HĐND tỉnh Hải Dương

Nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn, giải trình

- Thứ Năm, 22/08/2019, 07:25 - Chia sẻ
Xác định tầm quan trọng và trách nhiệm của HĐND trước cử tri, nhiệm kỳ 2016 - 2021, hoạt động chất vấn, giải trình tại các kỳ họp của HĐND và các phiên họp Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương có nhiều đổi mới. Kinh nghiệm cho thấy, muốn tiếp tục truy vấn, đại biểu phải có sự chuẩn bị kỹ tư liệu, nội dung về vấn đề mình chất vấn cả về cơ sở pháp lý lẫn thực tiễn - đó là những bằng chứng thuyết phục để người trả lời chất vấn thấy được trách nhiệm của mình.

Xác định rõ thời gian thực hiện, trách nhiệm báo cáo kết quả

Để chuẩn bị tốt cho các phiên chất vấn tại kỳ họp, nội dung các câu hỏi được Thường trực HĐND chọn lọc từ nhiều kênh, từ giám sát của đại biểu và các Ban của HĐND tỉnh, từ dư luận xã hội, kiến nghị của cử tri, tập trung vào các vấn đề lớn, nổi cộm của tỉnh được nhân dân quan tâm. Thường trực HĐND luôn quan tâm đến các kiến nghị, phản ánh của cử tri thông qua các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh. Trong đó, báo, đài và phát thanh truyền hình cũng là một kênh thông tin quan trọng giúp cho hoạt động chất vấn của HĐND tỉnh đạt hiệu quả cao.

Thường trực HĐND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh quyết định nhóm vấn đề chất vấn, đồng thời phân định rõ nhóm vấn đề chất vấn trực tiếp tại kỳ họp, nhóm vấn đề trả lời chất vấn bằng văn bản và người bị chất vấn. Những vấn đề trả lời chất vấn bằng văn bản được chuyển sớm đến đối tượng bị chất vấn. Văn bản trả lời chất vấn phải được gửi đến đại biểu chất vấn, Thường trực HĐND tỉnh trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày chất vấn. Nếu đại biểu HĐND không đồng ý với nội dung trả lời chất vấn thì đề nghị HĐND đưa ra thảo luận tại kỳ họp, hoặc kiến nghị HĐND tỉnh xem xét trách nhiệm đối với người bị chất vấn.


Đại biểu chất vấn tại Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Hải Dương

 Suy cho cùng, hoạt động chất vấn, giải trình là để tìm ra bản chất của vấn đề và đưa ra hướng xử lý phù hợp, do đó cần có sự thẳng thắn, có tính xây dựng, có lý lẽ và thực tiễn thuyết phục, không cần thiết tạo áp lực hay có thái độ gay gắt, căng thẳng, quá lời; việc thực hiện đúng lúc và hiệu quả quyền chất vấn để có được câu trả lời từ phía người được hỏi cũng là cách đại biểu thể hiện rõ trách nhiệm của mình đối với những nỗi niềm cử tri muốn bày tỏ. Qua hoạt động này, đại biểu và cử tri cũng có thông tin hơn, chia sẻ và cộng đồng trách nhiệm hơn đối với những vấn đề lớn, khó để cùng chung tay giải quyết.

Tại các kỳ họp của HĐND tỉnh Hải Dương, thời lượng dành cho việc chất vấn, trả lời chất vấn được quan tâm; người được chất vấn trả lời ngắn gọn, đi thẳng vào nội dung, thời gian trả lời tối đa 4 - 5 phút. Các nội dung chất vấn được trả lời thỏa đáng, thẳng thắn nhìn nhận hạn chế, yếu kém của ngành, đồng thời đề ra giải pháp khắc phục có tính khả thi. Đối với các kiến nghị không giải trình trực tiếp tại kỳ họp, Văn phòng HĐND tỉnh tổng hợp chuyển đến các cơ quan có trách nhiệm trả lời bằng văn bản, gửi cho đại biểu ngay tại kỳ họp.

