Nông sản Đồng Nai

Muốn ra "biển lớn" phải liên kết bền vững

- Thứ Năm, 17/09/2020, 08:49 - Chia sẻ
Chính liên kết sản xuất tập trung, tuân thủ quy trình sản xuất sạch và tiếp cận thị trường có kế hoạch đã giúp cho nhiều sản phẩm nông sản của Đồng Nai “chen chân” được vào các thị trường lớn trên thế giới. Hiện ngành nông nghiệp Đồng Nai đang tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển sản phẩm chủ lực OCOP, hình thành các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất và chất lượng hàng hóa, xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Rõ ràng, để sản phẩm nông sản Đồng Nai đi ra thế giới từ người sản xuất đến các doanh nghiệp phải tạo được các chuỗi liên kết bền vững, cùng hỗ trợ nhau phát triển.

Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm

Hiện nay, điều quan trọng là phải cạnh tranh bằng việc áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất và chế biến. Với những lợi thế sẵn có, Ðồng Nai phấn đấu lấy nông nghiệp phục vụ công nghiệp chế biến theo hướng xuất khẩu làm mũi nhọn. Với hướng đi này, nông sản Ðồng Nai sẽ không cạnh tranh bằng giá rẻ mà sẽ cạnh tranh bằng sản phẩm chất lượng cao.

Câu chuyện điển hình cho việc liên kết để cùng nhau phát triển sản xuất ở Đồng Nai có thể thấy rõ nét ở hợp tác xã (HTX) Hồ tiêu Lâm San (huyện Cẩm Mỹ). Đây là HTX đã tiên phong phát triển tiêu hữu cơ và trở thành HTX đầu tiên ở Việt Nam xuất khẩu hạt tiêu vào các nước châu Âu. Chỉ ra lợi ích cho nông dân khi tham gia chuỗi liên kết, Giám đốc HTX Hồ tiêu Lâm San Nguyễn Ngọc Luân cho rằng, nếu không có liên kết sản xuất sẽ không có chuyện nông dân ở huyện nghèo Cẩm Mỹ xuất khẩu hạt tiêu sang Đức, Hà Lan và nhiều quốc gia châu Âu khác. Để tham gia vào các sân chơi lớn, những hộ sản xuất riêng lẻ phải liên kết, bảo đảm số lượng, chất lượng sản phẩm. Chính vì điều này, mặc cho giá tiêu trong nước lên xuống thất thường nhưng hồ tiêu của HTX Hồ tiêu Lâm San luôn sẵn sàng “xuất ngoại” với giá ổn định.

Thời gian qua, nhiều mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Ðồng Nai đã hình thành, giúp nông dân tăng năng suất, chất lượng cây trồng và từng bước nâng cao thu nhập. Ðây cũng là tiền đề quan trọng giúp doanh nghiệp tạo ra vùng nguyên liệu lớn, mở rộng sản xuất, đưa nông sản đến với thị trường thế giới.

Thực tế nhiều doanh nghiệp cho rằng việc đầu tư về vốn để xây dựng nhà máy, áp dụng khoa học công nghệ… không mấy khó khăn khi đầu tư vào chế biến nông sản. Khó khăn của họ là có được vùng nguyên liệu để làm sao duy trì được nhà máy đó. Vùng nguyên liệu là yếu tố then chốt trong bất cứ ngành hàng chế biến nào. Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp.

Hướng đi phù hợp đối với Ðồng Nai trong việc liên kết sản xuất, tiêu thụ, nâng cao năng lực cạnh tranh của các mặt hàng nông sản chủ lực là tập trung vào công nghiệp chế biến. Vì vậy, những năm gần đây, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời tăng quy mô sản xuất hàng hóa, áp dụng các quy trình sản xuất hiện đại, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất cho các doanh nghiệp (DN), HTX liên kết và trình độ của người dân. Thông qua đó, tạo kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản bền vững, ứng dụng rộng rãi khoa học - kỹ thuật nông nghiệp thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 để giành những vụ mùa bội thu, tạo sản phẩm hàng hóa chất lượng cung ứng thị trường.

