Tản mạn

“Muối của trái đất”

- Thứ Bảy, 13/07/2019, 08:24 - Chia sẻ
Bộ phim kể lại câu chuyện cuộc đời của một trong những nhà nhiếp ảnh xuất chúng nhất của thế giới - Sebastião Salgado - người viết lại bằng ánh sáng những nỗi đau đớn, thống khổ nhưng cũng tuyệt đẹp của loài người, của thiên nhiên và của thế giới...

Khi câu chuyện Sebastião Salgado trồng 2 triệu cây rừng được kể lại, nhân nạn cháy rừng đang hoành hành tại nhiều tỉnh miền Trung nước ta, tôi lại nhớ tới “The Salt of the Earth” (Muối của trái đất) - một bộ phim tài liệu tuyệt đẹp và khai sáng, từng kể về ông.

“Photo” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là light, còn “Graphy” nghĩa là Writing, Nhiếp ảnh có nghĩa là viết lại bằng ánh sáng. Câu chuyện cuộc đời của một trong những nhà nhiếp ảnh xuất chúng nhất của thế giới - Sebastião Salgado có thể được định nghĩa ngắn gọn qua bộ phim tài liệu chân dung của đạo diễn nổi tiếng người Đức Wim Wenders và Juliano Ribeiro Salgado, cũng là con trai của Sebastião Salgado: Người viết lại bằng ánh sáng những nỗi đau đớn, thống khổ nhưng cũng tuyệt đẹp của loài người, của thiên nhiên và của thế giới. 

Sebastião Salgado dành ra 8 năm để chụp thiên nhiên, động vật ở những nơi hoang dã nhất, ở sa mạc Gobi, ở đảo Phục Sinh Chile, ở những cánh rừng của Brazil. Ông kể có lần băng qua bãi biển nhiều giờ liền mệt quá nên ngủ quên trên biển, sáng ra cảm giác bàn chân mình nhồn nhột, thức dậy thì phát hiện ra ba chú sư tử biển đang ngồi trên bãi biển... ngắm vị khách lạ. Đó là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ của một người đã dành 40 năm đi khắp 6 châu lục trên thế giới, đặt chân lên hơn 100 quốc gia, bỏ lỡ chứng kiến khoảnh khắc đứa con trai đầu lòng chào đời, thay vào đó là chứng kiến những cuộc xung đột chiến tranh liên miên ở vùng Balkans, nạn chết đói và di cư ở Sudan, Ethiopia, Rwanda, những bộ lạc thổ dân ở Indonesia, một hầm mỏ khai thác vàng lộ thiên ở Brazil... 

Mỗi bức ảnh của ông đều có một câu chuyện, một khoảnh khắc để ghi lại. Hầu hết chúng được chụp đen trắng và tuyệt đẹp, đặc biệt là ánh sáng. Hình ảnh hơn 50.000 người đàn ông mình trần ở một mỏ vàng gợi nhớ tới hình ảnh người xưa xây Kim Tự Tháp hay Babel; đôi mắt của những đứa trẻ sắp chết đói ở Ethiopia, chân dung một người đàn bà mù lòa nhưng hàng ngày nước mắt vẫn chảy ra từ hốc mắt hay vẻ đẹp tuyệt vời của cơ thể của những chàng trai thổ dân trần truồng (có duy nhất một cái ống bảo vệ chim) leo thoăn thoắt lên ngọn cây để thu lượm thành quả săn bắn... 

Muối của trái đất, vì vậy như những kết tinh đẹp nhất của một chuyến hành trình đi qua nỗi thống khổ của con người mà vẫn thấy đẹp, thấy đầy cảm hứng. Và Sebastião Salgado chắc chắn là một người nghệ sĩ thuần khiết nhất của thế giới.

Bảo Khánh