Một vài kỷ niệm với bác Lê Khả Phiêu

- Thứ Sáu, 14/08/2020, 05:38 - Chia sẻ
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là đại biểu Quốc hội Khóa IX và Khóa X (1992 - 2002) thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa. Khi làm đại biểu Quốc hội đầu khóa IX, bác đã là Thượng tướng, Bí thư Trung ương Đảng, đầu khóa X, bác là Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị.

Bác bận rộn muôn vàn việc nước, việc quân đại sự, nhưng có thể nói, bác là “hình mẫu” hoạt động của đại biểu. Từ tiếp xúc cử tri đến sinh hoạt Đoàn đại biểu, thảo luận ở Tổ đến hoạt động ở nghị trường, bác đều tham gia đều đặn, nhiệt tình. Với những phát biểu, những mẩu chuyện dí dỏm, bác đã làm cho không khí sinh hoạt Tổ đại biểu và Đoàn đại biểu trở nên hào hứng, sinh động lạ thường.

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm nơi ở của đồng bào mới được di dời tránh lũ tại ấp Gò Châu Mai, xã Khánh Hưng, Vĩnh Hưng, Long An ngày 27 - 29.9.2000

Có một lần tiếp xúc cử tri như thế!

Chúng tôi còn nhớ đợt tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ Mười của Quốc hội Khóa X từ 13 - 17.11.2001, Đoàn đã làm việc tại xã Minh Sơn, huyện Ngọc Lặc, cụm xã Thanh Long và một số xã lân cận, Công ty mía - đường Việt Đài (huyện Thạch Thành), Sở Y tế và Tỉnh ủy Thanh Hóa. Ở điểm tiếp xúc nào bác Phiêu cũng chăm chú lắng nghe cử tri phát biểu, nhiều khi thấy bác đăm chiêu suy nghĩ và ghi ghi chép chép. Tôi ngạc nhiên nhất khi bác phát biểu ở Công ty mía - đường Việt Đài, đây là Công ty liên doanh với Đài Loan (Trung Quốc). Giám đốc Công ty đọc báo cáo quá nhanh do thời gian hạn chế, chúng tôi không kịp ghi... Thế mà khi phát biểu, bác Phiêu dẫn ra các số liệu gần như đầy đủ: Tổng vốn đầu tư ban đầu của Công ty 66 triệu USD, 40% là vốn pháp định, 60% là vốn vay; Việt Nam góp 20%, Đài Loan 80% tổng vốn; công suất 6 nghìn tấn mía/ngày, sẽ dần dần nâng lên 12 nghìn tấn... Nhưng tâm đắc nhất là bác đã chỉ ra những vấn đề mà đến bây giờ nhìn lại mới thấy thấm thía. Lời bác phát biểu có đoạn: mía, đường và các sản phẩm của mía đường đều là các chất hữu cơ. Quá trình sản xuất còn phải sử dụng các chất phụ gia, các hóa chất khác, do vậy bảo vệ môi trường ở khu vực này gồm cả đất đai, không khí và nguồn nước là vấn đề đại sự của Công ty. Ngay từ bây giờ Công ty phải có kế hoạch, có chiến lược bảo vệ nghiêm ngặt môi trường sống và môi trường làm việc cho công nhân lao động, cho nhân dân trong cả vùng rộng lớn này. Tôi chưa được biết cơ cấu và tình hình lao động cụ thể của Công ty như thế nào, nhưng phải ưu tiên tuyển chọn lao động là người tại chỗ, phải đào tạo nâng cao tay nghề cho họ; liên kết giúp đỡ nông dân địa phương, nhất là giải quyết việc làm, kỹ thuật, kỹ năng lao động để góp phần đưa năng suất mía từ sáu, bảy chục tấn lên 100 tấn/ha và cao hơn nữa... Gần 20 năm qua đi, quả thực, môi trường trên bình diện cả nước nói chung, Công ty mía - đường Việt - Đài nói riêng đang là vấn đề lớn và vô cùng bức xúc.

