Mỹ thông qua dự luật quốc phòng mới

- Thứ Hai, 29/06/2020, 06:45 - Chia sẻ
Thượng viện Mỹ đã thông qua Dự luật Ủy quyền Quốc phòng thường niên phiên bản năm 2021 nhằm cấp cho Bộ Quốc phòng Mỹ 740 tỷ USD ngân sách hoạt động. Đáng chú ý, gần 7 tỷ USD trong số này được dùng để chi cho kế hoạch mới ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ dương - Thái Bình dương với tên gọi Sáng kiến răn đe Thái Bình dương.

Dự luật cho phép bổ sung 1,4 tỷ USD cho năm tài chính 2021 - 2022 và thêm 5,5 tỷ USD cho năm tiếp theo. Tuy đây chỉ là con số nhỏ, chiếm 0,2% tổng ngân sách quốc phòng, nhưng nó thể hiện quyết tâm mới và sự thống nhất chính trị trong chính sách Trung Quốc của xứ sở cờ hoa.

Nguồn: US Navy

Thực tế, Sáng kiến răn đe Thái Bình dương bắt nguồn từ Sáng kiến răn đe châu Âu được thông qua năm 2014 dưới thời Tổng thống Barack Obama. Sáng kiến răn đe châu Âu đặt mục tiêu ngăn chặn Nga và trấn an các đồng minh bằng cách mang lại sự hiện diện lớn hơn của Mỹ ở Đông Âu sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Sáng kiến răn đe Thái Bình dương cũng có mục đích tương tự. Theo Asia Times, sáng kiến trên phản ánh quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan rộng. Trước đó, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã tranh cãi về một loạt vấn đề từ biển Đông, thương mại đến cạnh tranh ảnh hưởng địa chính trị.

Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã xác định rõ chiến thắng trong cuộc đua tranh giành quyền lực giữa các cường quốc là một trong những ưu tiên quốc gia hàng đầu. Tạp chí quân sự War on The Rocks của Mỹ bình luận, đây là dấu hiệu Mỹ đã hết kiên nhẫn với Trung Quốc và muốn chuyển sang kiểu “ngoại giao pháo hạm” hoàn toàn thay vì tìm cách đối thoại trong hòa bình. 

Được biết, chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ tìm cách chuyển từ số lượng nhỏ các căn cứ lớn ở châu Á gần bờ biển Trung Quốc sang số lượng lớn các căn cứ nhỏ và phân tán, cùng với hệ thống phòng thủ tên lửa tốt hơn. Mục tiêu là làm cho Trung Quốc khó thực hiện cuộc tấn công bằng tên lửa vào căn cứ Mỹ, cũng như làm phức tạp mọi kế hoạch của Bắc Kinh cho một cuộc xung đột. Sáng kiến răn đe Thái Bình dương có vẻ rất giống chiến lược xoay trục sang châu Á được công bố năm 2011 của Tổng thống Obama lúc bấy giờ. Chính quyền Obama muốn chuyển lực lượng từ các căn cứ thường trực ở Nhật Bản sang triển khai luân phiên nhỏ hơn trong khu vực.

Tuy nhiên, nhiều nhà bình luận chính trị cho rằng, rất khó đánh giá tính răn đe và hiệu quả lâu dài của sáng kiến đối với Trung Quốc. Trong khi đó, một câu hỏi khác cũng được đặt ra: Liệu nó có trấn an được các đồng minh của Mỹ trong khu vực hay không, cho dù có thể hiện cam kết cũng như quyết tâm của Mỹ nhằm ngăn chặn sự xuống dốc của các liên minh sau gần một thập kỷ thực hiện chiến lược tái cân bằng châu Á.       

Linh Anh