Quản lý , bảo vệ và phát triển rừng bền vững

Nâng cao giá trị kinh tế rừng

- Thứ Tư, 31/10/2018, 09:39 - Chia sẻ
Giá trị xuất khẩu lâm sản 10 tháng năm 2018 ước đạt 7,612 tỷ USD; tăng 16,12% so với cùng kỳ năm 2017; chiếm 23,37% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 7,23 tỷ USD, tăng 16,12%. Giá trị xuất siêu của lâm sản chính 10 tháng ước đạt 5,72 tỷ USD. Đây là một trong những điểm sáng của ngành lâm nghiệp 10 tháng qua.

Nhiều chỉ tiêu đạt cao

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, trong 10 tháng qua, nhiều chỉ tiêu chính của ngành lâm nghiệp đạt ở mức độ cao. Đặc biệt, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tiếp tục thực hiện có hiệu quả, tạo nguồn ngân sách quan trọng để hỗ trợ người dân thực hiện bảo vệ rừng. Tính đến 10.2018 cả nước đã thu được 2.557 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, đạt 109 % kế hoạch năm 2018, thu tăng so với cùng kỳ 967 tỷ đồng. Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc năm 2018 ước đạt 41,65%, tăng 0,2% so năm 2017, đạt chỉ tiêu kế hoạch theo Nghị quyết của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018. Tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp ước đạt 6,0%. Các chỉ tiêu kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng đều vượt kế hoạch. Trồng rừng tập trung 186.834ha, đạt 105% so với cùng kỳ, bằng 87,1% kế hoạch. Trồng rừng phòng hộ, đặc dụng ước 11.466 ha, đạt 80,5% kế hoạch năm; trồng rừng sản xuất: 175.368ha, đạt 89,6% kế hoạch năm, bằng 105,3% cùng kỳ.

Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao, việc bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng tiếp tục đạt được kết quả tích cực, vượt mục tiêu đề ra. Cả nước đã phát hiện 932 vụ vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, giảm 136 vụ (tương ứng giảm 13%) so với tháng 10.2017; diện tích rừng bị thiệt hại 30ha, giảm 03ha so với tháng 10.2017; diện tích rừng bị thiệt hại 10 tháng là 461ha, giảm 476ha (tương ứng giảm 51%) so với 10 tháng năm 2017. Cơ bản các hành vi, vụ việc vi phạm đã giảm cả về số lượng và quy mô.

Thị trường sản phẩm gỗ và lâm sản phát triển, tạo điều kiện cho chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ được duy trì, phát triển, xuất khẩu gỗ và lâm sản tiếp tục tăng cao. Tổng giá trị xuất khẩu lâm sản là 7,612 tỷ USD (bằng 84% kế hoạch năm); tăng 16,12% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó có các  thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU, chiếm khoảng 87% kim ngạch xuất khẩu. 

Theo ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, ngành vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đạt như: Kết quả trồng rừng ven biển, trồng rừng thay thế còn thấp, chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch. Nhiều địa phương chưa tích cực chỉ đạo trồng thâm canh và chuyển hóa rừng trồng kinh doanh gỗ lớn. Chưa kiểm soát được chất lượng giống cây trồng do các tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn trồng rừng. Các giải pháp cho ngành lâm nghiệp là tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13-CT/TW và Nghị quyết số 71/NQ-CP. Cụ thể: Đôn đốc các địa phương đẩy mạnh việc phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp; tăng cường các hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về lâm nghiệp; đẩy mạnh giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất. Thúc đẩy các hình thức kinh tế hợp tác, liên doanh, liên kết sản xuất theo chuỗi giữa doanh nghiệp và người dân; đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp.

Bảo đảm phát triển bền vững

Mục tiêu của ngành lâm nghiệp là nâng cao năng suất chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng để tăng giá trị rừng trên một đơn vị diện tích. Cùng với đó, góp phần đáp ứng các yêu cầu về giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; tạo việc làm tăng thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân gắn với tiến trình xây dựng nông thôn mới; bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội. Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng nhất là bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn thiên nhiên. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng từng nhận định: “Giao công tác bảo vệ, phát triển rừng cho doanh nghiệp và người dân, bảo đảm tất cả diện tích rừng có chủ quản lý cụ thể, tạo điều kiện tích tụ đất lâm nghiệp, xây dựng vùng nguyên liệu chủ yếu bằng phương thức liên kết, liên doanh trồng rừng và doanh nghiệp chế biến”.

Tuy nhiên trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018, ĐBQH Dương Xuân Hòa (Lạng Sơn) cho rằng: Tiến độ giao rừng, cho thuê rừng gắn liền với giao đất doanh nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp còn chậm. Tình trạng di dân không theo quy hoạch ở một số địa phương còn chưa giải quyết căn bản. Đề nghị QH ban hành Nghị quyết về chính sách dân tộc như một chương trình mục tiêu quốc gia mang tính tổng thể, toàn diện, lâu dài để phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số miền núi.

Với vấn đề trên, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nghị định số 75/2015/NĐ-CP là chính sách thiết thực phát triển kinh tế lâm nghiệp cho vùng dân tộc thiệu số và Bộ  thống nhất với ý kiến của đại biểu về việc ban hành Nghị quyết về chính sách dân tộc trong thời gian tới. Hiện nay diện tích rừng trên toàn quốc là 14.377.682ha và đã giao 11.304.600ha rừng cho các chủ quản lý, số diện tích còn lại được đang tạm giao cho UBND cấp xã quản lý. Bộ sẽ chỉ đạo quyết liệt, bố trí kinh phí cho việc đo đạc cho việc giao rừng, cho thuê rừng gắn liền với giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm tra sau giao rừng; Hỗ trợ người dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng theo các chính sách hỗ trợ của ngành. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác giao đất, giao rừng.

Anh Hiến