Mường Nhé nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

- Chủ Nhật, 18/08/2019, 08:46 - Chia sẻ
Mường Nhé là một huyện miền núi thuộc tỉnh Điện Biên, nghèo nhất trong tổng số 62 huyện nghèo nhất cả nước. Nằm trên ngã ba biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc và Lào. Vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ và bằng sự nỗ lực không ngừng, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hệ thống trường, điểm trường, lớp học phát triển đa dạng, cùng với đội ngũ giáo viên ngày càng được quan tâm đầu tư thỏa đáng, đã từng bước đáp ứng tốt nhu cầu học tập của con em các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn, góp phần đưa sự nghiệp giáo dục của huyện phát triển mạnh mẽ.

Đổi mới phương pháp dạy học

Huyện Mường Nhé - Điện Biên vốn là một huyện nghèo khó nhất của cả nước. Điều đó cũng ảnh hưởng tới ngành giáo dục của huyện phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn. Nhưng khó khăn, thách thức đã không thể khuất phục sự quyết tâm, cố gắng của những con người làm công tác giáo dục của huyện, những thầy cô giáo tâm huyết với sự nghiệp trồng người.

Xác định nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, bước vào năm học 2018 - 2019, ngành GD - ĐT huyện Mường Nhé đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đẩy mạnh thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng lấy chất lượng, hiệu quả làm trọng tâm, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Phòng GD - ĐT huyện chỉ đạo các trường chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học, gắn với lồng ghép thực hiện nghiêm túc các cuộc vận động, các phong trào thi đua có quy mô, sức lan tỏa sâu rộng.


Thầy Trần Ngọc Kiên  - Trưởng phòng giáo dục huyện Mường Nhé

Thầy Trần Ngọc Kiên  - Trưởng phòng GD - ĐT huyện Mường Nhé chia sẻ:  những năm qua, công tác nâng cao chất lượng giáo dục luôn được ngành quan tâm, chú trọng. Năm học 2018-2019, đã có 100% trường mầm non tổ chức bán trú cho trẻ tại trường, trong đó có 162/196 lớp tổ chức bán trú, đạt 82,7%, với 3.697/4.417 trẻ được bán trú tại trường. Đồng thời tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số được các trường triển khai thực hiện nghiêm túc, nhất là trẻ 5 tuổi để chuẩn bị bước vào học lớp 1.Về giáo dục tiểu học, thực hiện có hiệu quả các giải pháp đổi mới giáo dục phổ thông theo mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất học sinh thông qua việc đổi mới chương trình, phương pháp dạy học, cách đánh giá xếp loại học sinh theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Năm học vừa qua, huyện Mường Nhé đã duy trì tốt các tiêu chí phổ cập giáo dục các cấp học, công tác phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2; phổ cập giáo dục xóa mù chữ mức độ 1; phổ cập Giáo dục THCS và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Cùng với đó, các trường luôn tích cực đổi mới phương pháp dạy học; tiếp tục triển khai nhân rộng phương pháp dạy học nhóm theo Mô hình trường học mới Việt Nam tại 15/15 trường. Thực hiện dạy môn Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục tại 15/15 trường với 42 lớp, 869 học sinh. Thực hiện dạy tiếng Anh bắt buộc tại 12/15 trường với 69 lớp, 1893 học sinh. Thực hiện dạy tin học tại 5/15 trường với 35 lớp, 1072 học sinh. Thực hiện dạy tiếng dân tộc theo hướng dẫn của Sở GD - ĐT, trong đó năm học 2018 - 2019 tiếp tục thực hiện dạy học Tiếng Mông cho học sinh tại 03 trường với 12 lớp và 330 học sinh. Tiếp tục nâng cao hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học. Hiện tại đã có 100% cán bộ quản lí sử dụng máy tính trong quản lý, 100% trường học sử dụng mạng hồ sơ công việc của ngành, (trên 90% giáo viên tiểu học soạn bài trên máy, trên 30% giáo viên tiểu học dạy học trình chiếu).

