Mức sinh thấp là rào cản đối với mục tiêu phát triển bền vững của chiến lược kinh tế - xã hội đến năm 2030

- Thứ Năm, 07/11/2019, 14:51 - Chia sẻ
GS.TS Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính Trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu tại Hội thảo khoa học tại đại học kinh tế quốc dân ngày 26.10.2019, với chủ đề: “Đại học Kinh tế Quốc dân đóng góp xây dựng văn kiện Đại hội Đảng: Lựa chọn để phát triển”,trong đó GS cho rằng già hóa dân số nhanh và mức sinh thấp là một trong những bối cảnh cần được xem xét để có thể đạt được mục tiêu phát triển KTXH bền vững đến năm 2030.

Xu hướng MS thấp và hậu quả

Mức sinh được gọi là thấp khi có tổng tỷ suất sinh<1.3 (con/1 phụ nữ) (Kohler, H.P 2002). Với mức này, chưa quốc gia nào có thể tăng mức sinh trở lại, mà xu hướng ngày càng giảm sâu.’Vùng an toàn” là trên 1.5 lần sinh trên mỗi phụ nữ, tức là vẫn có thể duy trì ở mức này mà không bị giảm xuống sâu. Kinh nghiệm quốc tế cúng kiến nghị rằng, Chính phủ cần phải có giải pháp can thiệp khi mức sinh bắt đầu giảm xuống dưới mức sinh thay thế ở mức 1.7 đến 2.1 con/1 phụ nữ.

Hậu quả của một mức sinh thấp, trước hết là dẫn tới già hóa dân số và thiếu hụt lực lượng lao động trong tương lai. Ngoài ra, mức sinh thấp trong điều kiện kém hiểu biết và không có kỹ năng tránh thai của giới trẻ, hạn chế tiếp cận dịch vụ tránh thai thường dẫn tới tình trạng gia tăng phá thai, ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe sinh sản. Bên cạnh đó, mức sinh thấp còn có thể khiến cho tình trạng lựa chọn giới tính khi sinh trầm trọng hơn nếu nó đã tồn tại ở một quẩn thể dân số.Nếu mức sinh tiếp tục giảm, thì tất cả các hậu quả trên sẽ còn kịch tính hơn so với hiện tại. Bài học của Hàn Quốc để cho mức sinh giảm sâu tới 0.98 con/1 phụ nữ tính tới thời điểm 8.2019, các chính sách khuyến khích sinh đưa ra đều không hiệu quả. Điều này khiến dân số Hàn quốc giảm từ năm 2018, và sẽ tiếp tục giảm nữa khi thế hệ trẻ không muốn kết hôn và sinh con. Khi dân số giảm sẽ dẫn tới giảm quy mô tiêu dùng, tiết kiệm và đầu tư trong dài hạn. Điều này chính là rào cản cho mục tiêu duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững trong tương lai.

Nguyên nhân MS thấp và giait pháp duy trì MS

Chưa có lý thuyết nào tốt nhất trong các ngành khoa học xã hội cho chúng ta biết khả năng sinh sản ở các quốc gia có mức sinh thấp có khả năng phục hồi trong tương lai hay sẽ tiếp tục giảm. Với giả thuyết về “Bẫy mức sinh thấp” (hình 1), có thể dự báo, nếu để mức sinh giảm xuống mức dưới 1.3 con /1 phụ nữ, thì mức sinh còn tiếp tục giảm nữa. Các thành phần khiến mức sinh giảm gồm:

Thành phần nhân khẩu học (LFT1): đoàn hệ bị thu hẹp do mức sinh ở thế hệ trước đã giảm, thì ở thế hệ tiếp theo, nếu không có tác động gì sẽ giảm hơn nữa (Kohler, H.P 2002); 

Thành phần xã hội học (LFT2) dựa trên giả định rằng quy mô gia đình lý tưởng cho đoàn hệ trẻ đang giảm như là một hệ quả của mức sinh thực tế thấp mà họ quan sát thấy trong đoàn hệ cha mẹ; 

Thành phần kinh tế (LFT3) dựa vào giả thuyết thu nhập tương đối của (Easterlin,1987), cụ thể, khả năng sinh sản là kết quả từ sự kết hợp thu nhập mong muốn và thu nhập dự kiến, và giả định rằng nguyện vọng về thu nhập của thanh niên đang ngày càng tăng trong khi thu nhập dự kiến của nhóm dân số trẻ này lại giảm, một phần là do hậu quả của dân số lão hóa gây ra bởi mức sinh thấp.

