Nâng cao kỹ năng chất vấn tại kỳ họp HĐND

Tăng cường đối thoại, gợi mở vấn đề

- Thứ Năm, 02/07/2020, 06:47 - Chia sẻ
Các câu hỏi cần được xác minh, tổng hợp từ nhiều kênh thông tin. Việc đặt câu chất vấn ngắn gọn, đúng trọng tâm, sát tình hình thực tế, có căn cứ, địa chỉ cụ thể, nên là những vấn đề chung liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là những vấn đề nổi cộm, bức xúc đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm. Quá trình điều hành kỳ họp, chủ tọa xác định vấn đề, nhóm vấn đề cần tập trung điều hành linh hoạt, tăng cường đối thoại, dẫn dắt, gợi mở để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp khắc phục.

Chất vấn tại kỳ họp là diễn đàn dân chủ, thể hiện quyền lực của cơ quan dân cử ở địa phương, thể hiện vai trò, trách nhiệm của từng đại biểu HĐND cũng như trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với những vấn đề cử tri, dư luận quan tâm. Hoạt động chất vấn hướng đến mục tiêu xây dựng, làm cho các cơ quan trong bộ máy nhà nước thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của mình, bảo đảm sự minh bạch và trách nhiệm trong thực thi công vụ, giúp cho hoạt động của các cơ quan và người được chất vấn thực hiện chức trách, nhiệm vụ tốt hơn.

Đại biểu chất vấn tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Bắc Giang
Ảnh: Hoàng Hà

Không còn hỏi - đáp chung chung...

Trong các kỳ họp vừa qua, HĐND các cấp của tỉnh Bắc Giang đặc biệt quan tâm hoạt động chất vấn. Các đại biểu HĐND đã chú trọng lựa chọn các vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm; thu thập đầy đủ thông tin, sát với tình hình thực tế, do đó chất lượng chất vấn được nâng lên, không còn hỏi đáp chung chung mà đã được minh chứng bằng các số liệu cụ thể, thông qua các câu hỏi phụ; chất vấn lãnh đạo chủ chốt được thể hiện thẳng thắn.

Các đại biểu đã nghiên cứu kỹ nội dung, đặt câu hỏi xác đáng, rõ ràng, nội dung ngày càng đa dạng, bao quát được các lĩnh vực và các vấn đề nổi cộm, bức xúc đông đảo cử tri quan tâm như: Lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường, đầu tư công, thu chi ngân sách, công tác cán bộ, chế độ chính sách...

Chất lượng các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp HĐND ngày một nâng lên, các ý kiến chất vấn đã được các cấp, các ngành giải trình, làm rõ; UBND các cấp và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị được chất vấn ngày càng thể hiện rõ hơn trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, trong giải quyết công việc cũng như điều hành công tác quản lý ở địa phương, đơn vị.

... nhưng, ý kiến chất vấn chưa nhiều

Tuy nhiên, số lượng ý kiến chất vấn trong các kỳ họp vẫn chưa nhiều, chủ yếu tập trung vào một số đại biểu tích cực. Một số ý kiến chất vấn của đại biểu chưa được chuẩn bị chu đáo, câu hỏi còn chung chung, không rõ ràng, thậm chí thiếu chính xác, gây lúng túng, hiểu lầm cho các cơ quan được chuẩn bị trả lời. Trả lời của thủ trưởng một số cơ quan, đơn vị còn dài, né tránh, chung chung, chưa đi thẳng vào câu hỏi; một số vụ việc đại biểu đã chất vấn nhiều lần tại các kỳ họp nhưng chưa được tập trung giải quyết dứt điểm.

Thực tế trên có nguyên nhân do nhiều đại biểu HĐND hoạt động kiêm nhiệm, chủ yếu tập trung nhiệm vụ chuyên môn, chưa thực sự bố trí, sắp xếp thời gian nhiều cho hoạt động HĐND, điều kiện thu thập và phân tích thông tin còn hạn chế; tài liệu kỳ họp nhiều, đại biểu chưa dành nhiều thời gian nghiên cứu kỹ, từ đó nắm không chắc nội dung, các vấn đề phải chất vấn thường do tổ trưởng phân công.

Mặt khác, nhiều đại biểu do có mối quan hệ công tác gắn bó thân mật giữa các cơ quan, đơn vị nên nể nang, ngại va chạm; một số đại biểu do năng lực, trình độ, khả năng cập nhật thông tin còn hạn chế, nhất là đối với một số đại biểu trẻ, đại biểu mới tham gia HĐND lần đầu do thiếu kinh nghiệm đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động chất vấn tại kỳ họp HĐND.

Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn

Để hoạt động chất vấn thực sự có hiệu quả, với vai trò và trách nhiệm của mình, đại biểu HĐND nâng cao hơn nữa năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Các câu hỏi cần được xác minh, tổng hợp từ nhiều kênh thông tin, từ thực tiễn cuộc sống, từ hoạt động TXCT, tiếp công dân, các phương tiện thông tin đại chúng. Việc đặt câu chất vấn cần ngắn gọn, đúng trọng tâm, sát tình hình thực tế, có căn cứ, địa chỉ cụ thể, nên là những vấn đề chung liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là những vấn đề nổi cộm, bức xúc được đông đảo cử tri và Nhân dân quan tâm.

Khi nhận được các câu hỏi chất vấn, Thường trực HĐND lựa chọn, quyết định những vấn đề cấp bách, quan trọng, được cử tri, xã hội quan tâm chất vấn trực tiếp tại kỳ họp. Quá trình điều hành kỳ họp, chủ tọa cần xác định vấn đề, nhóm vấn đề cần tập trung điều hành linh hoạt, tăng cường đối thoại trên tinh thần dân chủ và trách nhiệm, dẫn dắt, gợi mở vấn đề, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp khắc phục. Sau mỗi nội dung chất vấn, chủ tọa phải có kết luận rõ ràng, gợi ý chất vấn bổ sung nếu thấy việc trả lời chưa thỏa đáng để làm rõ vấn đề cử tri, nhân dân quan tâm. Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, cần ra thông báo kết luận, ban hành và bổ sung nghị quyết nếu thấy cần thiết. Hậu chất vấn và trả lời chất vấn, Thường trực, các Ban, các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND phải tăng cường đôn đốc, giám sát việc thực hiện những lời hứa của UBND và các ngành liên quan đến nội dung được kết luận tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Cùng với đó, cần tăng cường đại biểu chuyên trách có năng lực, giảm đại biểu kiêm nhiệm, nhất là đại biểu khối hành pháp. Trong bầu cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ tới, cần có giải pháp giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa cơ cấu và chất lượng đại biểu, đặc biệt coi trọng tiêu chuẩn chất lượng đại biểu để lựa chọn được những người thực sự có năng lực, trách nhiệm với hoạt động cơ quan dân cử.

CẨM LY