Có được giáo viên dạy giỏi đã khó, giữ được họ ở lại càng khó hơn. Chính vì vậy, Phòng GD - ĐT huyện luôn xác định phải thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước đối với giáo viên, nhất là ở các khu vực biên giới, đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, chú trọng việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và duy trì bảo đảm chuẩn kiến thức trong giảng dạy, nhất là nâng cao chất lượng đào tạo mũi nhọn. Ngoài việc không ngừng đầu tư về cơ sở, vật chất, Phòng GD - ĐT gắn việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia với không ngừng đổi mới phương pháp, nội dung giảng dạy và nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý- Ông Kiên nói thêm.

Đối với bậc tiểu học, ngành GD - ĐT huyện tiếp tục giao quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường; chủ động điều chỉnh nội dung dạy học một cách hợp lý nhằm đáp ứng yêu cầu, mục tiêu giáo dục tiểu học, phù hợp đối tượng học sinh, đồng thời từng bước thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực của học sinh. Các trường tiêu học tích cực đổi mới và áp dụng các hình thức tổ chức dạy học tiên tiến như hoạt động giáo dục và tổ chức, quản lý lớp học theo mô hình VNEN; phương pháp “Bàn tay nặn bột”; dạy học Mỹ thuật theo phương pháp Đan Mạch… đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, kích thích sự đam mê, tìm tòi, khám phá của các em.

Riêng khối trung học phổ thông, Phòng GD - ĐT tập trung tăng cường đổi mới hình thức, phương pháp, kỹ thuật dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh; đổi mới cơ chế quản lý chuyên môn; sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn; tăng cường điều kiện bảo đảm chất lượng và sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học; Triển khai tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn trên trang mạng “trường học kết nối”; tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học và tham gia cuộc thi khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh trung học. Đồng thời chú trọng giáo dục đạo đức và giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống, hiểu biết xã hội, thực hành pháp luật; tổ chức các hoạt động giúp học sinh vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Cùng với đó, lực lượng giáo viên cũng được quan tâm phát triển. Toàn ngành GD - ĐT huyện Mường Nhé hiện có 1.082 người (tính đến tháng 5/2019). Số giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn chiếm trên 95%, trong đó hệ mầm non và tiểu học 100% giáo viên đạt chuẩn. Đội ngũ quản lý cơ bản hoàn thiện đáp ứng được yêu cầu trong việc quản lý, điều hành các chương trình giáo dục. Số giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện tăng hàng năm. Đặc biệt, trong những năm gần đây, đã có nhiều giáo viên của huyện đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.

Nâng cao chất lượng giáo dục

Tính đến thời điểm hiện tại phòng GD - ĐT huyện có 38 đơn vị trường với 573 lớp, 14838 học sinh. Giảm 52 lớp, giảm 126 học sinh so với cùng kỳ năm học trước. Trước tình hình đó, Phòng GD - ĐT huyện dùng mọi biện pháp để vận động đưa học sinh lớp 3, 4, 5 ở các điểm bản về trung tâm trường để có điều kiện học tập tốt hơn, nâng cao chất lượng giáo dục, tăng cường kỹ năng sống trên cơ sở tự nguyện và có đủ điều kiện về cơ sở vật chất tại trường trung tâm. Có kế hoạch, biện pháp cụ thể đối với việc huy động, duy trì sĩ số học sinh các cấp học, đặc biệt các lớp đầu cấp và cuối cấp. Chỉ đạo tốt công tác huy động học sinh thuộc các dân tộc thiểu số, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh khuyết tật tại các xã. Đồng thời phải duy trì có hiệu quả các tiêu chí trường chuẩn Quốc gia tại 11 trường đã được công nhận từ năm học trước và 02 trường vừa mới được công nhận nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia của huyện là 13/38 trường đạt 34,2% (cấp mầm non 4 trường, cấp tiểu học 5 trường, cấp THCS 4 trường).

