Mỹ - Triều Tiên nối lại đàm phán hạt nhân

- Thứ Bảy, 05/10/2019, 08:04 - Chia sẻ
Ngày 5.10, tại Stockholm, Thụy Điển, Mỹ và CHDCND Triều Tiên sẽ chính thức nối lại các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa cấp làm việc, sau nhiều tháng bị đình trệ.

Cựu Đại sứ Triều Tiên tại Việt Nam Kim Myong-gil dẫn đầu Đoàn đàm phán hạt nhân của Triều Tiên. Đoàn đàm phán của Mỹ do Đại diện đặc biệt về Triều Tiên Stephen Biegun làm Trường đoàn.

Hiện, chưa rõ địa điểm cụ thể diễn ra các cuộc đàm phán. Trước khi vòng đàm phán được nối lại, Triều Tiên đã nhiều lần kêu gọi Mỹ cần có cách tiếp cận mới nhằm chấm dứt thế bế tắc hiện nay. Các nguồn tin ngoại giao cũng cho biết, vòng đàm phán lần này sẽ tập trung vào việc liệu Mỹ - Triều Tiên có thể vượt qua bất đồng khiến đàm phán phi hạt nhân hóa bị đình trệ kể từ sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần hai diễn ra tại Hà Nội. Tại Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định, Mỹ muốn đàm phán với Triều Tiên và hai bên sẽ sớm nối lại đàm phán. Về phần mình, Triều Tiên cho biết, đã nhất trí với Mỹ về việc nối lại các cuộc tiếp xúc sơ bộ và tổ chức đàm phán cấp chuyên viên.

Trang tin VOX của Mỹ dẫn nguồn tin độc quyền cho biết, Mỹ sẽ mang những đề xuất mới đến bàn đàm phán lần này, với mong muốn chấm dứt thế bế tắc trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Triều Tiên. Đề xuất này được cho là linh hoạt hơn so với điều kiện “được cả hoặc không có gì” mà Mỹ đưa ra gần đây. Theo VOX, nội dung đề xuất mới của Mỹ bao gồm: Liên Hợp Quốc sẽ đình chỉ các biện pháp trừng phạt đối với ngành xuất khẩu than và dệt may của Triều Tiên trong vòng 36 tháng. Đổi lại, Triều Tiên sẽ đóng cửa cơ sở hạt nhân Yongbyan có xác minh cùng với các biện pháp khác, có khả năng là chấm dứt các hoạt động làm giàu uranium của Triều Tiên.

Các chuyên gia nhận định, đây là kế hoạch khá mạo hiểm nhưng hợp lý. Hợp lý vì yêu cầu Triều Tiên dỡ bỏ các chương trình hạt nhân của mình trước khi nhận được biện pháp nới lỏng trừng phạt là điều mà chính quyền Tổng thống Mỹ Trump luôn yêu cầu kể từ khi bắt đầu đối thoại. Ngoài ra, Yongbyan được coi là “trái tim” của chương trình hạt nhân của Triều Tiên, việc đóng cửa cơ sở này sẽ làm suy yếu kho vũ khí của Triều Tiên. Tuy nhiên, đề xuất cũng không kém phần rủi ro vì có một giai đoạn chuyển tiếp 3 năm để Triều Tiên có thể tiếp tục cải thiện khả năng hạt nhân của mình. Các chuyên gia Mỹ và Hàn Quốc cho rằng, phải mất hơn 3 năm để tiêu hủy một cách có xác minh các cơ sở hạt nhân, tài liệu cũng như các nguyên liệu khác tại Yongbyan nếu thanh sát viên quốc tế được phép tiếp cận.

Hiện chưa rõ các nhà đàm phán Triều Tiên có chấp nhận đề xuất này hay không. Tại cuộc gặp Thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên ở Hà Nội, ông Kim Jong-un đã yêu cầu Mỹ dỡ bỏ gần như toàn bộ các biện pháp trừng phạt để đổi lấy việc đóng cửa cơ sở hạt nhân Yongbyan. Đề xuất mới của Mỹ có vẻ như dỡ bỏ trừng phạt ít hơn những gì nhà lãnh đạo Triều Tiên mong đợi.

N.An