Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc:

Nắm bắt tinh hoa, nâng cao chất lượng kiểm toán

- Thứ Ba, 18/09/2018, 08:13 - Chia sẻ
Trả lời Báo Đại biểu Nhân dân tại họp báo về Đại hội Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao tại châu Á lần thứ 14 (Đại hội ASOSAI 14) sáng 17.9, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước kiêm Trưởng ban Tổ chức Đại hội ASOSAI 14 HỒ ĐỨC PHỚC cho rằng, đây sẽ là cơ hội để Kiểm toán Nhà nước hợp tác song phương với các tổ chức kiểm toán tối cao thành viên ASOSAI, trong đó nhấn mạnh sẽ “đi tắt đón đầu” trong nắm bắt tinh hoa của thế giới để nâng cao chất lượng kiểm toán.

Nhiều điểm khác biệt

- Thưa ông, Đại hội ASOSAI 14 do Kiểm toán Nhà nước đăng cai lần này có điểm khác biệt gì so với các kỳ đại hội trước?

- Trước hết, đây là lần đầu tiên sau 21 năm gia nhập ASOSAI, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam có vinh dự đăng cai tổ chức Đại hội. Thứ hai, số lượng đại biểu dự Đại hội rất đông. Theo đăng ký, toàn bộ 46 Tổ chức Kiểm toán tối cao (SAI) thuộc ASOSAI đều tham gia từ cấp bộ trưởng trở lên (ở một số nước, Tổng kiểm toán có chức vụ tương đương bộ trưởng, còn ở nhiều nước thì Tổng kiểm toán cao hơn Bộ trưởng). Thứ ba, lượng khách mời dự Đại hội rất đông với khoảng 15 tổ chức quốc tế (gồm các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA)…; các tổ chức kiểm toán độc lập quốc tế) mà các đại hội khác không có. Đại hội cũng có sự tham gia của 27 đại sứ của 27 quốc gia đặt đại sứ quán tại Việt Nam. Điểm khác biệt thứ tư là Kiểm toán Nhà nước đã chọn chủ đề cho Đại hội là “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững”. Chủ đề này nhận được sự thống nhất cao của 46 SAI thành viên.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu tại buổi họp báo Ảnh: Lâm Hiển

- Đảm nhận vai trò chủ nhà của Đại hội ASOSAI 14 đồng nghĩa Kiểm toán Nhà nước trở thành Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018 – 2021. Kiểm toán Nhà nước sẽ làm gì để đảm đương vai trò mới này thực sự hiệu quả, thưa ông?

- Chúng tôi rất vinh dự được các SAI thành viên chọn và bầu làm Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018 – 2021. Ở cương vị này, Kiểm toán Nhà nước phải dẫn dắt hoạt động của ASOSAI thông qua các chương trình, kế hoạch được định ra tại Đại hội để đạt kết quả xuất sắc nhất. Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước phải dẫn dắt các SAI thành viên có cùng tiếng nói, đoàn kết, đồng thuận cao, hợp tác trong quá trình chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, công cụ để thực hiện kiểm toán tốt nhất. Mục tiêu là làm cho các tổ chức kiểm toán tối cao của nước thành viên đều thể hiện năng lực của mình, tăng cường năng lực về nghiệp vụ kiểm toán.

Lựa chọn “đi tắt đón đầu”

- Với tư cách là Tổng Kiểm toán Nhà nước, ông đặt hy vọng gì cho Đại hội ASOSAI 14?

 “Kiểm toán môi trường là nội dung còn rất mới mẻ đối với Kiểm toán Nhà nước, mới được đẩy mạnh từ năm 2017 - 2018. Trong thời gian này, chúng tôi đã thực hiện kiểm toán chuyên đề về: Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2014 - 2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương, ở một số tỉnh, thành phố; việc quản lý khai thác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng gắn liền công tác bảo vệ môi trường ở tỉnh Hậu Giang; giải pháp sử dụng túi nilon thông thường tại TP Hồ Chí Minh theo đề án của Chính phủ; công tác quản lý môi trường tại các khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Ninh… Hiện, chúng tôi vẫn chưa ban hành được quy trình về kiểm toán môi trường mà đang xây dựng, lấy ý kiến của các bộ, ngành, cùng với quy trình kiểm toán công nghệ thông tin”.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc

- Hy vọng của tôi là Đại hội sẽ thành công tốt đẹp, không những quảng bá hình ảnh của đất nước, kiểm toán Việt Nam mà thông qua đó, Kiểm toán Nhà nước còn hợp tác song phương với các SAI thành viên để chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin, tăng cường công tác đào tạo, chia sẻ về công cụ để thực hiện công tác kiểm toán. Thực tế, chúng tôi đã có sự hợp tác với một số nước. Chẳng hạn, chúng tôi phối hợp với Kiểm toán Malaysia đào tạo 15 kiểm toán viên về công nghệ thông tin. Ngoài ra, phối hợp với kiểm toán Canada đào tạo 10 kiểm toán viên về kiểm toán hoạt động, sau 9 tháng họ đã có bằng Kiểm toán hoạt động quốc tế. Chúng tôi cũng mời nhiều tổ chức kiểm toán sang giảng dạy, chia sẻ hoặc cử cán bộ sang học tập kinh nghiệm của họ, cơ sở là hướng tới mục tiêu chung

Ngoài ra, chúng tôi hy vọng sau Đại hội này, ngoài việc thực hiện các mục tiêu chung, Kiểm toán Nhà nước sẽ tranh thủ được thế mạnh của các tổ chức Kiểm toán Nhà nước khác để nâng cao năng lực của mình trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

- Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước đặt mục tiêu hợp tác với các SAI thành viên ở lĩnh vực nào, thưa ông?

- Hiện, Kiểm toán Nhà nước mạnh về kiểm toán việc tuân thủ pháp luật, kiểm toán báo cáo tài chính nhưng yếu về kiểm toán hoạt động, về lĩnh vực công nghệ thông tin, môi trường, tài nguyên khoáng sản. Kiểm toán Nhà nước mới có 24 năm thành lập, trong khi ở nhiều nước có từ hàng trăm năm nên có nhiều kinh nghiệm mà chúng ta có thể học hỏi. Do đó, chúng tôi sẽ lựa chọn để “đi tắt đón đầu”, nắm bắt những tinh hoa của thế giới vận dụng trong xây dựng quy trình và áp dụng công nghệ trong kiểm toán. Chẳng hạn, khi áp dụng xây dựng kiểm toán về công nghệ thông tin, Kiểm toán Nhà nước của Malaysia cùng tham gia vào quy trình kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước. Họ đóng góp cho chúng ta kinh nghiệm song chúng ta sẽ chắt lọc để vận dụng phù hợp thực tiễn của Việt Nam, qua đó sẽ mở ra hướng phát triển mới cho Kiểm toán Nhà nước.

- Xin cảm ơn ông!

Vũ Thủy thực hiện