Một góc Sài Gòn

- Chủ Nhật, 28/04/2019, 11:29 - Chia sẻ
Có ai đã nói những người hoài cổ luôn nghĩ rằng: “Cái gì xưa cũ mới là vàng ròng!”. Phải chăng do vậy mà con đường cũ, những mái nhà thấp, hàng quán sơ sài và bình dân lại khiến chúng tôi nhớ nhiều, như nhớ đoạn đường Lò Đúc ngày xưa, dù nó vẫn còn đây, nhưng như là một con đường khác trên một khu phố khác và ở một thành phố khác...

Đối với nhiều người, quê hương chỉ là một con đường, một khu phố hay khu cư xá nơi mình ở từ nhỏ đến khi trưởng thành. 

“Ngày xưa sao mà bình yên hiền lành, thân thiện từ con đường, mái nhà, góc phố. Ngày đó ở đấy có nhiều ruộng rau muống và mương thoát nước, hễ trời mưa là đám con nít chạy ra đường ngập nước để bắt cá rồi hè nhau đắp bờ tát mương, vui không kể xiết...”

Chúng tôi lớn lên ở một góc bé xíu của thành phố, nhưng nó lại là Phú Nhuận, một vùng đô thị may mắn vì nối liền trung tâm thành phố Sài Gòn với sân bay lớn Tân Sơn Nhất. Nhờ vậy, nó có được những cái cầu lớn và những con đường lớn, khiến cho bao tao nhân mặc khách phải qua lại. Con đường lớn nổi bật, phồn thịnh nhất ở Phú Nhuận từ xưa là đường Võ Di Nguy (Phan Đình Phùng bây giờ). Ở đó, từng đặt Nhà Làng của xã Phú Nhuận, từng có hai rạp hát, từng đặt chợ Xã Tài sầm uất nay vẫn còn. Khi chúng tôi lớn lên, trên đường không còn nhà thuốc Ông Tiên lừng danh và hẻm Đội Có đã biến thành đường Cô Giang. Ít ai biết khu nhà quanh hẻm này là nơi duy nhất ở miền Nam có tiệm hát cô đầu, một kiểu ăn chơi du nhập từ xứ Bắc. Cũng không mấy ai biết thời hưng thịnh của rạp Cẩm Vân, nay là một trường học, từng rộn ràng những buổi diễn hát bội, hát cải lương và chiếu bóng. 

Đoạn đường Võ Di Nguy từ cầu Kiệu đến ngã tư Phú Nhuận có một ngã ba giáp đường Nguyễn Minh Chiếu, một con đường cổ. Thời Pháp thuộc, nó là đường Martin Pellier và bây giờ là Nguyễn Trọng Tuyển. Nó không phồn thịnh như đường Võ Di Nguy, nhỏ hẹp và thậm chí có đoạn không có lề đường, nhưng đông vui. Trăm năm trước, quanh đó toàn là lò đúc gạch ngói, nên người già trong xóm tôi gọi đoạn đường ngắn từ ngã ba xuống ngã tư giáp với đường Trương Tấn Bửu (Trần Huy Liệu) là đường Lò Đúc. 

Nửa thế kỷ trước, từ khi lên bảy tuổi, mỗi sáng tôi từ nhà đi dọc theo một con hẻm để đến trường tiểu học. Con hẻm dẫn đến đường Trần Khắc Chân, đi tiếp đến chợ Lò Đúc. Trong tuổi nhỏ của tôi, đó là đường đến trường ngắn nhất, an toàn nhất nhưng không hề dễ chịu. Đường đất, mùa mưa đầy những vũng nước. Đoạn ngang chợ luôn sực nức mùi mắm đồng tỏa ra từ các sạp mắm, mùi cải chua, mùi nhang thắp ngày rằm, mùi bánh cay trên chảo dầu… và đi ngang ngôi nhà ven đường có một gia đình chỉ toàn những người lùn. Đám học trò con nít chen chân cùng những bà bận áo bà ba xách giỏ đi chợ, các chị bận áo dài đến trường trung học Hoài An… khi dưới chân là sình bùn chèm nhẹp. 

