Chương trình phát triển tài sản trí tuệ:

Nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của sản phẩm

- Thứ Tư, 27/11/2019, 17:42 - Chia sẻ
Sở hữu trí tuệ là lĩnh vực đặc thù và hoạt động sở hữu trí tuệ thường phát sinh từ các hoạt động sáng tạo, gắn liền với các kết quả nghiên cứu khoa học và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, hoạt động sở hữu trí tuệ hầu như chỉ sôi động ở các tỉnh, thành phố lớn, các trung tâm khoa học và công nghệ, công nghiệp và thương mại phát triển. Đánh giá được thực tế này, Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ được Thủ tướng phê duyệt và Cục Sở hữu trí tuệ là Cơ quan thường trực Chương trình thời gian qua đã tiến hành triển khai và mở ra một hướng đi đẩy mạnh hoạt động sở hữu trí tuệ tại các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, góp phần đưa hoạt động sở hữu trí tuệ tới mọi miền Tổ quốc, xã hội hóa công tác đầu tư cho hoạt động bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ.


Sau khi được cấp và công bố Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, sản phẩm vải thiều Lục Ngạn đã được nhiều nhà phân phối sản phẩm trong và ngoài nước đến khảo sát

Làm tăng giá trị sản phẩm
 
Từ bước đầu định hình việc sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ nhằm nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp, qua triển khai và thực hiện, Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ đã góp phần phát triển bền vững kinh tế-xã hội. Bởi chương trình  không chỉ tạo ra phương pháp để xây dựng, quản lý, khai thác và phát triển các đối tượng sở hữu trí tuệ đặc thù mà còn hỗ trợ về chuyên môn và kinh phí cho các địa phương, đơn vị áp dụng để nâng cao giá trị các sản phẩm, dịch vụ đặc trưng của địa phương, vùng, miền.
 

Bằng việc hỗ trợ xác lập, quản lý và phát triển đặc sản nổi tiếng của địa phương trong cả nước dưới các dự án khác nhau như về xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho bưởi Đoan Hùng, nho Ninh Thuận, cà phê Buôn Ma Thuột, sâm Ngọc Linh, cói Nga Sơn, thanh long Bình Thuận, nón lá Huế... Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho hoa Đà Lạt, đá mỹ nghệ Non Nước, nước mắm Cát Hải... Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cho chè Thái Nguyên, hồ tiêu Chư Sê, tỏi Lý Sơn, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim... Chương trình đã góp phần nâng cao nhận thức và sự quan tâm của các địa phương trong việc xây dựng và quản lý tài sản trí tuệ dùng cho các đặc sản địa phương. Qua đó, tạo điều kiện để tổ chức triển khai quản lý, khai thác thương mại sản phẩm, từ đó có thể nâng cao uy tín, chất lượng, giá trị và thị trường của sản phẩm, góp phần hỗ trợ nông dân, nhà sản xuất ổn định và từng bước nâng cao thu nhập, thực hiện chính sách “tam nông” của Đảng và Nhà nước.
 
Nhiều sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể đã được thị trường chấp nhận với giá bán tăng và cao hơn so với sản phẩm cùng loại như vải thiều lục ngạn, gạo tám xoan Hải Hậu, hoa hồi Lạng Sơn, tỏi Lý Sơn, tiêu Chư Sê. Nhờ đó, diện tích, quy mô sản lượng sản xuất kinh doanh sản phẩm được mở rộng, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.
 
Để tiếp tục phát huy hiệu quả
 
Việc triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ đã có những tác động tích cực, tạo ra giá trị gia tăng và hiệu quả đối với đời sống kinh tế, xã hội của Việt Nam. Thực tế các địa phương trên địa bàn cả nước đều có dự án được hỗ trợ từ Chương trình và tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tham gia các hoạt động chung của Chương trình.
 
Cũng từ mô hình của Chương trình đã giúp nhiều địa phương phê duyệt và thực hiện các chương trình riêng, bằng nguồn kinh phí tự huy động khác để xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm, dịch vụ của mình.
 


Chỉ dẫn địa lý giúp giá thanh long Bình Thuận tăng cao, vươn ra thị trường quốc tế

Sau khi sản phẩm thanh long Bình Thuận được hỗ trợ đăng ký và quản lý chỉ dẫn địa lý, diện tích thanh long toàn tình Bình Thuận đã tăng về diện tích và sản lượng. Theo đó, việc sản xuất và kinh doanh thanh long Bình Thuận đã thu hút thêm hàng trăm hộ dân và cơ sở thu mua, trong đó có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp.

Bên cạnh đó, chương trình đã tác động rất lớn trong việc nâng cao nhận thức của xã hội và cộng đồng về sở hữu trí tuệ. Các dự án tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ đã được triển khai, duy trì thường xuyên, liên tục và có chiều sâu trên các phương tiện thông tin đại chúng đã góp phần tạo chuyển biến tích cực nhận thức của các cấp, ngành và toàn xã hội về sở hữu trí tuệ. 
 
Hiện nay, các dự án bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ đối với sản phẩm đặc thù của địa phương mang địa danh chiếm tỉ lệ cao nhất, điều này cho thấy nhu cầu của xã hội đối với hoạt động bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho sản phẩm đặc thù mang địa danh rất cao. Tuy nhiên, có một thực tế, hàng năm Cục Sở hữu trí tuệ nhận được rất nhiều đề xuất hỗ trợ, nhưng do việc cân đối nguồn Ngân sách nhà nước còn hạn chế, nên số “đứng ngoài” đề xuất được xem xét đưa vào danh mục dự án phê duyệt để tuyển chọn cho triển khai còn nhiều. Vì vậy, thời gian tới cần đổi mới cách tiếp cận và phương thức hướng dẫn, tuyển chọn dự án nhằm đẩy mạnh việc triển khai nội dung bảo hộ và khai thác sáng chế, thương mại hóa tài sản trí tuệ. Cùng với đó là tăng cường tính chủ động, tích cực trong quá trình quản lý dự án; chú trọng công tác hướng dẫn lập dự toán và thanh quyết toán dự án nhằm nâng cao hiệu quả quản lý dự án, đảm bảo tiến độ dự án…

Bảo Ngân