Phát triển chuỗi liên kết tại Đồng Nai đã đạt kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy mạnh tính chuyên môn hóa, mở rộng sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm. Khi triển khai hiệu quả các mô hình liên kết, nông dân chẳng những có thể yên tâm đầu ra mà còn nâng cao thu nhập khi giá trị nông sản tăng lên. Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 120 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản. Trong đó, 16 chuỗi liên kết theo dự án cánh đồng lớn được UBND tỉnh phê duyệt, 104 chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với người dân thông qua hợp đồng tiêu thụ sản phẩm: 16 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đã được UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ đang hoạt động với 12 doanh nghiệp, 16 HTX tham gia, đến nay, đã thực hiện đạt 3.409ha, đạt 61,73% so với mục tiêu phát triển diện tích.

Các chuỗi liên kết theo dự án cánh đồng lớn được UBND tỉnh phê duyệt tập trung tại các huyện có vùng sản xuất tập trung: huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Trảng Bom, Tân Phú, Định Quán và thành phố Long Khánh; 104 chuỗi tự liên kết giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, cơ sở giết mổ, trong đó có: 51 chuỗi trồng trọt với tổng diện tích là 8.757,2ha, 15 chuỗi chăn nuôi, 03 chuỗi thủy sản với diện tích là 29,2ha, chuỗi liên kết sản xuất các mặt hàng khác: yến, nấm, thịt heo, thịt gà...

Cà Phê 4C tại huyện Cẩm Mỹ là sản phẩm nằm trong chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp  

Ðể khuyến khích liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phát triển bền vững, tỉnh Ðồng Nai đã quy định cụ thể chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, với mức hỗ trợ xây dựng hạ tầng tối đa 10 tỷ đồng/dự án. UBND tỉnh Ðồng Nai cũng quy định khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản và xây dựng cánh đồng lớn. Thông qua các chính sách hỗ trợ đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung, tạo ra sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu, có giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện tự nhiên của từng địa phương. Trên địa bàn đã hình thành nhiều khu sản xuất tập trung cho các loại cây trồng, như: hơn 34.000ha điều, 13.000ha cà phê, 10.000ha xoài, 15.000ha tiêu... Ðồng Nai cũng đứng đầu cả nước với hơn 2.470 trang trại.

Nhằm mở rộng diện tích vùng chuyên canh, tỉnh đã hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng hàng chục thương hiệu sản phẩm nông nghiệp và vật nuôi (trong đó có các thương hiệu đạt tiêu chuẩn GlobalGAP) tạo ra sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt, có thương hiệu, qua đó thúc đẩy sản xuất phát triển, phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu.

Cạnh tranh bằng sản phẩm chất lượng cao

Nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp tỉnh Đồng Nai trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế là nội dung đề án được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt tại Quyết định số 3066/QĐ-UBND ngày 27.9.2019. Đề án xác định chấp nhận cạnh tranh và chủ động hội nhập quốc tế, các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh đóng vai trò kiến tạo để giúp người sản xuất và doanh nghiệp có thể chuyển đổi và định hướng phát triển phù hợp trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; tập trung phát triển các sản phẩm và phân khúc thị trường có lợi thế cạnh tranh để đáp ứng nhu cầu, xây dựng các kênh phân phối bền vững, giữ vững thị trường trong tỉnh, trong nước, bảo vệ sinh kế cho người dân sản xuất nông nghiệp; cải thiện năng lực về thể chế, có chính sách hỗ trợ phù hợp để tập trung phát triển các loại sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh, có hiệu quả kinh tế cao và thị trường tiêu thụ ổn định…

Đồng Nai nêu mục tiêu đến năm 2030, ngành công nghiệp - dịch vụ chế biến nông sản trở thành ngành mũi nhọn của tỉnh, chiếm tỉ trọng 25-35% tỉ trọng GRDP của tỉnh, thu hút khoảng 20-30% lực lượng lao động của tỉnh. Đồng Nai trở thành trung tâm hàng đầu của cả nước về đổi mới sáng tạo và cung ứng công nghệ về công nghiệp - dịch vụ chế biến nông sản.

Đề án sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2019-2030. Trong đó xác định 7 nhóm mặt hàng có lợi thế, thế mạnh của tỉnh để tập trung các giải pháp hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm gồm: cà phê, điều, tiêu, heo, gà, trái cây, sản phẩm gỗ.

Để thực hiện đề án, UBND tỉnh Đồng Nai thành lập ban chỉ đạo triển khai các hướng đột phá thực hiện đề án, thành lập các nhóm công tác gồm lãnh đạo các sở, ngành liên quan và thành lập trung tâm tổng thể về xúc tiến đầu tư, thương mại hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp giai đoạn 2021-2025.

Minh Ngọc