Góc nhìn

Mức phạt hay cách phạt?

- Chủ Nhật, 12/05/2019, 08:11 - Chia sẻ

Theo Báo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Sáu, QH Khóa XIV của Ban Dân nguyện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vừa qua, thì vấn đề xử phạt hành chính có những bất cập cử tri quan tâm, bức xúc. Cử tri cho rằng, mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm trong một số lĩnh vực khác nhau còn có sự chênh lệch, thiếu công bằng, không phù hợp với thực tế... Báo cáo cũng nêu rõ, việc tiếp thu kiến nghị cử tri sửa đổi, bổ sung một số văn bản pháp luật liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính không phù hợp thực tiễn, còn chậm dẫn đến một số vi phạm chưa được xử lý thỏa đáng.
Xử phạt hành chính là lĩnh vực khá rộng, chuyên sâu, nhiều cơ quan có thẩm quyền thực hiện như công an, thanh tra, hải quan, y tế, quản lý thị trường, biên phòng, thuế, kiểm lâm, cảnh sát biển hay Chủ tịch UBND… Về quy định về xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp xử lý hành chính, đến nay đã có hơn 100 văn bản hướng dẫn thi hành. Đây là nỗ lực lớn để đưa luật vào cuộc sống. Tuy nhiên, khi xử lý từng trường hợp cụ thể đã bộc lộ những mâu thuẫn trong mức xử phạt tiền và cách thức xử phạt.

Mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính là rất rộng từ 50.000 đồng đến 1 tỷ đồng đối với cá nhân; từ 100 nghìn đồng đến 2 tỷ đồng đối với tổ chức. Và được quy định cho từng lĩnh vực khác nhau áp dụng. Tuy nhiên, khi áp dụng lại bộc lộ bất cập. Cụ thể, hành vi sàm sỡ nữ sinh trong thang máy tại một chung cư ở Hà Nội, nhưng mức xử phạt hành chính đối với người vi phạm chỉ 200 nghìn đồng, chưa tương xứng với hành vi vi phạm và tác động xấu mà nó gây ra nên không đủ sức răn đe. Hay mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm trong một số lĩnh vực khác nhau còn có sự chênh lệch, thiếu công bằng, không phù hợp với thực tế. Vụ việc một công dân ở Cần Thơ, đổi 100 USD tại cửa hàng kinh doanh vàng bị phạt tiền 90 triệu đồng là đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, mức xử phạt như vậy là quá nặng đối với vi phạm cụ thể này.

Những quy định như vậy hiện tồn tại không ít trong các lĩnh vực khiến khi áp dụng chúng bộc lộ tính không hợp lý, không bảo đảm tính răn đe hay không khả thi. Chẳng hạn, trong lĩnh vực xây dựng, việc xử phạt tiền cho công trình tồn tại kéo dài dẫn đến những hậu quả pháp lý nghiêm trọng như vụ xây dựng trái phép trên đất rừng ở Ba Vì, Hà Nội; như Việt phủ Thành Chương đã từng bị chính quyền xã phạt tiền và tiếp tục được xây dựng tồn tại đến nay. Hay trong lĩnh vực giao thông cũng vậy, những trường hợp tham gia giao thông vi phạm các lỗi như chạy lấn tuyến, lấn làn, đi vào đường ngược chiều, đường cấm, vượt đèn đỏ... thì có đến khoảng 90% người điều khiển xe biết được việc chạy xe như vậy là sai nhưng vẫn vi phạm. Tại sao lại như vậy?

Phải chăng có sự buông lỏng, tùy tiện trong áp dụng pháp luật hay quy định của pháp luật có chỗ bất cập về thủ tục xử phạt, các hình thức xử phạt được áp dụng hay mức xử phạt tiền. Có những trường hợp vi phạm kéo dài, lan rộng, nhờn luật… tạo mối nguy hiểm cho xã hội, an ninh trật tự và quản lý hành chính chưa được cân nhắc xử lý đúng mức.

Giữa vi phạm hành chính và tội phạm khác nhau cơ bản ở mức độ nguy hiểm của hành vi. Nhưng đâu là giới hạn vi phạm hành chính khi nó lặp đi, lặp lại và xem thường pháp luật. Thậm chí sẵn sàng bị phạt để tồn tại trong xây dựng; hay hướng tới lợi nhuận sau phạt trong kinh doanh sản xuất; hay xem nhẹ tính mạng, tài sản của cá nhân, cộng đồng trong tham gia giao thông… Đây là lỗi của văn bản, của quy định hay là lỗi thực thi?

Rõ ràng một mặt cần phải rà soát các hình thức xử phạt hành chính, mức xử phạt tiền. Mặt khác, cần bảo đảm thực thi đúng, nghiêm minh, kịp thời, không bỏ sót hành vi vi phạm trên từng lĩnh vực sao cho xử phạt hành chính thực sự là công cụ răn đe, giáo dục. Vì vi phạm hành chính kéo dài, phổ biến không chỉ là hiện tượng nhờn luật, lách luật mà chính là cội nguồn dẫn đến vi phạm hình sự.

Thanh Hà