Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam

Mua sắm công sẽ minh bạch, hiệu quả hơn

- Thứ Hai, 17/02/2020, 08:12 - Chia sẻ
Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) vừa được Nghị viện châu Âu thông qua với tỷ lệ khá cao (63,34%). Đây là hiệp định thương mại toàn diện nhất của Liên minh châu Âu (EU) với một quốc gia đang phát triển ở khu vực ASEAN sau Singapore. Bên cạnh cam kết liên quan đến thương mại và đầu tư, EVFTA cũng sẽ mở cửa thị trường mua sắm công của Việt Nam cho các nhà thầu EU và ngược lại; đồng thời nâng cao tiêu chuẩn và tăng khả năng cạnh tranh của nhà thầu trong hoạt động mua sắm công.

Mở cửa ở cả Trung ương và địa phương

SDR là quyền rút vốn đặc biệt, mỗi 1 SDR tương đương khoảng 2 triệu đồng. Ngưỡng mở cửa sẽ được điều chỉnh 2 năm/lần với hiệu lực của mỗi lần điều chỉnh bắt đầu vào ngày 1/1. Lần điều chỉnh đầu tiên có hiệu lực từ ngày 1/1 của năm thứ 3 từ khi Hiệp định có hiệu lực. Việc tính toán và công bố ngưỡng mở cửa tính bằng đồng Việt Nam dựa trên tỷ giá do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố hàng tháng. Tỷ giá là giá trị bình quân hàng ngày của đồng Việt Nam tính theo SDR trong khoảng thời gian 2 năm trước thời điểm ngưỡng điều chỉnh.

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU tại ASEAN sau Singapore, với kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt giá trị 56,45 tỷ USD, chiếm 22% tổng kim ngạch năm 2019. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu vào EU đạt 41,54 tỷ USD và nhập khẩu từ EU 14,9 tỷ USD. Xuất khẩu của EU hàng năm tăng trưởng 5 - 7%, thâm hụt thương mại của EU với Việt Nam là 26,64 tỷ USD năm 2019. Thị trường EU nhập khẩu từ Việt Nam các sản phẩm thiết bị viễn thông, thực phẩm, quần áo và xuất khẩu sang Việt Nam thiết bị máy móc, phương tiện vận chuyển, hóa chất, sản phẩm nông nghiệp.

EU cũng là nhà đầu tư lớn thứ 5 trong số các nước và vùng lãnh thổ cung cấp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cho Việt Nam. Lũy kế đến năm 2019, 27/28 nước thuộc EU có 2.375 dự án (tăng 182 dự án so với năm 2018) còn hiệu lực ở nước ta với tổng vốn đăng ký 25,49 tỷ USD (tăng 1,19 tỷ USD), chiếm 7,70% số dự án của cả nước và chiếm 7,03% tổng vốn đăng ký của các nước.


Hoạt động mua sắm công sẽ minh bạch hơn khi EVFTA có hiệu lực
Ảnh: Lê Tiên

Như Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), EVFTA là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tham vọng và toàn diện nhất giữa EU và Việt Nam với mức độ tự do hóa cao, phạm vi tự do hóa rộng. Bên cạnh những cam kết thuộc các lĩnh vực truyền thống (cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại…), EVFTA còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống (lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước, cạnh tranh và phát triển bền vững). Đặc biệt, EVFTA cũng yêu cầu mở cửa thị trường mua sắm Chính phủ (đấu thầu mua sắm công) của Việt Nam cho các nhà thầu EU và ngược lại, tương đương với quy định của Hiệp định mua sắm Chính phủ của WTO (GPA) với một số nghĩa vụ như: Đấu thầu qua mạng, thiết lập cổng thông tin điện tử để đăng tải thông tin đấu thầu. Việt Nam cam kết cho phép các nhà thầu EU được tham gia trong gói thầu của các bộ, ngành trung ương và địa phương (Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) bao gồm cả các gói thầu trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng như đường sá và cảng biển, các doanh nghiệp nhà nước quan trọng trong lĩnh vực đường sắt và điện lực, 34 bệnh viện công lập. Trong khi đó, tại CPTPP, Việt Nam chỉ cam kết mở cửa thị trường mua sắm Chính phủ ở cấp Trung ương.

Ngăn “quân xanh, quân đỏ”, thông thầu

Trong chương mua sắm công, Việt Nam cam kết các nguyên tắc lớn liên quan đến thủ tục, điều kiện đấu thầu áp dụng cho các gói thầu thuộc diện điều chỉnh của EVFTA. Các cam kết này áp dụng chung cho cả EU và Việt Nam như: Tính minh bạch trong quy trình đấu thầu, không phân biệt đối xử giữa các nhà thầu, chống gian lận và sử dụng đấu thầu rộng rãi, đấu thầu qua mạng. Riêng Việt Nam có bảo lưu về lộ trình thực hiện một số nghĩa vụ.

Việt Nam cũng cam kết mở cửa về ngưỡng giá trị mua sắm công tối thiểu đối với cơ quan trung ương. Theo đó, ngưỡng gói thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ từ năm thứ 1 đến thứ 5 sau khi EVFTA có hiệu lực là 1,5 triệu SDR (tương đương 46 tỷ đồng), từ năm thứ 6 đến năm thứ 10 là 1 triệu SDR (30,7 tỷ đồng), từ năm thứ 11 đến năm thứ 15 là 500.000 SDR (15,3 tỷ đồng), từ năm thứ 16 trở đi là 130.000 SDR (4 tỷ đồng). Đối với gói thầu xây lắp, lộ trình mở cửa từ năm 1 đến năm thứ 16 là 5 triệu SDR đến 40 triệu SDR (150,3 tỷ đồng đến 1.228 tỷ đồng). Lộ trình mở cửa đối với ngưỡng giá trị mua sắm tối thiểu của các gói thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ công của các đơn vị sự nghiệp (bệnh viện, 2 tập đoàn, 2 Trường Đại học Quốc gia và 3 Viện, Thông tấn xã Việt Nam), Hà Nội và TP Hồ Chí Minh từ năm 1 đến năm thứ 15 là 1 triệu SDR đến 3 triệu SDR (30,7 tỷ đồng đến 92 tỷ đồng). Giá gói thầu trong các năm tiếp theo được quy định chi tiết trong Bản chào của phụ lục 9A chương 9 EVFTA.

Việc mở cửa thị trường mua sắm công trong EVFTA sẽ nâng cao các tiêu chuẩn và khả năng cạnh tranh với các nhà thầu. Về mặt tích cực, công tác đấu thầu sẽ minh bạch hơn, tính cạnh tranh cao hơn, chất lượng hàng hóa và dịch vụ tốt hơn. Hàng hóa xuất xứ từ 28 nước thành viên trong EU sẽ có tính bổ sung cho hàng hóa Việt Nam khi mà đa phần hàng hóa trong gói thầu mua sắm công Việt Nam chưa sản xuất được. Nhà thầu của các nước thành viên EU cũng chuyên nghiệp hơn, năng lực cao hơn. Cùng với đó, tình trạng “quân xanh”, “quân đỏ”, thông thầu cũng sẽ được hạn chế đặc biệt trong hoạt động đấu thầu mua sắm Chính phủ. Chủ đầu tư sẽ phải làm việc trách nhiệm hơn vì nhà thầu nước ngoài sẵn sàng khởi kiện nếu thấy không được đối xử công bằng, điều ít thấy ở nhà thầu trong nước. Ngân sách nhà nước được chi tiêu hiệu quả hơn, đồng thời cũng tạo cơ hội nhà thầu Việt Nam vươn ra thị trường mua sắm công rộng lớn của EU dựa trên các quy tắc công khai, minh bạch và công bằng hơn.

Bùi Quý Thuấn - Học viện Chính sách và Phát triển