Cả ba yếu tố này sẽ tạo một vòng xoáy đi xuống của số trẻ em được sinh ra trong tương lai. Nếu nhận thức được điều này, các chính phủ cầnhành động ngay lập tức để thoát khỏi bẫy.

Với thành phần LFT1, kinh nghiệm ở hai nước có mức sinh thấp từ thập kỷ 90 ở châu Âu là Ý (TFR=1.19 năm 1995) và Tây Ban Nha (TFR=1,16 trong cùng năm) đã tăng trở lại được mức sinh trong những năm đầu thế kỷ 21 với tổng tỷ suất sinh tương ứng là 1,42 và 1,405 tương ứng vào năm 2008 là do có những dòng nhập cư đến các nước này, làm thay đổi các đoàn hệ sinh sản và phá vỡ được “bẫy mức sinh thấp”. Tuy nhiên, các dòng nhập cư này sau một thời gian khiến cho thị trường lao động trở nên cạnh tranh nhiều hơn, xung đột xã hội nhiều hơn, khiến nhiều thanh niên tiếp tục trì hoãn kết hôn và việc sinh con lâu dài hơn, và mức sinh lại giảm.

Nguyên nhân thứ hai của mức sinh thấp (LFT2) là xu hướng hoãn sinh con đầu lòng và giãn khoảng cách giữa các lần sinh. Đây là xu hướng có thể do các chính sách khuyến khích giảm mức sinh trước đây tạo ra, có thể do kết quả của sự phát triển khi phụ nữ ngày càng bình đẳng hơn, tham gia học tập lâu dài hơn và tham gia thị trường lao động nhiều hơn (Lutz, et all 2006). Và các yếu tố này này sẽ không có lý do để đảo ngược, có thể còn phổ biến hơn cùng với quá trình phát triển xã hội, thế hệ trẻ dần độc lập hơn, sẽ không sinh con sớm cho đến khi điều kiện kinh tế, việc làm và thu nhập của họ ổn định, đặc biệt là phụ nữ. Hỗ trợ thanh niên trẻ sớm ổn định cuộc sống và trao quyền nhiều hơn cho họ có thể được coi là một chính sách thân thiện với mức sinh hiện nay.Chính phủ đương nhiên phải đi đầu trong việc cung cấp cảm giác an toàn này. Tuy nhiên, cũng cần có sự tham gia của các tổ chức sử dụng lao động, cung ứng dịch vụ.

Ngoài ra còn có thể tăng nhận thức về nguy cơ của sự chậm trễ, đó là rủi ro mà bạn sẽ không thể có được đứa con mà bạn muốn có. Có nhiều rủi ro khác như gia đình không bền vững, nguy cơ li dị và làm cha mẹ đơn thân cao, và nỗi sợ liên quan đến việc có con và nếu xã hội có thể giải quyết những rủi ro này, tỷ lệ sinh sẽ có khả năng gia tăng trở lại.

Có cả những chính sách khá trực tiếp như Chính phủ Nhật Bản hiện đã chi hàng triệu dolla  để hỗ trợ người dân hẹn hò, tìm bạn đời và kết hôn trong khi Singapore cấm thiết kế căn hộ cho người độc thân nhằm góp phần tăng tỷ lệ sinh.