Trước khi đến chợ, không lần nào tôi không nhìn vào nhà nghệ sĩ Hoàng Giang, một kép độc tuồng cải lương có giọng nói rổn rảng. Ông cao lớn như lính Mỹ, to xương nhưng gầy, mắt to thô lố. Mỗi sáng sớm, ông cởi trần ngồi đọc báo trước nhà. Thỉnh thoảng vợ ông là nghệ sĩ Kim Giác, mập mạp và thấp bé, đi ra đi vào. Về nhà, tôi kể chuyện thường hay gặp kép Hoàng Giang. Bà chị nói ngay là không ưa ông đó, toàn đóng vai dữ lại hay la lớn khi diễn. Ông anh tôi bênh là như vậy mới hay, diễn vai ác mà bị ghét là thành công. Tôi có quen Sơn “mặt ngựa”, con của ông bà. Sơn to xương như cha nhưng không cao, mặt dài giống cha lại có cằm đưa ra nên có hỗn danh như vậy. Sơn sang xóm tôi đá banh, rất xông xáo trên sân nhưng đội của nó toàn thua. Thỉnh thoảng Sơn dắt theo thằng em trai nhỏ nhắn nhưng đẹp trai hơn nó. Sau này, cả nhà ông Hoàng Giang dọn đi nơi khác và tôi không còn thấy Sơn nữa...

Ra khỏi ngôi chợ chật chội là gặp đường Lò Đúc đi thẳng ra ngã ba Võ Di Nguy với nhiều tiệm quán của những người Tàu. Tiệm cơm gà Phúc Ký, tiệm thuốc bắc Ích Thọ Đường, tiệm thuốc bắc Vĩnh An Đường. Những lần dượng Út đến trường đón dì Út của tôi dạy trong trường Võ Tánh, dượng cho tôi quá giang về. Nếu may mắn, tôi sẽ được cùng dì dượng ăn cơm gà Phúc Ký hoặc ăn mì Tàu tiệm Quảng Huê Viên ở đầu đường. Khi có tí tiền còm, tôi sẽ đến một tiệm thuốc bắc để mua cà na, táo Tàu hay trần bì để ăn vặt. Có lần mẹ bệnh, tôi vào tiệm thuốc Vĩnh An Đường mua cho bà gói xí muội khô để nhấm nháp đỡ đắng miệng. Khi nghe tôi kể lý do là mua cho mẹ dùng, ông chủ cho thêm vài cục nữa. Má tôi đi khoe câu chuyện đó với hàng xóm. 

Cô bạn lớp trưởng lớp năm của tôi có tên Quang Nguyệt Mai, con của chủ tiệm Huê Xương gần tiệm Ích Thọ Đường, môi đỏ và má luôn hồng như em bé trong tranh Tàu. Có lần Nguyệt Mai xin cô giáo tha cho khi tôi bị phạt vì tội đọc sách trong lớp. Đến giờ tôi vẫn không nhớ tiệm Huê Xương nhà Mai bán những thứ gì mà nhìn vào luôn sáng choang. Có thể đó là một tiệm vàng.

Từ ngã ba đi vào phía bên trái có cái hẻm rất nhỏ, là lối tắt đến trường của tôi. Đầu hẻm có cái sân xi măng mà một người Tàu bán các món chè như lục tào xá, sâm bửu lượng, chè hột sen... Tiệm Tân Dân gần nhà thuốc Ích Thọ Đường cho mướn sách lâu đời, với những cuốn sách cũ kỹ đến nát, giấy vàng khè. Người phụ nữ đứng cho mướn sách có nước da trắng xanh, luôn cười thân thiện. Kế đó là tiệm nhỏ góc đường bán bánh mì, hột gà ốp la buổi sáng tỏa ra mùi trứng và mùi tỏi chiên sực nức. 

