Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung

Nấc thang nguy hiểm

- Thứ Năm, 08/08/2019, 07:38 - Chia sẻ
Không chỉ diễn biến căng thẳng thời gian qua, bất đồng thương mại Mỹ - Trung Quốc còn đứng trước ngã rẽ mới khi cuộc chiến thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có nguy cơ trở thành chiến tranh tiền tệ. Các chuyên gia lo ngại, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang vượt tầm kiểm soát, khi cả hai bên đều không ngại nghênh chiến.

Hàng loạt động thái leo thang

Trong bối cảnh đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn giậm chân tại chỗ, cả Washington và Bắc Kinh đều có động thái khiến tình hình trở nên căng thẳng hơn. Đầu tuần, Trung Quốc đã phát lệnh cho các công ty của nước này ngừng mua nông sản Mỹ. Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn hạ tỷ giá đồng Nhân dân tệ xuống mức 7 Nhân dân tệ đổi 1 USD, thấp nhất trong hơn một thập kỷ qua.

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, việc Tổng thống Mỹ tuyên bố áp thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc từ ngày 1.9 đã “vi phạm nghiêm trọng” thỏa thuận giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump trong cuộc gặp bên lề ở Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản hồi tháng 6. Lãnh đạo hai bên khi đó đồng ý nối lại đàm phán kinh tế và Mỹ sẽ không áp bất kỳ mức thuế mới nào đối với các sản phẩm của Trung Quốc. Thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc cũng nhấn mạnh, năng lực thị trường của Trung Quốc lớn và có triển vọng tươi sáng để nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của Mỹ; đồng thời bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ giữ đúng lời hứa và tạo điều kiện cần thiết cho hợp tác song phương.

Các biện pháp mà Bắc Kinh đưa ra được coi là đòn phản công mạnh nhằm vào Washington. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn của nhiều loại nông sản Mỹ như đậu nành, thịt lợn, bông, cao lương, trái cây, trong đó đậu nành là chủ yếu. Sau thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc, Chủ tịch Liên hiệp Nông trại Mỹ Zippy Duvall cho biết, xuất khẩu nông sản của Mỹ sang Trung Quốc đã giảm 1,3 tỷ USD trong nửa đầu năm nay và nông dân hiện phải đối mặt nguy cơ mất thị trường 9,1 tỷ USD năm 2018. Việc Trung Quốc thiết lập tỷ giá đồng Nhân dân tệ xuống thức thấp giúp nước này hưởng lợi thế trong giao dịch thương mại, trong bối cảnh đồng USD mạnh.

Đáp trả Bắc Kinh, Bộ Tài chính Mỹ lập tức liệt Trung Quốc vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ. Theo Bộ Tài chính Mỹ, Trung Quốc đang “thực hiện từng bước chắc chắn” nhằm làm suy yếu giá trị tiền tệ trong khi duy trì lượng dự trữ ngoại hối đáng kể. Đây là cơ sở để Mỹ có thể có những hành động tiếp theo. Trong động thái mới nhất, Bộ Tài chính Mỹ sẽ tham vấn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để loại trừ ưu thế cạnh tranh không công bằng mà Trung Quốc nhận được từ hành động mới nhất liên quan đến phá giá đồng nội tệ.

Trên trang Facebook cá nhân, Tổng thống Donald Trump cho biết, Trung Quốc từ lâu luôn sử dụng việc thao túng tiền tệ để “ăn trộm” từ các doanh nghiệp và nhà máy của Mỹ. Việc thao túng đồng Nhân dân tệ làm ảnh hưởng tới công việc của người Mỹ, giảm lương của công nhân và ảnh hưởng tới giá hàng hóa của nông dân Mỹ. Ông Trump tuyên bố, điều này sẽ không bao giờ còn nữa.

Các nhà quan sát cho rằng, với động thái trên, xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc leo lên nấc thang mới và mức độ nghiêm trọng này khó có thể đảo ngược. Yu Yongding, nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng, Mỹ đang cố gắng phát động một cuộc chiến tiền tệ với Trung Quốc và đang kiếm lý do để biện minh cho việc này.

Mỹ đang thắng thế?

Peter Boockvar, Chánh Văn phòng Đầu tư thuộc Tập đoàn Cố vấn Bleakley cho rằng, căng thẳng Mỹ - Trung Quốc đang chệch khỏi đường ray và chính sách của Mỹ sử dụng thuế quan làm công cụ giải quyết bất đồng với Trung Quốc đã thất bại thảm hại. Trong khi đó, David Kotok, đồng sáng lập kiêm nhà đầu tư chính của công ty đầu tư Cumberland Advisors cho rằng, cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ - Trung Quốc làm gia tăng nguy cơ suy thoái kinh tế.

Art Hogan, Chiến lược gia trưởng về thị trường tại Tập đoàn Chứng khoán Quốc gia (Mỹ) cho rằng, leo thang cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung làm ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế Mỹ và mức độ ảnh hưởng khó có thể tính toán. Theo ông Hogan, về mặt lịch sử, suy thoái kinh tế xảy ra nhằm phản ứng với một sai lầm trong chính sách tiền tệ. Đây sẽ là lần đầu tiên Mỹ phải giải quyết sai lầm trong chính sách thương mại.

Khi Tổng thống Donald Trump áp thuế lên 250 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc vào năm ngoái, nhà lãnh đạo này đã thuyết phục công chúng Mỹ rằng, đây là “viên đạn bạc” giúp mang lại hàng triệu việc làm cho người Mỹ. Dưới sức ép thuế quan làm chi phí gia tăng, các nhà sản xuất Mỹ ở Trung Quốc quả thực đang “gói ghém tư trang” rút khỏi nước này. Theo Phòng Thương mại Mỹ ở Trung Quốc, khoảng 41% công ty Mỹ đã rút hoặc xem xét rút hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, thay vì quay về Mỹ, các công ty này lại hướng đến những nơi khác như Mexico, Ấn Độ, Bangladesh và Việt Nam.

Thế giới từng chứng kiến nhiều cuộc tương tự. Điển hình là cuộc chiến tranh tiền tệ thứ nhất, kéo dài từ năm 1921 - 1936, bắt đầu với siêu lạm phát Weimar (Đức), đồng tiền mất giá liên tục. Năm 1921, Đức đã buộc phải hủy đồng tiền của mình. Năm 1925, Pháp, Bỉ cùng một số nước khác cũng nối gót Đức. Cuộc chiến tranh tiền tệ thứ hai nổ ra giai đoạn 1967 - 1987, kinh tế Mỹ liên tiếp trải qua 3 thời kỳ khủng hoảng vào năm 1974, 1979 và 1980. Thị trường chứng khoán Mỹ sụp đổ năm 1974, kéo theo tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt, lạm phát vượt tầm kiểm soát vào những năm 1977 - 1981.

Cả hai cuộc chiến này đều cho thấy bài học duy nhất: Chiến tranh tiền tệ thường không đem lại kết quả mong muốn như tăng xuất khẩu và việc làm. Ngược lại, nó mang lại sự giảm phát hoặc lạm phát trầm trọng. Các chuyên gia quan ngại, nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang thành chiến tranh tiền tệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, thậm chí rơi vào khủng hoảng.

Ngọc Khánh