Góc nhìn văn hóa

Một lần được gặp Bác Hồ

- Thứ Tư, 13/05/2020, 08:16 - Chia sẻ
Đó là mùa hè năm 1956 khi Bác Hồ về thăm Nhà máy Chè Phú Thọ ở xã Đào Giã (huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ). Khi ấy, cha tôi làm việc ở nhà máy này. Một lần, tôi đến chơi với cha thì thấy mọi người làm việc ở nhà máy có thông báo tập trung tại hội trường đón Bác Hồ đến thăm. Lúc tôi đi theo cha vào hội trường thì ghế phía trên mọi người đã ngồi hết, chỉ còn chỗ trống ở vài hàng ghế cuối cùng. Chừng 10 phút sau ở cửa xuất hiện một ông già râu tóc bạc phơ, nước da đỏ au, trông hiền hòa, phúc hậu, vận bộ quần áo ta bằng vải lụa màu gụ, chân đi dép cao su. Cả hội trường nhất loạt đứng dậy, đồng thanh reo lên: “Bác Hồ! Bác Hồ!”, cùng những tràng vỗ tay kéo dài không ngớt. Bác ra hiệu dừng vỗ tay rồi niềm nở cất lời chào mọi người.

Sau lời mở đầu của vị Giám đốc nhà máy, Bác bắt đầu nói chuyện. Giọng người ấm áp, ân tình. Bác cất lời được một lúc thì nhìn xuống phía dưới hội trường phát hiện thấy có một chú bé - là tôi. Người ngay lập tức đề nghị đưa cậu ngồi lên trên vì thấy tôi bị lấp sau lưng rất nhiều người, không thể nhìn được Bác. Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ nguyên văn lời Bác nói lúc đó:

- Cháu, lên trên này ngồi. Sao lại để cháu ngồi tít tận dưới đó, làm sao nhìn được Bác?

Tôi khi ấy bẽn lẽn, không dám đi lên. Khi được người lớn dắt, tôi mới rụt rè làm theo. Bác dừng cuộc nói chuyện, hỏi tôi:

- Cháu có hay hát không?

-Thưa Bác, cháu vẫn hát ở trường ạ.

- Tốt lắm! Vậy cháu hát cho Bác và mọi người nghe một bài mà cháu vẫn hát.

- Vâng ạ.

- Cháu định hát bài gì?

- Thưa Bác, cháu hát bài “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” ạ.

- Ngoài bài đó, cháu còn thuộc nhiều bài khác không? Nếu có thì hát bài khác đi. Cháu có biết bài “Lỳ và Sáo” không?

- Thưa Bác, cháu biết ạ.

Thế là tôi cất lời: “Mục đồng ca hát rằng ở làng bên có hai em là Lỳ và Sáo…”. Khi tôi hát hết bài, cả hội trường vỗ tay tán thưởng. Bác nói :

- Cháu hát hay lắm. Cháu tên là gì? Đang học lớp mấy? Có bố hoặc mẹ ở đây không?

-Thưa Bác, cháu là Nguyễn Đình San, học lớp 3. Cháu đi cùng bố cháu ạ. Bố cháu ngồi ở dưới kia ạ.

- Cháu học có giỏi không? Sau này muốn làm nghề gì? Có muốn trở thành ca sĩ hoặc nhạc sĩ không?

- Thưa Bác, cháu thường xuyên được xếp thứ nhất trong lớp ạ. Cháu muốn sau này trở thành nhà văn và nhạc sĩ ạ.

- Hay đấy. Nhưng trước mắt, phải chịu khó học giỏi toàn diện, không chỉ lệch về môn văn, nhạc.

Bác nói với người thư ký đi cùng:

- Chú xem có kẹo hoặc quà gì thì tặng cậu bé ca sĩ này.

Người thư ký thưa với Bác là để ở văn phòng nhà máy. Bác dặn lát nữa nhớ việc này. Đến trưa thì tôi nhận được quà của Bác là những chiếc kẹo cuốn giấy bóng, hai đầu được vặn lại - loại kẹo ngon phổ biến hồi đó.
Sau khi tôi hát xong, Bác tiếp tục buổi nói chuyện bằng việc dành ít phút nói về bài hát “Lỳ và Sáo” mà tôi vừa hát:

- Lỳ và Sáo được nhắc đến trong bài hát này là hai em bé ngây thơ, hồn nhiên, song đã sớm có lòng yêu nước và dũng cảm. Các em rất thông minh, còn nhỏ nhưng đã tham gia diệt giặc trong cuộc kháng chiến vừa qua. Lỳ đào hầm cất giữ bộ đội. Sáo thì canh ở đầu làng, thấy giặc đến là thổi tù và để dân làng chạy giặc và báo cho bộ đội chuẩn bị chiến đấu…

Sau đó, tôi không có dịp nào được nhìn thấy Bác ngoài đời nữa. Lần gặp Bác đó, vì còn nhỏ nên tôi chưa thể nhận ra một phẩm chất sáng ngời của Bác là không thích người khác nói, tụng ca mình qua chi tiết Người nhắc tôi hát bài khác thay vì bài “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh…”. Người lại gợi ý tôi hát bài “Lỳ và Sáo” để sau đó khéo léo giáo dục lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm với dân tộc qua việc khen hai em bé thông minh, dũng cảm trong bài hát.

TS. Nguyễn Đình San