Buổi trưa, Đoàn công tác ăn trưa tại nhà ăn của UBND huyện Thạch Thành. Bác Phiêu tự sắp xếp “đội hình” các mâm thật hài hòa, xen lẫn thành viên của Đoàn với cán bộ địa phương; cán bộ lãnh đạo ở Trung ương, tỉnh, huyện, xã xen lẫn với nhân viên phục vụ Đoàn. Mọi người thấy bác nhíu mày, hình như còn thiếu một thứ gì đó. Chỉ khi bác vừa nói, vừa chia thịt gà và những con chim mía được rán vàng ruộm cùng những món ngon khác thành những đĩa riêng dành phần các cháu nhà bếp phục vụ thì mọi người mới vỡ lẽ và vô cùng cảm động...

Mãi sau này tôi mới biết, đó không chỉ là một lần tôi “bắt gặp”, mà là một đức tính thương người lao động, thương cấp dưới của một nhà lãnh đạo cấp cao. Tôi như muốn khóc khi được biết câu chuyện: vào những năm 1968 - 1969, chiến trường Trị - Thiên vô cùng gian khổ, ác liệt; bộ đội giải phóng thiếu lương thực, thực phẩm; hằng ngày ăn uống rau cháo cho qua bữa. Thương Thủ trưởng Phiêu, anh chiến sĩ cận vệ hàng ngày vào nương rẫy của bà con Pa Cô - Vân Kiều mót khoai về luộc “bồi dưỡng” Thủ trưởng để có thêm sức chỉ huy chiến đấu. Điều lạ lùng là, mỗi lần cận vệ đưa khoai đến thì Thủ trưởng đều thấy tất cả củ khoai đều đã được bóc vỏ sẵn rồi. Ban đầu chỉ nghĩ là, cậu lính trẻ quan tâm, chăm sóc Thủ trưởng chu đáo, mong muốn Thủ trưởng phải dùng hết số khoai đó. Sau mới biết, nhường tất cả số khoai mót được để Thủ trưởng dùng, chiến sĩ cận vệ rất đói, nhưng chỉ ăn nắm vỏ khoai bóc ra. Từ sâu thẳm tâm can, Ông dâng trào một cảm xúc vừa day dứt, vừa thương yêu, vừa ấm áp, nhưng cũng vừa lại vô vàn xót xa! Điều xúc động và đáng tiếc nhất là, người cận vệ cần mẫn, hiền lành, trong sáng đó, trong một chuyến công tác đã hy sinh vì bom B52 rải thảm của địch... Bao nhiêu năm rồi, nhưng hình ảnh nắm vỏ khoai đó vẫn luôn là nỗi niềm trăn trở, day dứt tâm can của vị tướng cao niên(1)... Bởi vậy, sau này không ít lần ăn uống đông người, bác Phiêu luôn mời anh em phục vụ vui cùng, hoặc dành phần hẳn hoi nếu họ thực sự bận việc, đó là bản tính thương dân, thương người lao động của bác. Bản tính đó bắt đầu từ thuở thiếu thời của bác. Những năm 30 của thế kỷ trước, dưới ách thống trị của thực dân, phong kiến; dân ta, nhà nào cũng khổ như nhau. Nhà bác Phiêu (ở làng Thượng Phúc, xã Đông Khê, huyện Đông Sơn) cũng không ngoại lệ. Cha mẹ sinh được 4 người con (3 chị và em trai út); 2 chị do đói khổ, sinh bệnh tật rồi mất sớm. Chị gái còn lại phải đi ở, làm thuê đủ mọi việc để cho cậu em đi học sau lúc lao động vất vả cực nhọc. Cuộc sống lao động tảo tần đã làm cho cậu em càng thương mến chị và càng quý trọng bà con xóm giềng từ ấy...

Có một đạo luật về Quân đội như thế!