Nguồn: Wolfgang Lutz, Vegard Skirbekk, Maria Rita Testa, The Low Fertility Trap Hypothesis: Forces that may lead to further postponement and fewer births in Europe, European Demographic Research Papers, p11
Hình 1. Cơ chế của cácbiến nhân khẩu học (LFT-1), xã hội học (LFT-2) và kinh tế(LFT-3) hình thành nên Bẫy Mức sinh thấp.

Nguyên nhân thứ ba khiến mức sinh duy trì ở mức thấp dựa trên giả thuyết thu nhập tương đối của Easterlin (LFT3). Các giả thuyết Easterlin khẳng định rằng mối quan hệ tỷ lệ thuận giữa thu nhập và khả năng sinh sản phụ thuộc vào thu nhập tương đối. Tác giả giả định rằng nguyện vọng vật chất được xác định bằng kinh nghiệm bắt nguồn từ nền tảng gia đình, cặp vợ chồng trẻ cố gắng để đạt được một mức sống bằng hoặc tốt hơn so với điều kiện sống trong gia đình khi họ còn nhỏ. Nếu thu nhập cao so với nguyện vọng và cơ hội việc làm phong phú, thanh niên sẽ dễ dàng kết hôn sớm hơn và sinh con. Nhưng khi công việc khan hiếm, các cặp vợ chồng cố gắng hoãn kết hôn cho đến khi đạt được mức sống mong muốn và sẽ có ít con hơn. Đối với Easterlin, quy mô của một đoàn hệ dân số là một yếu tố quyết định quan trọng để có được một công việc tốt trên thị trường. Một nhóm nhỏ hơn đồng nghĩa với ít cạnh tranh, một tập hợp lớn hơn có nghĩa là áp lực cạnh tranh lớn hơn. Khi trình độ học vấn tiếp tục tăng để đáp ứng vớinhu cầu của thị trường lao động tự do hóa, lần sinh đầu tiên sẽ bị trì hoãn lâu hơn nữa. Đặc biệt là do chi phí trực tiếp và chi phí cơ hội khi sinh con đối với phụ nữ ngày càng cao, nhất là khi lợi ích của giáo dục và sự nghiệp đối với họ ngày càng tăng, bình đẳng giới ngày càng được khuyến khích. Để giải quyết nguyên nhân này, các chính sách phúc lợi gia đình lấy phụ nữ và trẻ em làm trung tâm trở thành chính sách thân thiện mức sinh và được áp dụng ở châu Âu, (Esping-Andersen etal. 2002). Bên cạnh đó các chính sách hướng tớ iviệc thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình (McDonald2000)[2] và chính sách hỗ trợ tốt hơn việc hài hòa giữa công việc và gia đình cũng là chính sách hỗ trợ sinh sản như các chính sách cung cấp các dịch vụ hỗ trợ gia đình, tạo nhiều công việc linh hoạt bán thời gian cho phụ nữ, hỗ trợ kinh phí cho dịch vụ trông nom trẻ khi người mẹ đi làm...

Các phân tích đơn giản trên đây cho thấy rằng sự khác biệt giữa các quốc gia phát triển có mức sinh rất thấp và những quốc gia có mức sinh thấp vừa phải là do các yếu tố thể chế hơn là những yếu tố cá nhân hay hộ gia đình. Vì vậy, thúc đẩy bình đẳng giới thực sự trong gia đình và xã hội, tạo việc làm linh hoạt cho phụ nữ… khiến chi phí cơ hội khi sinh con của họ giảm xuống, là những giải pháp nhằm thay đổi rào cản khiến các chính sách hỗ trợ sinh sản của nhà nước có thể tác động tới hành vi sinh sản ở các hộ gia đình.

Như vậy, khuyến khích sinh sản phải là một phần của giải pháp cho các vùng có mức sinh rất thấp. Đối với những quốc gia có mức sinh hiện tại chỉ ở mức thấp vừa phải (1.7-2.1), việc thực hiện các chính sách để duy trì tỷ lệ sinh quanh mức hiện tại là cần thiết.

TS. Ngô Quỳnh An, bộ môn DSPT, khoa KT và QLNNL, ĐHKTQD