Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười

Một nhà lãnh đạo năng động, quyết đoán, trách nhiệm và giản dị

- Thứ Năm, 04/10/2018, 07:29 - Chia sẻ
Từng được gặp gỡ và nhiều lần làm việc với nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, ấn tượng của nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, PGS.TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC là hình ảnh một nhà lãnh đạo rất năng động, sáng tạo, quyết đoán, trách nhiệm, đồng thời rất khiêm tốn, giản dị, gần gũi, hết lòng vì nước, vì dân. Tính quyết đoán thể hiện ở việc nguyên Tổng Bí thư nói là làm, thể hiện ở tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, trước Nhân dân, không bằng lòng với những gì sẵn có.

Kiên trì theo đuổi và khẳng định mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền

- Từng được gặp gỡ, làm việc với nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, đồng thời là người làm công tác nghiên cứu về lịch sử Đảng, ông có thể chia sẻ đôi điều về nguyên Tổng Bí thư?

- Trong những năm tháng giữ cương vị người đứng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam (từ tháng 6.1991-12.1997), nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã có những đóng góp tích cực trong phát triển chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ đoàn kết, thống nhất, lãnh đạo, chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Đó là, thực hiện quá trình đổi mới mạnh mẽ về kinh tế, chuyển từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Chính vì có sự quyết tâm này, nhiệm kỳ 1991-1995, kinh tế của nước ta đã có bước phát triển rất ấn tượng, tăng trưởng kinh tế đạt 8,2% mỗi năm. Cùng với đó, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội vào năm 1996, mở ra thời kỳ phát triển đầu tiên của nền kinh tế, đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Có thể nói, đây là chặng đường mà nền kinh tế nước ta có bước chuyển biến rất căn bản và mạnh mẽ.


Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười với các đại biểu dự Đại hội VII Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 6.1991)

- Đó là với sự phát triển kinh tế của đất nước, còn với việc xây dựng hệ thống chính trị, thì những đóng góp của nguyên Tổng Bí thư là gì, thưa ông?

- Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười dành nhiều quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có việc ban hành Nghị quyết số 03- NQ/TW của Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa VII) ngày 26.6.1992 về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng. Có thể nói, đây là thời kỳ khó khăn và thách thức lớn đối với Đảng ta khi chủ nghĩa xã hội trên thế giới vừa sụp đổ, chúng ta phải vững trên lập trường tư tưởng lý luận, đứng vững trên “trận địa” XHCN. Để củng cố đường lối chính trị, tại Đại hội VII đã thông qua Cương lĩnh trong xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Một trong những dấu ấn quan trọng nữa của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, đó là đồng chí đã kiên trì đấu tranh trong nhận thức và thực tiễn để khẳng định mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Trong Đại hội VII, thuật ngữ nhà nước pháp quyền chưa được chấp nhận, nhưng với sự kiên trì phát triển nhận thức đó thì đến hội nghị giữa nhiệm kỳ của Khóa VII (tháng 1.1994), khái niệm “nhà nước pháp quyền” mới được đưa vào văn kiện của Đảng. Đến tháng 1.1995, Nghị quyết Trung ương 8, Khóa VII mới bàn sâu về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đến Hội nghị Trung ương 3, Khóa VIII (tháng 6.1997) thì hoàn thiện Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo tư tưởng nhà nước pháp quyền. Chính nhờ có tư tưởng thúc đẩy xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN nên hệ thống chính trị mới được củng cố vững mạnh, tạo điều kiện cho nước ta hội nhập quốc tế tốt hơn.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười cũng rất quan tâm đến củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và nâng cao vai trò của mặt trận thống nhất. Nhận thức được tầm quan trọng của khối đại đoàn kết, vào tháng 11.1993, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 07 về đại đoàn kết toàn dân tộc và xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất. Tư tưởng xuyên suốt là lấy mục tiêu chung làm điểm tương đồng, chú ý đến lợi ích riêng của từng giai cấp, xóa bỏ hận thù, mặc cảm, định kiến để hướng tới đoàn kết toàn dân tộc, phấn đấu vì mục tiêu phát triển đất nước.

Có thể nói, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã có những cống hiến rất quan trọng trong xây dựng hệ thống chính trị, củng cố xây dựng Đảng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Mở ra chương mới cho quan hệ đối ngoại Việt Nam

- Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những dấu mốc quan trọng trong phát triển ngoại giao của Việt Nam đều in đậm đóng góp của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. Ý kiến của ông về nhận định này như thế nào?

- Mở rộng quan hệ ngoại giao với bạn bè quốc tế làm một trong những mong muốn, mục tiêu của các nhà lãnh đạo Việt Nam. Ngay từ những ngày đầu ở cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Đỗ Mười đã cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chỉ đạo thực hiện chủ trương khôi phục và mở rộng quan hệ hợp tác với các nước. Trong đó, có hợp tác nhiều mặt với Trung Quốc, bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ (năm 1995). Dấu mốc quan trọng này đánh dấu thời điểm hai nước chính thức khép lại quá khứ sau 20 chiến tranh để mở ra một chặng đường mới trong quan hệ trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, hòa bình, hợp tác cùng có lợi.

Không lâu sau đó, ngày 28.7.1995, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của ASEAN. Việc tham gia ASEAN đã tạo ra môi trường chính trị, an ninh, kinh tế thuận lợi cho chúng ta trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; tạo môi trường thuận lợi để giao lưu, thông thương hàng hóa, dịch vụ và con người.

Có thể nói, với những đóng góp lớn của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, các thành tựu ngoại giao thời kỳ này đã mở ra chương mới cho quan hệ đối ngoại Việt Nam, góp phần mở rộng quan hệ kinh tế và hợp tác nhiều mặt giữa nước ta với các nước, tạo tiền đề để nước ta chủ động, tích cực hội nhập khu vực và thế giới, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vững mạnh hơn.

-Trong những dịp gặp gỡ, làm việc với nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, điều gì để lại cho ông ấn tượng sâu đậm nhất?

- Trong công việc, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là nhà lãnh đạo rất năng động, sáng tạo và quyết đoán, mạnh mẽ, trách nhiệm nhưng rất khiêm tốn, giản dị, gần gũi, hết lòng vì nước, vì dân. Trong các cuộc thảo luận nguyên Tổng Bí thư luôn thể hiện tính dân chủ. Tính quyết đoán ấy thể hiện nói là làm, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, trước nhân dân, không bằng lòng với những gì sẵn có. Là người luôn luôn học hỏi không ngừng, đồng thời chứng kiến nhiều bước đi của đất nước, nên nguyên Tổng Bí thư có đủ độ “chín” để có các quyết định đi đến thành công. Do đó, những chủ trương về phát triển kinh tế - xã hội, ngoại giao của nguyên Tổng Bí thư đều được Đảng và nhân dân đồng tình ủng hộ.

- Xin cảm ơn ông!

Hà An thực hiện