Sử dụng chế phẩm sinh học “made in VietNam”

Nâng cao giá trị tôm nuôi xuất khẩu

- Thứ Hai, 11/11/2019, 08:19 - Chia sẻ
Với sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ (Dự án FIRST), nhóm Hợp tác nghiên cứu FIRST - BCC do Công ty CP Hóa sinh Việt Nam (BCC) là thành viên đứng đầu đã ứng dụng các công nghệ tiên tiến để sản xuất ra các chế phẩm sinh học sử dụng trong nuôi tôm công nghiệp, góp phần nâng giá trị tôm nuôi, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Tiềm năng lớn phát triển ngành tôm

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tiềm năng phát triển của ngành tôm nước ta rất lớn. Hơn 90% diện tích nuôi tôm phân bố tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long - nơi có điều kiện khí hậu thuận lợi để nuôi tôm quanh năm (3 - 4 vụ/năm). Cả nước hiện có gần 700.000ha có khả năng nuôi tôm nước lợ và có khả năng mở rộng diện tích. Tuy nhiên, dư lượng kháng sinh, hóa chất trong sản phẩm tôm chế biến đã và đang trở thành rào cản cho tôm xuất khẩu Việt Nam (một số thị trường nhập khẩu đã lên tiếng cảnh báo tôm và một số loại thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường tồn dư chất bảo quản và kháng sinh vượt mức cho phép).

PGS.TS. Dương Ngọc Minh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu hệ gene, Viện Hàn lâm KH - CN Việt Nam cho rằng, do vấn đề môi trường nên các bệnh liên quan đến nuôi trồng thủy sản phát triển rất mạnh. Một biện pháp đang được sử dụng hiện nay là dùng kháng sinh. Tuy nhiên, phương pháp này nếu không kiểm soát tốt dẫn đến việc dư thừa lượng kháng sinh. Trên thực tế, các ao hồ nuôi càng sử dụng nhiều thuốc kháng sinh thì dịch bệnh trong các vụ tiếp theo càng gia tăng, gây thiệt hại lâu dài.

Trong khi đó nhu cầu nhập khẩu tôm của thế giới rất lớn, đây là cơ hội để Việt Nam vươn lên trở thành cường quốc xuất khẩu tôm. Thực tế đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ, sản xuất theo chuỗi, đặc biệt cần có công nghệ nuôi bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, hiệu quả và bền vững. Còn theo Phó Chủ tịch Hội nghề cá, Giám đốc Công ty Cổ phần Hóa sinh Việt Nam Nguyễn Văn Năm, trước đây một số nước trong khu vực có ngành nuôi tôm công nghiệp sớm hơn Việt Nam hầu như đều sử dụng các chất kháng sinh, chất diệt khuẩn trong nuôi tôm công nghiệp. Sau một thời gian sử dụng, môi trường bị suy thoái, dịch bệnh xuất hiện trở lại và càng đến mùa sau dịch bệnh càng khó khắc phục hơn. Tuy nhiên gần đây, các nước trong đó có Việt Nam đang theo xu thế sử dụng các chế phẩm sinh học để khắc phục tình trạng này.


Mô hình thử nghiệm quy trình nuôi tôm sạch và bền vững

Hướng đến sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm công nghiệp

Trước xu thế đó và xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, Công ty cổ phần Hóa sinh Việt Nam (BCC) đã đề xuất và được Ban Quản lý Dự án FIRST, Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ triển khai tiểu dự án “Nâng cấp và hoàn thiện công nghệ sản xuất â-glucan và probiotic - đa enzyme sử dụng trong nuôi tôm công nghiệp thay thế kháng sinh và hóa chất diệt khuẩn độc hại”.

Nhóm nghiên cứu đã tận dụng phế thải từ việc sản xuất bia, đưa ra các quy trình và công nghệ sản xuất â-glucan, probiotic - đa enzyme đạt chất lượng tương đương với sản phẩm ngoại nhập với giá cạnh tranh. Sản phẩm â-glucan hàm lượng 40% nhập khẩu hiện có giá từ 3.5 - 4 USD/kg trong khi â-glucan sản xuất từ dự án tại BCC với cùng chất lượng sẽ có giá chỉ từ 2 - 2.5 USD/kg. Sản phẩm probiotic nhập khẩu có giá khoảng 5.2 USD/kg trong khi giá probiotic - đa enzyme chất lượng tương đương của BCC sau dự án chỉ khoảng 2.5 - 3 USD/kg. Đồng thời, sản xuất ra 5,1 tấn â-glucan (40% - 60%) và 10,2 tấn probiotic - đa enzyme có thể sử dụng cho 20.000 - 50.000 tấn thức ăn nuôi tôm. “Chúng tôi đã thử nghiệm quy trình “Nuôi tôm sạch và bền vững - không sử dụng kháng sinh, hóa chất diệt khuẩn độc hại” sử dụng các sản phẩm của dự án tại cơ sở nuôi tôm ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa với kết quả đạt yêu cầu như trong cam kết với dự án”, Giám đốc Công ty BCC cho biết.

Nguyên Thứ trưởng Bộ KH - CN, Trưởng ban Giám sát Dự án FIRST Trần Quốc Thắng nhấn mạnh, đây là một trong những chế phẩm rất tiềm năng để ứng dụng trong nuôi tôm. Thành công của tiểu dự án này cũng là một điểm sáng của Dự án FIRST, minh chứng cho sự kết hợp hiệu quả giữa các tổ chức KH - CN với các doanh nghiệp, nhà khoa học, để đưa những kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tế nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Việt Nam đã có Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm đến năm 2025, theo đó, một trong những mục tiêu đặt ra giai đoạn 2021 - 2025 là “Ngành công nghiệp tôm công nghệ cao được hình thành ở các vùng sản xuất trọng điểm; vùng nuôi tôm hữu cơ được áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm dựa trên các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý”. Đặc biệt, “Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm tôm đạt 10 tỷ USD, trong đó giá trị kim ngạch tôm nước lợ xuất khẩu là 8,4 tỷ USD”.

Hạnh Nguyên