việc rất lớn khác. Tuy nhiên trên thực tế, cơ cấu tổ chức của Thường trực HĐND tỉnh chưa ngang tầm với quyền hạn, nhiệm vụ pháp luật quy định. Do vậy, cần tăng số lượng thành viên Thường trực HĐND tỉnh và phải hoạt động chuyên trách. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt công tác chỉ đạo, điều hòa, phối hợp và phân định rõ ràng thẩm quyền giám sát của Thường trực, các Ban HĐND tỉnh để vừa thực hiện tốt công tác phối hợp chỉ đạo, vừa tăng cường tính chủ động, độc lập trong thực hiện chức năng giám sát của HĐND tỉnh.

Thường trực HĐND tỉnh chủ động tìm ra biện pháp hợp lý để đẩy mạnh hoạt động giám sát của HĐND tỉnh. Cần chỉ đạo, điều hòa, phối hợp với các Ban sao cho hợp lý trong công tác giám sát, trong việc tiếp công dân nhằm bảo đảm cho pháp luật và nghị quyết của HĐND tỉnh được thực hiện nghiêm chỉnh, góp phần tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho cơ sở, động viên, khuyến khích cơ sở phát huy những mặt tốt, chỉ ra được những sai sót cần kịp thời sửa chữa. Từ đó, tạo mối quan hệ tốt, gắn bó giữa HĐND tỉnh và các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát.

Quy định rõ số lượng tối thiểu ủy viên các ban

Để thực hiện hiệu quả thẩm quyền được quy định, các Ban của HĐND tỉnh phải bảo đảm đủ số lượng và có cơ cấu hợp lý. Trưởng ban và các Phó Trưởng ban được bố trí ổn định xuyên suốt trong nhiệm kỳ. Riêng đối với các ủy viên, cần quy định cụ thể số lượng, trong đó quy định rõ số lượng tối thiểu để bảo đảm tính thống nhất chung trong thực hiện giữa các địa phương, bảo đảm tính hiệu quả trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Ủy viên của Ban HĐND tỉnh vừa bảo đảm cơ cấu, thành phần hợp lý, vừa bảo đảm chất lượng đại biểu - đó là yêu cầu khách quan, cần thiết, quyết định tính chất và chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh. Phải bảo đảm cơ cấu của Ban gồm những đại biểu HĐND tỉnh là Thủ trưởng của cơ quan, đơn vị có lĩnh vực tương đồng với chức năng, nhiệm vụ của Ban; đại biểu phải có am hiểu về lĩnh vực của HĐND tỉnh và nội dung hoạt động của Ban.

Phát huy vai trò “cánh tay nối dài” của HĐND

Nhằm tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ của các Tổ đại biểu HĐND tỉnh trong giám sát, Tổ đại biểu phải tăng cường phối hợp chặt với Thường trực, các Ban của HĐND tỉnh trong lựa chọn chuyên đề giám sát nhằm tránh chồng lấn, trùng lặp về thời gian, nội dung, đối tượng chịu sự giám sát; tránh việc một đại biểu phải tham gia nhiều đoàn giám sát của HĐND tỉnh. Tổ đại biểu duy trì thường xuyên việc xây dựng chương trình công tác năm. Hàng tháng, quý xây dựng kế hoạch cho từng hoạt động. Công tác xây dựng chương trình giám sát của Tổ đại biểu phải có sự tham gia góp ý kiến của Thường trực và các Ban của HĐND tỉnh. Tổ đại biểu HĐND tỉnh phải thể hiện vai trò là “cánh tay nối dài” của HĐND tỉnh, giúp HĐND, các Ban của HĐND tỉnh mở rộng phạm vi, hoạt động giám sát, phát huy tính chủ động trong hoạt động của mình.

Mối quan hệ giữa các thành viên trong Tổ cần được gắn kết chặt hơn; chia sẻ trao đổi thông tin, hỗ trợ lẫn nhau nhiều hơn. Mỗi đại biểu thể hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong nghiên cứu, tiếp cận các vấn đề của địa phương toàn diện, sâu sắc hơn; khắc phục dần tình trạng đại biểu chỉ quan tâm đến những vấn đề thuộc lĩnh vực chuyên môn và thiếu quan tâm đến các lĩnh vực quan trọng khác.

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Bình Phước giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2016- 2021 

Nâng cao năng lực giám sát của đại biểu

Sau kỳ họp thứ Nhất, cần cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, tài liệu, văn bản quản lý nhà nước liên quan trực tiếp đến tổ chức, hoạt động của HĐND tỉnh, đến chính sách kinh tế - xã hội, các tài liệu nghiệp vụ có liên quan đến lĩnh vực công tác cho đại biểu HĐND tỉnh. Tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu theo định kỳ hàng năm (nhất là những năm đầu nhiệm kỳ). Hình thức bồi dưỡng, tập huấn chú trọng đến việc thực hành, tăng cường các bài tập xử lý tình huống hoạt động thực tiễn trên các lĩnh vực, nhất là hoạt động giám sát tỉnh để khắc phục tính hình thức, giảm tải về lý thuyết để việc tổ chức tập huấn sát thực tiễn. Nội dung bồi dưỡng, tập huấn tập trung vào: Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu HĐND tỉnh, các kiến thức về pháp luật để giúp đại biểu hiểu rõ về HĐND tỉnh và vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, các kiến thức quản lý nhà nước trên các lĩnh vực… đặc biệt là các kiến thức phục vụ hoạt động giám sát của đại biểu HĐND. Tăng cường tổ chức các hội nghị chuyên đề, hội thảo ở cấp tỉnh trên từng lĩnh vực cụ thể.

Để có thông tin phục vụ hoạt động giám sát, các đại biểu HĐND tỉnh cần tăng cường đi thực tế tại địa phương, theo dõi giám sát các cơ quan chức năng trong thực hiện quy định của pháp luật, nghị quyết của HĐND tỉnh, việc trả lời, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri; nghiên cứu sớm các tài liệu, văn bản trình tại các kỳ họp HĐND tỉnh để tham gia ý kiến thảo luận có chất lượng; tích cực tham gia các hoạt động giám sát, TXCT theo quy định.

Đào Thị Triển, Trưởng phòng Tổng hợp, Văn phòng HĐND tỉnh Bình Phước