Tại kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa X đã thông qua Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 21.12.1999, Luật có hiệu lực thi hành vào 1.4.2000. Đây là một trong những đạo luật khó, phức tạp vì hàng ngũ sĩ quan có nhiều cấp bậc, nhiều chức vụ. Theo cấp bậc quân hàm: cấp úy gồm 4 bậc, từ Thiếu úy đến Đại úy; cấp Tá cũng 4 bậc, từ Thiếu tá đến Đại tá; tương tự như thế, cấp Tướng từ Thiếu tướng đến Đại tướng. Theo chức vụ thì tính từ Trung đội trưởng trở lên đến Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Chức vụ và cấp bậc quân hàm không hoàn toàn ứng hợp với nhau. Các chức vụ, nhất là từ Trung đoàn trưởng trở xuống thường có thể bố trí các cấp bậc quân hàm gần kề nhau. Từ đó có những trường hợp sĩ quan có chức vụ cao hơn nhưng cấp bậc quân hàm lại chỉ bằng, hoặc thậm chí thấp hơn cấp bậc quân hàm sĩ quan dưới quyền... Bởi vậy, sau một thời gian thi hành, Luật đã bộc lộ những bất hợp lý nhất định, nhất là chế độ hưu trí và chế độ phục viên. Quy định tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan thì: theo chức vụ chỉ huy, chỉ có Tư lệnh Quân khu, Tư lệnh Quân chủng khi 60 tuổi còn được tại ngũ; theo cấp bậc quân hàm thì chỉ cấp Tướng mới tại ngũ ở tuổi 60. Tuyệt đại bộ phận sĩ quan sẽ không tại ngũ ở tuổi dưới 60. Trong khi đó Điều 36 của Luật này lại quy định Điều kiện nghỉ hưu của sĩ quan theo quy định của Bảo hiểm xã hội Nhà nước. Trường hợp chưa đủ điều kiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội thì nam đủ 25 năm, nữ 20 năm phục vụ trong quân đội trở lên mới được nghỉ hưu. Những quy định đan xen, phức tạp nói trên đã dẫn đến một tình trạng mà đại biểu Quốc hội Lê Khả Phiêu và một số sĩ quan quân đội đã phát hiện, đó là: Cấp úy thì được nghỉ hưu, còn cấp tá thì phải phục viên. Mâu thuẫn này đã có ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của một bộ phận cán bộ sĩ quan... Sau khi chỉ đạo cán bộ phần hành, chuẩn xác lại tình hình, đại biểu Quốc hội Lê Khả Phiêu đã xử lý rất nhanh trong Quân ủy Trung ương và lãnh đạo Bộ Quốc phòng. Một mặt hoàn chỉnh lại những nội dung cần sửa đổi, bổ sung, mặt khác phải có biện pháp khắc phục những thiệt thòi của một số sĩ quan cấp tá phải phục viên. Các lần sửa đổi, bổ sung Luật này sau đó ngày càng được minh bạch, công bằng và hợp lý hơn. Còn khắc phục những tồn tại thì Quân ủy Trung ương đã có chỉ thị không cho sĩ quan cấp tá phục viên; những trường hợp đã cho phục viên thì ai đủ 20 năm tại ngũ được chuyển từ chế độ phục viên sang chế độ hưu trí.

Vào một dịp chúc mừng sinh nhật bác Phiêu, trong lúc đàm đạo về xây dựng pháp luật, bác nhắc lại chuyện này và khẳng định rất chí lý rằng: Chưa chuẩn thì phải sửa, sửa triệt để. Không để anh em thiệt thòi. Quần chúng không sợ hy sinh, chỉ sợ hy sinh không được tổ chức biết đến. Đảng ta dứt khoát không làm “Người trung thực mắc nạn, kẻ gian thì vui mừng”.

Thật thấm thía.
____________

(1) Báo điện tử Nghệ An, ngày 8.8.2020

TS. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội