Một thời công viên Thống Nhất

- Thứ Bảy, 29/04/2017, 09:27 - Chia sẻ
Trong ký ức của nhiều người Hà Nội trước đây, công viên Thống Nhất gắn với thời thanh xuân hăng say lên đường xây dựng, bảo vệ quê hương đất nước. Cái tên giản dị nhưng được coi như một biểu tượng hòa bình, chất chứa khát vọng thống nhất hai miền Nam - Bắc…

Trong cuốn “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm”, thêm lần nữa, chúng ta lại bắt gặp hình ảnh công viên Thống Nhất qua bức ảnh cũ, được chụp năm 1965: Ba người con gái tuổi đôi mươi (bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm cùng các bạn sinh viên Y6) đang chụm đầu bên trang sách, trên bãi cỏ công viên, hậu cảnh là mái trường ĐH Bách Khoa - nơi ngọn cờ Tổ quốc tung bay ngạo nghễ...

Hẳn ai cũng biết từ năm 1954, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền, thống nhất đất nước là nguyện vọng to lớn của toàn dân tộc. Cái tên công viên Thống Nhất được đặt chính là chiểu theo tâm nguyện lớn lao đó của đồng bào cả nước.

Những thanh niên ngày ấy giờ vẫn nhớ như in không khí sau ngày thành phố được giải phóng (10.10.1954), Hà Nội bắt tay vào khôi phục và phát triển kinh tế. Tối thứ bảy tuần nào, trên các đường phố cũng tấp nập cảnh quét dọn vỉa hè, cống rãnh, làm tổng vệ sinh... Chủ nhật là “ngày lao động kiến thiết Tổ quốc”, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt anh chị em thanh niên, học sinh từ sáng sớm đã nô nức kéo nhau đi san nền, đào móng xây dựng các nhà máy Cơ khí Hà Nội, Diêm Thống Nhất, gỗ Cầu Đuống... Thời kỳ này, mọi người làm việc 6 ngày trong tuần, chỉ được nghỉ chủ nhật. Trên công trường xây dựng công viên Thống Nhất, nạo vét sông Tô Lịch, làm đường Thanh Niên... mỗi ngày có hàng nghìn người làm việc hăng say và miệt mài. Công viên Thống Nhất được cải tạo từ vùng đầm lầy và bãi rác cũ của ba làng Vân Hồ, Thể Giao và Thiền Quang, đã tiêu tốn hàng chục vạn ngày công của thanh niên Hà Nội từ cuối năm 1958 đến tháng 5.1961.

Rồi những tháng năm sục sôi chống Mỹ cứu nước, mọi đoàn quân  Nam tiến đều bắt đầu từ đường Nam Bộ (đường Lê Duẩn bây giờ) đi qua công viên Thống Nhất. Trên con đường rầm rập đoàn quân Nam tiến đó, biết bao người lính đã lưu luyến gửi gắm lại tình cảm quê hương, lứa đôi bằng những lá thư tay rải kín đường. Người Hà Nội hồi đó có thói quen nhặt những bức thư chưa kịp dán tem ấy để thay những người lính gửi về cho người thân của họ. Sau năm 1975, dù nhiều người lính chọn phương Nam làm quê hương thứ 2 nhưng hễ có dịp về Thủ đô, họ lại tha thẩn bách bộ trên những lối quen và bồi hồi nhớ những năm tháng không thể nào quên. Dù đi xa hay về gần, trong hành trang kỷ niệm của những người con Hà Nội đều lưu lại bức ảnh ố màu thời gian, tất cả đều có chung một bố cục: Chụp trong công viên Thống Nhất, đằng sau là tòa nhà ĐH Bách Khoa - nơi lúc nào lá cờ Tổ quốc cũng tung bay hướng về miền Nam ruột thịt…

Ngày ấy, công viên Thống Nhất không chỉ là điểm vui chơi, giao lưu của người Hà Nội mà còn hiện diện như một biểu tượng của khát vọng hòa bình. Hình ảnh công viên Thống Nhất luôn được lưu lại trong ba lô người lính Hà Nội một thời, theo bước chân họ vượt Trường Sơn đi cứu nước. Trong cuốn “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm”, thêm lần nữa, chúng ta lại bắt gặp hình ảnh công viên Thống Nhất qua bức ảnh cũ, được chụp năm 1965: Ba người con gái tuổi đôi mươi (bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm cùng các bạn sinh viên Y6) đang chụm đầu bên trang sách, trên bãi cỏ công viên, hậu cảnh là mái trường ĐH Bách Khoa - nơi ngọn cờ Tổ quốc tung bay ngạo nghễ...

Đúng vào dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, Hà Nội và TP mang tên Bác đã long trọng đặt bức tượng Bác Hồ bắt tay Bác Tôn (Chủ tịch Tôn Đức Thắng) tại khu đảo Hòa Bình thuộc công viên Thống Nhất càng làm đẹp thêm biểu tượng hòa bình. Nhiều người thuộc thế hệ thanh niên những năm 1960 giờ đã thành ông, thành bà nhưng vẫn lưu giữ những vầng ký ức lung linh về “thời thanh niên sôi nổi” trên công trường xây dựng và coi đó là những kỷ niệm đẹp nhất trong đời…

Thu Huyền