Trò chuyện đầu tuần

Một quyết đáp chính xác

- Thứ Hai, 13/07/2020, 06:57 - Chia sẻ
Đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) được kỳ vọng sẽ giúp tạo sự thay đổi diện mạo cho nhiều đô thị ở nước ta. Tuy nhiên, tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư theo hướng loại bỏ BT ra khỏi phương thức này. Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, việc loại bỏ BT ra khỏi phương thức đầu tư này, thậm chí dừng thực hiện hợp đồng chưa được phê duyệt chủ trương từ 15.8.2020 (trước thời điểm Luật có hiệu lực thi hành) là quyết định chính xác.
Ảnh: Quang Khánh

Với cơ chế chia sẻ tăng, giảm doanh thu, theo tôi cũng không hẳn chỉ sử dụng ngân sách để bù đắp cho doanh nghiệp. Bởi, khi lượng doanh thu hoặc lượng khách hàng tăng lên có thể thực hiện điều chỉnh giảm giá dịch vụ công xuống hoặc rút ngắn thời gian cho nhà đầu tư khai thác, qua đó, mang lại lợi ích cho xã hội. Ngược lại, nếu như doanh thu này thấp đi thì có thể điều chỉnh tăng giá dịch vụ lên (nếu như chúng ta thấy chấp nhận được) hoặc kéo dài thời gian khai thác. Như vậy, không nhất thiết cứ phải sử dụng nguồn ngân sách để bù lỗ. Chỉ trường hợp cuối cùng không thực hiện các phương án trên thì cần thiết phải sử dụng đến phần chia sẻ về ngân sách.

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội)

Sẽ không còn chuyện đổi đất lấy công trình

- Đầu tư theo hình thức BT đang còn nhiều ý kiến khác nhau. Tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) theo hướng loại bỏ BT ra khỏi phương thức này. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này, nhất là quy định các hợp đồng BT chưa phê duyệt chủ trương đầu tư sẽ dừng thực hiện từ 15.8.2020 tới?

- Có thể thấy, Luật Đầu tư theo phương thức PPP là khung pháp lý dành cho những dự án mà ở đó có sự tham gia của tư nhân cùng với khu vực Nhà nước để cung cấp dịch vụ công cho người dân. Trong khi đó, dự án BT được thực hiện theo phương pháp chung là nhà đầu tư tư nhân xây dựng một công trình xong sẽ bàn giao cho Nhà nước. Khi đó, Nhà nước trả cho họ bằng tài sản (tại nhiều địa phương sẽ trả bằng đất đai). Như vậy, dự án BT không phải hợp tác công tư, mà bản chất là một hợp đồng Nhà nước thuê nhà đầu tư xây dựng công trình, sau khi bàn giao, họ sẽ hết trách nhiệm.

Việc thực hiện hợp đồng này, theo quy định của Luật Đấu thầu, sẽ phải tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công, nhà đầu tư không được tự thực hiện thi công như thời gian qua. Nhà nước sẽ tiến hành thiết kế, thẩm định và giám sát quá trình thi công công trình. Tuy nhiên, các dự án BT lâu nay được thực hiện theo cách thức là nhà đầu tư thiết kế, thẩm định, xây dựng và giám sát công trình, sau đó họ bàn giao cho Nhà nước. Cách làm này vô hình trung khiến Nhà nước phải nhận công trình đó dù có phù hợp hay không, chất lượng ra sao, giá cả như thế nào. Nhìn vào dự án BT vì thế sẽ thấy có sự không minh bạch, công khai về chi phí, giá cả, chất lượng… Vậy tại sao chúng ta phải duy trì tình trạng để nhà đầu tư tự thi công công trình rồi bán lại cho Nhà nước?

Khi tiến hành hợp đồng BT, trong thời gian qua, ở nhiều địa phương đã thanh toán cho nhà đầu tư bằng tài sản công là đất đai - vốn rất khó thể biết có thực sự ngang bằng với giá trị của công trình đã hoàn thành hay không? Cách thức thanh toán "vật đổi vật" là một nguyên nhân gây ra hiện tượng tham nhũng, lợi ích nhóm trong các dự án BT. Do vậy, việc loại hình thức BT ra khỏi Luật PPP, thậm chí dừng thực hiện hợp đồng chưa được phê duyệt chủ trương từ 15.8 tới đây (trước thời điểm Luật có hiệu lực thi hành) là rất chính xác.

- Nghị định số 69/2019/NĐ-CP quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức BT mới được ban hành năm 2019 nên những bất cập trong thời gian qua có nguyên nhân do khung pháp lý chậm được hoàn thiện không, thưa ông?

- Công trình đầu tư theo hình thức BT, hay vẫn được gọi là "đổi đất lấy công trình", đã được tiến hành từ lâu, song đến nay mới ban hành Nghị định 69 quy định hướng dẫn sử dụng tài sản công để thanh toán dự án thực hiện theo hình thứ này. Nghị định 69 của Chính phủ đã quy định giá trị dự án BT được xác định theo kết quả đấu thầu và việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện theo nguyên tắc ngang giá. Tuy nhiên, tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc thực hiện theo hình thức BT đã không được áp dụng, nếu có khi tiến hành sẽ theo hướng Nhà nước sẽ tự thiết kế, thẩm định để xác định chính xác giá công trình, sau đó đưa ra đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư bỏ giá hợp lý nhất. Sau khi công trình được hoàn thành, nhà đầu tư bàn giao lại và Nhà nước thanh toán số tiền tương đương số tiền bỏ thầu đó. Số tiền này lấy từ phần thu được từ việc bán đấu giá một khu vực đất, không có chuyện "vật đổi vật", "lấy đất đổi công trình" như chúng ta thực hiện lâu nay. Nếu thực hiện theo Luật PPP có nghĩa sẽ không còn lặp lại chuyện này.

Ảnh hưởng đến thực hiện các dự án PPP khác

- Theo ông, việc đầu tư theo hình thức BT thời gian qua để lại những bài học nào cho triển khai dự án hợp tác công - tư theo quy định của Luật PPP trong thời gian tới?

- Thực tế cho thấy, không ít dự án đầu tư theo hình thức BT thực hiện thiếu công khai, minh bạch như trên đã nói phần nào ảnh hưởng đến nhiều dự án khác đang thực hiện, nhất là với dự án BOT. Dù dự án BOT rất cần triển khai trong bối cảnh vốn ngân sách hạn chế, các công trình công cộng rất cần nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư, vận hành vì sẽ tạo hiệu quả cao hơn. Song, do dự án BT thực hiện thiếu công khai, minh bạch, không tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nên kéo theo một số dự án BOT lặp lại hiện tượng này. Tiến hành những dự án này không thông qua đấu thầu, thiếu công khai, minh bạch nên khi có rủi ro xảy ra khó xác định phương thức chia sẻ rủi ro cho nhà đầu tư BOT. Nhiều nhà đầu tư gặp khó khăn khi thực hiện dự án BOT cũng vì nguyên nhân này và khiến các dự án này đang thiếu sự hấp dẫn với khu vực tư nhân. 

- Nhắc đến sự chia sẻ rủi ro khi thực hiện dự án, Luật PPP đã quy định cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu trong biên độ 25%. Ông đánh giá như thế nào về quy định này?

- Mức chia sẻ tăng, giảm doanh thu 25% được đưa ra vì nếu doanh thu hụt từ 10 - 20% nhà đầu tư sẽ không có lãi, song chưa đến mức bị phá sản, phải đóng cửa và trường hợp này không cần thiết Nhà nước phải chia sẻ. Nhưng vượt qua con số này, nhà đầu tư sẽ bị âm vốn, không đủ tiền duy trì, rơi vào tình trạng phá sản, cần có sự chia sẻ của Nhà nước. Quy định này tại Luật PPP sẽ giúp nhà đầu tư yên tâm hơn. Bởi, trong trường hợp xấu xảy ra, họ sẽ được chia sẻ việc doanh thu giảm, tránh nguy cơ bị phá sản. Sự chia sẻ rủi ro này hoàn toàn hợp tình, hợp lý, vì thực chất nhà đầu tư tư nhân thay mặt Nhà nước cung cấp dịch vụ công. Nếu nhà đầu tư tham gia vào dự án Nhà nước không cần thiết đầu tư, họ sẽ phải tự tính toán, quyết định, thường có lợi mới làm, không có lợi sẽ không thực hiện. Đầu tư BOT là hạng mục Nhà nước buộc phải thực hiện, song do không đủ nguồn vốn thực hiện nên cần thu hút đầu tư tư nhân làm thay.

- Xin cảm ơn ông!

Thanh Hải thực hiện