Tản mạn

Một ngày ở NASA

- Chủ Nhật, 08/09/2019, 08:59 - Chia sẻ
Tuổi trung bình của các phi hành gia của Apollo chỉ 38 tuổi. Một năm đều có một ngày tưởng niệm những con người dũng cảm này, gọi là “Day of Remembrance”. Có nhiều cách để NASA tưởng niệm họ, nhưng có lẽ ý nghĩa nhất là Memorial Grove of Trees với những hàng cây xanh được trồng tại công viên bên ngoài Johnson Space Center. Một cách tri ân thật nhân văn và ý nghĩa!

Trung tâm vũ trụ Johnson của NASA nằm cách trung tâm thành phố Houston của Texas khoảng 50km. Vé vào cổng 30$, chưa tính các trải nghiệm đặc biệt khác phải trả thêm tiền, nhưng đó là một tấm vé vào cửa hoàn toàn xứng đáng để được tận mắt nhìn ngắm những phát kiến vĩ đại của con người, đặc biệt là của người Mỹ trong những chuyến thám hiểm và chinh phục không gian vũ trụ.

Phải mất một ngày mới khám phá hết trung tâm rộng lớn như một thành phố thu nhỏ này. Đúng ngày nghỉ lễ, trời lại nắng nóng nhưng du khách xếp hàng để vào bên trong hay xếp hàng đợi lên xe điện để di chuyển sang tham quan Trạm chỉ huy sứ mệnh và Trung tâm đào tạo phi hành gia. Có lẽ chinh phục vũ trụ là một trong những niềm tự hào lớn nhất của người Mỹ. Chả trách mà những bộ phim viễn tưởng về không gian vũ trụ như Star Wars, Apollo 13, Interstellar, Gravity hay The Martian... trở thành những bộ phim bom tấn ăn khách và đoạt rất nhiều giải thưởng của giới Hàn lâm. 

Vào bên trong trung tâm NASA cảm giác như được trải nghiệm trong một không gian vũ trụ thực sự nhờ cách họ dựng những mô hình sống động như thật và có nhiều tương tác giúp du khách hiểu được cách các phi hành gia chinh phục vũ trụ, cảm giác không trọng lực trên những chiếc phi thuyền bên ngoài không gian và chuyến hạ cánh lần đầu tiên xuống mặt trăng năm 1969 như thế nào. 

“Houston, đại bàng đã hạ cánh” là những lời nói đầu tiên khi các phi hành gia đáp xuống mặt trăng an toàn, bởi đơn giản trung tâm không gian của NASA đóng tại Houston giữ vai trò là trạm chỉ huy mặt đất. 

NASA’s Johnson Space Center được xây dựng tại Houston năm 1961, với mục tiêu đưa con người lên mặt trăng của Tổng thống John F. Kennedy và chỉ 8 năm sau, mục tiêu này đã trở thành sự thật với chuyến thám hiểm của phi hành gia Neil Armstrong và Buzz Aldrin trên con tàu Apollo 11 vào ngày 20.7.1969. Ngày nay, trung tâm vẫn tiếp tục đóng vai trò là trạm chỉ huy sứ mệnh cho NASA và là căn cứ huấn luyện cho quân đoàn phi hành gia của nước Mỹ. 

Khám phá và trải nghiệm bên trong của NASA’s Johnson Space Center có thể mất khoảng nửa ngày với vô số trò đáng giá như ngồi ghế mô phỏng chuyến bay và trải nghiệm cất cánh, xem các đầu tên lửa vũ trụ hay vào phòng chiếu phim IMAX để xem bộ phim tài liệu rất cảm động về các chuyến chinh phục không gian của NASA. 

Sau đó lại xếp hàng dài ra bên ngoài để đợi lên một chuyến xe chở đi một vòng tham quan Trạm chỉ huy sứ mệnh và cơ sở đào tạo phi hành gia. Chuyến đi này kéo dài khoảng một tiếng, tạm đủ để được nhìn tận mắt cách NASA đào tạo phi hành gia và chiếc phi thuyền khổng lồ. Còn nếu muốn có trải nghiệm đặc biệt hơn thì phải đăng ký trải nghiệm “chuyến đi cấp 9” dài tới 4 giờ và chỉ dành cho 12 người. Vì không book trước và cũng không đủ thời gian nên bọn tôi dừng lại với chuyến trải nghiệm xe điện trở về lại trung tâm. Chiếc xe chạy qua một công viên lớn, anh tài xế kiêm hướng dẫn viên chỉ vào những hàng cây và nói dưới một gốc cây đều có một tấm biển ghi tên tri ân những phi hành gia và các nhân viên đã có cống hiến và hy sinh khi làm nhiệm vụ cho NASA. Nghe nói, tuổi trung bình của các phi hành gia của Apollo chỉ 38 tuổi. Một năm đều có một ngày tưởng niệm những con người dũng cảm này, gọi là “Day of Remembrance”. Có nhiều cách để NASA tưởng niệm họ, nhưng có lẽ ý nghĩa nhất là Memorial Grove of Trees với những hàng cây xanh được trồng tại công viên bên ngoài Johnson Space Center. 

Một cách tri ân thật nhân văn và ý nghĩa! Tôi không biết đã có bao nhiêu người hi sinh khi làm nhiệm vụ chinh phục không gian cho NASA, nhưng khu công viên có rất nhiều cây, từ những cây cổ thụ lâu năm tỏa bóng mát cho đến những cây nhỏ mới vài năm tuổi. Cây cổ thụ lớn nhất là để tri ân ba phi hành gia Virgil “Gus” Grissom, Roger Chaffee và Ed White trong chuyến tàu Apollo 1 khi nó bị bốc cháy. Năm 1986, một thảm kịch khác trên chuyến tàu con thoi Challenger đã giết chết 7 phi hành gia, trong đó có 5 nam và 2 nữ.  Gần đây nhất có lẽ là thảm kịch khiến 8 phi hành gia hy sinh khi họ trở về trên chuyến tàu con thoi Columbia...

Sau một ngày choáng ngợp khám phá bên trong và bên ngoài NASA’s Johnson Space Center, để rồi sắp kết thúc chuyến hành trình khi đi qua Memorial Grove of Trees, tự nhiên thấy lặng cả người...

Bảo Khánh