Đồng Nai

Nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt

- Thứ Ba, 08/10/2019, 08:07 - Chia sẻ
Trong chiến lược phát triển ngành giao thông của Đồng Nai, xe buýt vẫn tiếp tục giữ vai trò chủ lực. Tuy nhiên, để xe buýt trở thành phương tiện đi lại hàng ngày của người dân trong tỉnh, theo các chuyên gia, không còn cách nào khác là phải đổi mới cung cách phục vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại hơn.

Phủ sóng mạng lưới xe buýt

Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Đồng Nai Từ Nam Thành cho biết, từ năm 2005, Đồng Nai là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về phục vụ vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt. Loại hình phương tiện giao thông công cộng này không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân mà còn là chủ trương mà Nhà nước đang hướng tới. Dịch vụ vận tải bằng xe buýt được khuyến khích phát triển nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân với giá thành rẻ, góp phần giảm ùn tắc giao thông trong đô thị.

Theo Trung tâm quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng Đồng Nai, khi nhu cầu đi xe buýt tăng nhanh kéo theo đó là sự gia tăng cả về số lượng xe lẫn số tuyến xe buýt mới trong tỉnh. Nếu năm 2005, lúc mới bắt đầu triển khai UBND tỉnh mở 7 tuyến xe buýt thì năm 2006 đã tăng lên 14 tuyến với 198 xe. Đến năm 2009, Đồng Nai tăng lên 23 tuyến với 365 xe hoạt động và hiện tại đạt 24 tuyến với 442 xe.

Cùng với đó, hiện nay, Đồng Nai đang có 6 tuyến xe buýt trợ giá từ ngân sách nhà nước góp phần khuyến khích người dân lựa chọn phương tiện này để đi lại, qua đó thúc đẩy các tuyến xe buýt phát triển, cũng như giảm ùn tắc giao thông trong khu vực nội ô TP Biên Hòa. Ngoài ra, không chỉ khu vực TP Biên Hòa, mà đến nay hệ thống xe buýt ở Đồng Nai còn “phủ sóng” rộng khắp các huyện, thành phố. Cùng đó, với 12 tuyến xe buýt liên tỉnh từ Đồng Nai đi TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương (và ngược lại) đã tạo điều kiện rất lớn cho người dân tiếp cận loại hình vận tải hành khách công cộng giá rẻ này.

Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ - Vận tải Thống Nhất (huyện Trảng Bom) Nguyễn Xuân Thiện - một trong những đơn vị tham gia vào hoạt động xe buýt trên địa bàn từ đầu chia sẻ, mạng lưới xe buýt trong tỉnh cũng như hệ thống kết nối giữa Đồng Nai với địa phương xung quanh thời gian qua đã góp phần không nhỏ trong việc vận chuyển hành khách, đem lại nhiều tiện ích cho người dân. Từ quy mô dịch vụ nhỏ, chỉ một số thành phần người dân tham gia, hiện xe buýt đã thành phương tiện vận tải phổ biến cho công nhân, học sinh, sinh viên, công chức…


Từ năm 2005, Đồng Nai là một trong những địa phương đi đầu cả nước về phục vụ vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt
Nguồn: ITN

Nâng cao chat lượng phục vụ

Theo đánh giá của Phòng Quản lý vận tải phương tiện, Sở Giao thông - vận tải Đồng Nai giai đoạn năm 2005 - 2013, xe buýt phát triển nhanh, mạnh. Số lượng người dân đi xe buýt trong giai đoạn này tăng đáng kể. Tuy nhiên, giai đoạn 2013 - 2015, số người đi xe buýt sụt giảm dần. Có nhiều nguyên nhân khiến người dân không “mặn mà” với xe buýt như phương tiện đã cũ kỹ, xuống cấp, thái độ phục vụ thiếu chuyên nghiệp, hạ tầng giao thông còn yếu kém… dẫn đến một số tuyến xe buýt lâm vào tình trạng ế khách hoặc hoạt động cầm chừng.

Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Đồng Nai Từ Nam Thành đánh giá, với một địa phương đang có tốc độ đô thị hóa cao như Đồng Nai vận tải hành khách bằng xe buýt mang lại nhiều lợi ích. Việc phát triển mạng lưới xe công cộng tại các đô thị lớn là chủ trương được Nhà nước ưu tiên, đây cũng là một tiêu chí để phát triển đô thị thông minh mà UBND tỉnh hướng tới. Trong đó, việc nâng cao chất lượng phục vụ là yếu tố sống còn, song công việc này còn khá gian nan.

“Giải pháp căn cơ, dài hơi là đòi hỏi phải xây dựng cầu, đường đồng bộ nhằm tăng thêm diện tích mặt đường cho xe lưu thông. Cần bố trí các loại xe lớn giãn cách vào những giờ thấp điểm, cao điểm sẽ ưu tiên lưu thông bằng xe nhỏ. Như vậy vừa linh động vừa giảm bớt lượng xe cá nhân di chuyển trên đường” - ông Thành nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh cũng cho rằng, trong chiến lược phát triển giao thông công cộng, xe buýt vẫn tiếp tục giữ vai trò chủ lực. Để xe buýt trở thành phương tiện đi lại hàng ngày của người dân trong tỉnh, không còn cách nào khác là phải đổi mới cung cách phục vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại hơn. Từ đó, giảm bớt áp lực phương tiện cá nhân di chuyển vào nội đô, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường và chi phí xã hội.

“Việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào trong quản lý, điều hành vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại an toàn, góp phần giảm tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông mà còn giúp ngành giao thông - vận tải phát triển nhanh chóng. Vì vậy, khi triển khai, ráp nối thực hiện thành phố thông minh mà Đồng Nai đang tiến hành sẽ đạt kết quả nhanh hơn” - ông Trần Văn Vĩnh nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, xe buýt là phương tiện chiếm ưu thế về vận chuyển khối lượng lớn. Đặc biệt, diện tích chiếm dụng mặt đường rộng nên với các đô thị có hạ tầng giao thông chưa theo kịp sự gia tăng xe cá nhân thì cần sử dụng xe buýt loại trung bình để phù hợp với những tuyến đường nhỏ, hẹp. Do đó, giải pháp thiết thực là cần nghiên cứu, xây dựng mạng lưới và nâng cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tốt hơn nữa. Mạng lưới phải có tính phân cấp, gồm các tuyến chính, các tuyến phụ, tuyến nhánh kết nối các khu dân cư, khu công nghiệp để nâng cao khả năng tiếp cận nhằm tiết kiệm thời gian di chuyển của người dân.

Nhật Phương