Nhịp cầu

Nâng cao hiệu quả quản lý, bảo tồn di tích

- Thứ Năm, 11/04/2019, 08:48 - Chia sẻ
Khảo sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, bảo tồn các di tích đã được xếp hạng trên địa bàn huyện Yên Dũng giai đoạn 2016 - 2018, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Bắc Giang đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong quản lý, tu bổ, tôn tạo và đưa ảnh Bác Hồ phối thờ trong di tích đối với 2 di tích. Trong đó, tại đình Hạ Long (xã Đồng Phúc), khi tu sửa đã tự ý thay thế một số vật liệu gỗ bằng bê tông; tại Đình Đông Hương (xã Nham Sơn) vẫn còn phối thờ ảnh Bác Hồ trong di tích mà chưa có giải pháp khắc phục.

Làm rõ nội dung này tại phiên giải trình cuối tháng 3 vừa qua của Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng Trương Quang Hải cho biết: Đối với đình Hạ Long, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản thỏa thuận tu bổ, tôn tạo di tích gồm các hạng mục: Xây lại móng và tường bao, sửa mái ngói, hoành rui gỗ lim bị mục thay bằng gỗ keo. Theo kế hoạch, Ban quản lý di tích xã phối hợp với thôn và người dân thực hiện. Song, khi hạ giải, vật liệu kết cấu của Đình không còn bảo đảm do mối mọt và không tái sử dụng được nên buộc phải dừng lại và họp dân xin ý kiến xây lại. Do nguồn kinh phí hạn hẹp và thế đất thổ nhưỡng hay bị mối mọt nên khi họp dân đã thống nhất thay thế một số vật liệu gỗ keo bằng bê tông mà không gửi báo cáo về huyện để xin ý kiến lại.

Khi phát hiện ra sai phạm, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã phối hợp với BQL di tích lịch sử - văn hóa huyện làm việc, lập biên bản xử lý, báo cáo UBND huyện và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tuy nhiên, công trình đã cơ bản hoàn thiện nên không thể yêu cầu tháo dỡ. Còn tại đình Đông Hương, ngay sau khi Đoàn khảo sát kết luận, chỉ ra sai sót trong việc đặt ảnh Bác Hồ phối thờ trong di tích, UBND huyện đã giao Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp với UBND xã làm việc với thôn Đông Hương để rút kinh nghiệm và chấn chỉnh ngay, đưa ảnh Bác Hồ ra khỏi di tích và treo tại nhà văn hóa thôn.

Nhận trách nhiệm về những thiếu sót trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng khẳng định, thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý đối với các di tích lịch sử - văn hóa. Trong đó, tiếp tục chỉ đạo tuyên truyền, triển khai thực hiện Luật Di sản văn hóa và các văn bản liên quan, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong quản lý di tích lịch sử - văn hóa, phấn đấu đến năm 2025, 100% di tích đã xếp hạng bị xuống cấp được tu bổ, tôn tạo kịp thời và đến năm 2020, từ 80% di tích đã xếp hạng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Bên cạnh đó, tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa gắn với phát triển du lịch, thực hiện hiệu quả Đề án Bảo tồn các di sản văn hóa giai đoạn 2016 - 2020; quan tâm đầu tư kinh phí hỗ trợ tu bổ, tôn tạo các di tích xuống cấp. Trong đó, thực hiện kế hoạch đầu tư công của huyện giai đoạn 2019 - 2020, chi hỗ trợ 3 tỷ đồng cho tu bổ, tôn tạo di tích xuống cấp. Đồng thời, thường xuyên chỉ đạo kiểm tra việc bảo vệ, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, các biểu tượng, sản phẩm, linh vật, hiện vật, đồ thờ không phù hợp tại các di tích lịch sử - văn hóa để phát huy giá trị các di tích, ngăn chặn xâm hại di tích, xử lý nghiêm các vi phạm; phối hợp xây dựng cơ chế thu hút đầu tư cho việc bảo tồn, tu bổ di tích gắn với phát triển du lịch…

Cử tri địa phương mong muốn ngành chức năng tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn các di tích, nhất là các di tích đã được xếp hạng sớm đi vào nề nếp, khắc phục được những tồn tại, hạn chế thời gian qua. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn.

Thanh Tâm