Cuối đoạn đường Lò Đúc, nhìn qua ngã tư Trương Tấn Bửu là trường Chánh Tâm, ngôi trường do cộng đồng người Hoa ở Phú Nhuận chung tiền xây cất. Những ngày cuối tuần, vài anh trong xóm tôi ra đứng ngoài cổng nhìn vào sân trường xem học sinh lớn trong trường chơi bóng rổ. Hồi đó đã có câu chuyện kể rằng: Con trai trường Việt có thân hình chữ I, còn con trai trường Tây và trường Hoa có thân hình chữ V. Vì sao? Vì trường Tây và trường Hoa cho học sinh chơi thể thao nhiều nên học sinh khỏe mạnh, giỏi thể thao và thân hình cao ráo, eo nhỏ và vai ngực nở như chữ V. Họ chơi thể thao xong, lau mặt bằng những cái khăn lông trắng muốt và ra ăn mì ở tiệm Xẩm Ba gần đó. Có lần tôi thấy họ cười mỉm, có anh đỏ mặt khi đi ngang cái tiệm hớt tóc nhỏ treo hình mấy cô Mỹ hở da thịt. 

Đối diện tiệm mì Xẩm Ba là cái chuồng ngựa, nay đã thành một dưỡng đường chấn thương chỉnh hình. Nhà tôi đâu lưng chuồng ngựa đó. Hồi còn nhỏ, muốn nhìn bầy ngựa chỉ có nước leo lên cây táo rồi chuyền lên mái nhà nhìn qua. Tôi thấy trong cái chuồng lớn, có những đầu ngựa nâu lấp ló bên trong. Có vài con được thả trong cái sân rộng. Chúng là giống ngựa châu Á, hiền lành và nhỏ nhắn. Tôi tự hỏi mấy con ngựa phải làm gì mà sáng nào cũng thấy vài người đi xe đạp dắt ra, họ lái một tay, một tay cầm dây dẫn ngựa chạy theo, chiều lại về. Chúng tham gia mấy cuộc đua trên trường đua Phú Thọ, hay đi kéo xe chở đồ lê-ghim ở cái chợ ngoại thành nào đó? Một buổi chiều, tôi mạnh dạn bước hẳn vào cái sân rộng cạnh chuồng ngựa. Trong sân có cây gòn to phía bên phải từ đường nhìn vào. Cây gòn dáng thẳng băng, thân cây màu xanh chứ không phải nâu, có rất nhiều trái hình thoi trĩu xuống. Kế bên chuồng ngựa có một cái miếu được kể là của cô gái tự tử, rất thiêng. Nghe nói khi xây bệnh viện, người ta phải cúng miếu trước khi dỡ ra. 

Khi đứa em ở xa về chơi, chúng tôi tản bộ trên con đường Lò Đúc cũ nay đã chật chội hơn trước kia, rồi dừng chân ăn chén Chí Mà Phù của ông già ven đường. Những hàng quán người Hoa giờ biến mất gần hết trừ tiệm mì đầu ngã ba. Năm 1978, họ lần lượt ra nước ngoài trong đó có gia đình cô bạn Nguyệt Mai xinh tươi vui vẻ của tôi. Đứa em kể vanh vách từng cái tên cũ của những hàng quán đã đóng cửa từ rất lâu. Nhắc lại chúng, tôi như thấy lại thời thơ ấu mực dính đầy tay cũng đã quá xa của mình. 

Có ai đã nói những người hoài cổ luôn nghĩ rằng: “Cái gì xưa cũ mới là vàng ròng!”. Phải chăng do vậy mà con đường cũ, những mái nhà thấp, hàng quán sơ sài và bình dân lại khiến anh em tôi nhớ nhiều, như nhớ đoạn đường Lò Đúc ngày xưa, dù nó vẫn còn đây, nhưng như là một con đường khác trên một khu phố khác và ở một thành phố khác.  

Ký của Phạm Công Luận