Hiện nay Phòng GD - ĐT huyện đang tập trung hoàn thiện việc cập nhập dữ liệu cho phần mềm cơ sở dữ liệu của toàn ngành giáo dục; triển khai đồng bộ các phần mềm quản lý trong các cơ sở GD - ĐT, trong các nhà trường, kết nối liên thông dữ liệu với phần mềm cơ sở dữ liệu ngành; xây dựng đưa vào sử dụng và khai thác có hiệu quả Ngân hàng đề thi do Phòng GD - ĐT biên soạn. Đồng thời, tiếp tục phát động giáo viên tham gia xây dựng bài giảng e-learning và đóng góp vào kho bài giảng e-learning trực tuyến toàn ngành; bước đầu làm quen với mô hình giáo dục điện tử, lớp học thông minh nhằm đón đầu việc xây dựng trường học thông minh tại Trường THCS thị trấn Quảng Hà.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé, ông Pờ Diệu Ninh cho biết: Huyện tiếp tục quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cho giáo dục, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục; tăng cường các giải pháp đẩy mạnh thu hút các nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào giáo dục, trong đó khuyến khích thành lập các trường tư thục chất lượng cao. Huyện cũng sẽ tập trung xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở các cấp học theo lộ trình. Đồng thời xây dựng được đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có năng lực và trình độ chuyên môn đạt chuẩn, có phẩm chất đạo đức tốt. Phấn đấu chất lượng giáo dục mũi nhọn của các trường với đa số học sinh là con em đồng bào DTTS ngày càng khởi sắc, phát huy thành tích tăng só lượt học sinh đoạt giải trong các kỳ thi giao lưu học sinh giỏi, viết và trình bày chữ đẹp, học sinh giỏi cấp huyện... trong năm học 2019 - 2020.

Phòng GD - ĐT đang tích cực tham mưu cho UBND huyện tiến hành tuyển dụng 150 biên chế trong đó có 100 giáo viên mầm non, 50 giáo viên văn hóa và tiếng anh cấp tiểu học. Hiện đang chờ cấp trên phê duyệt phương án tuyển dụng. Công tác bố trí, sắp xếp sử dụng đội ngũ tương đối phù hợp, khoa học, đảm bảo thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Công tác bồi dưỡng cán bộ, giáo viên được triển khai thực hiện nghiêm túc, các nội dung tập huấn tại Sở GD - ĐT giảng viên cốt cán truyền tải đầy đủ cho học viên. Nhiều nội dung được đề xuất, tổ chức thực hiện khoa học nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng hè. Các chế độ chính sách cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong toàn ngành được thực hiện đảm bảo.

Thời gian tới, nhiệm vụ trọng tâm đó chính là tiếp tục rà soát, sắp xếp quy mô mạng lưới trường, lớp, tăng tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên và người lao động về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý. Chủ động sắp xếp tổ chức bộ máy và nhân sự hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm biên chế. Ưu tiên, chủ động phương án tuyển dụng bổ sung giáo viên mầm non, giáo viên chuyên biệt và hợp đồng đội ngũ nhân viên nấu ăn theo Nghị định 116.

Đẩy mạnh đào tạo nâng chuẩn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; kiến thức quản lý giáo dục, quản lý nhà nước; nâng cao trình độ ứng dụng tin học, ngoại ngữ cho cán bộ, giáo viên theo tiêu chuẩn chức danh vị trí việc làm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giáo dục của ngành. Nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ, giáo viên, nhân viên, sử dụng kết quả đánh giá để điều chỉnh nội dung bồi dưỡng đội ngũ; gắn kết quả đánh giá với bố trí, sử dụng nhằm phát huy năng lực đội ngũ. Tăng cường chỉ đạo công tác phát triển Đảng trong các cơ sở giáo dục.

Để tiếp tục duy trì những thành tích đã đạt được, Phòng GĐ - ĐT huyện Mường Nhé sẽ quyết tâm, cố gắng đạt được để đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, nêu cao vai trò chủ động, sáng tạo và quyết tâm cao, nhất là công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, đây là yếu tố quan trọng trong việc ổn định, giữ vững kỷ cương, nền nếp trường, lớp học và nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, góp sức mình cùng ngành giáo dục tỉnh Điện Biên và ngành giáo dục nước nhà thêm phát triển.

Việt Anh