Trên cơ sở những nội dung đã chất vấn, Thường trực HĐND chỉ đạo Văn phòng tổng hợp để xem xét việc ban hành nghị quyết về chất vấn. Tuy nhiên, thời gian diễn ra kỳ họp từ nội dung chất vấn đến việc thông qua nghị quyết khá ngắn. Vì vậy, công tác tham mưu, chuẩn bị cần tập trung cao, gần như đồng thời với quá trình diễn ra chất vấn. Nghị quyết về chất vấn cần cụ thể nội dung, xác định rõ đối tượng, thời gian thực hiện, biện pháp khắc phục và trách nhiệm báo cáo kết quả tại kỳ họp HĐND tỉnh.  

Bên cạnh đó, Thường trực HĐND tỉnh cũng đã chú trọng tổ chức các phiên chất vấn, giải trình. Trước mỗi phiên chất vấn, giải trình, Thường trực HĐND tỉnh phân công các Ban phụ trách lĩnh vực tổ chức các hoạt động như khảo sát, giám sát trực tiếp, lấy phiếu điều tra hoặc ghi hình ảnh về các hoạt động liên quan đến nội dung chất vấn, giải trình làm căn cứ chất vấn tại phiên họp. Qua hoạt động chất vấn, Thường trực HĐND tỉnh ban hành kết luận, yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ, khắc phục tồn tại, hạn chế để báo cáo Thường trực hoặc trình kỳ họp HĐND tỉnh.

Giám sát việc thực hiện lời hứa

Hiệu quả của các phiên chất vấn, giải trình được thể hiện qua việc sáng tạo lựa chọn nhóm vấn đề đưa ra chất vấn; quá trình chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng cho phiên chất vấn của các Ban, Văn phòng HĐND tỉnh và sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của đại biểu HĐND tỉnh; đặc biệt là sự điều hành linh hoạt, mềm dẻo, kinh nghiệm của chủ trì phiên chất vấn giúp nhận diện vấn đề một cách sâu sắc, đồng thời gợi ý những giải pháp thiết thực để giải quyết khó khăn gặp phải đối với nhóm vấn đề đưa ra chất vấn.

Tại các phiên chất vấn, giải trình tại kỳ họp HĐND tỉnh và các phiên họp Thường trực HĐND tỉnh đều có thư ký ghi chép, tổng hợp các “lời hứa” của UBND tỉnh, các cơ quan liên quan về nội dung, tiến độ thực hiện, giải pháp khắc phục... để theo dõi đánh giá và có thể tiếp tục tái chất vấn vào kỳ họp tiếp theo. Sau mỗi phiên chất vấn, giải trình, HĐND tỉnh đều ra thông báo kết luận tại phiên chất vấn hoặc ra nghị quyết về các nội dung chất vấn nếu thấy cần thiết. Ngoài ra, tổ chức hoặc phân công các Ban HĐND theo dõi, đôn đốc khi cần thiết có thể tổ chức giám sát việc thực hiện lời hứa của UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn, thông báo kết quả thực hiện cho người chất vấn và báo cáo với HĐND tỉnh kết quả thực hiện lời hứa đó.

Thực tiễn cho thấy, để hoạt động chất vấn, giải trình đạt hiệu quả cao, các đại biểu cần nghiên cứu kỹ các văn bản liên quan đến chất vấn, phải có kỹ năng nghe, nhìn, tổng hợp, chọn lọc ý kiến, tự tin khi đứng trước đông người và có thái độ chuẩn mực, đặt câu hỏi ngắn gọn, súc tích, rõ ràng, nắm vững tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương… Trường hợp cần thiết, các đại biểu có thể trực tiếp đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề dự định chất vấn. Làm tốt những điều này, nếu người trả lời chất vấn, giải trình chưa trả lời rõ thì cần tranh luận, truy vấn đến cùng. Thực tế cho thấy, muốn tiếp tục truy vấn thì đại biểu phải có sự chuẩn bị kỹ tư liệu, nội dung về vấn đề mà mình chất vấn cả về cơ sở pháp lý lẫn thực tiễn, để khi nêu ra đó là những bằng chứng thuyết phục giúp người trả lời chất vấn thấy được trách nhiệm của mình đối với vấn đề mà đại biểu chất vấn.

THANH HÀ