Cà phê phin

Một chấm xanh

- Chủ Nhật, 16/02/2020, 08:09 - Chia sẻ
Trong bức ảnh, Trái đất hiện ra trong quầng sáng của Mặt trời, nhỏ bé và cô độc trong một không gian rộng lớn đến rợn người của vũ trụ. Bức ảnh trở nên nổi tiếng sau khi nhà thiên văn học nổi tiếng Carl Sagan (1934 - 1996) gọi Trái Đất là “Pale blue dot” (chấm xanh mờ)...

Đúng vào ngày Lễ Tình nhân cách đây tròn 30 năm, từ một vị trí cách Trái Đất 6,4 tỷ kilômét, tàu vũ trụ không người lái Voyager 1 đã chụp được một tấm ảnh bất hủ. Được coi là tấm “selfie vĩ đại nhất của loài người”, đấy chính là bức ảnh cuối cùng mà Voyager 1, được phóng lên vào năm 1977, chụp về nơi đã phóng nó lên, trước khi camera được tắt đi để tiết kiệm năng lượng lúc tàu rời hệ Mặt trời, hướng vào khoảng không vô tận liên vì sao trong dải Ngân hà.

Trong bức ảnh ấy, Trái đất hiện ra trong quầng sáng của Mặt trời, nhỏ bé và cô độc trong một không gian rộng lớn đến rợn người của vũ trụ. Trong lịch sử chinh phục vũ trụ, loài người đã phóng lên biết bao tàu vũ trụ, đã thám hiểm tất cả các hành tinh trong hệ Mặt trời, đã lên Mặt trăng, đã dùng các kính thiên văn nhìn xa tít vào quá khứ hàng tỉ năm trước của vũ trụ, nhưng cuối cùng, bức ảnh này là một sự nhắn nhủ đầy ý nghĩa vào sự đơn độc và lẻ loi của chúng ta trong vũ trụ vô cùng tận. Bức ảnh trở nên nổi tiếng sau khi thiên văn học nổi tiếng Carl Sagan (1934 - 1996) gọi Trái Đất là “Pale blue dot” (chấm xanh mờ) trong cuốn sách bất hủ có tựa đề “Pale Blue Dot: A Vision of the Human Future in Space” (xuất bản năm 1994).  Sagan cũng là một thành viên của NASA trong dự án Voyager.

Ông đã đọc những dòng bất hủ sau đây về “vị trí của chúng ta” trong vũ trụ trong bài nói của ông ở Đại học Cornell ngày 13.10.1994: “Hãy nhìn cái chấm ấy. Nó đấy. Đấy là nhà chúng ta, là chúng ta. Trên đó có tất cả những người bạn yêu, bạn biết, bạn đã từng nghe nói tới, những ai đã từng sống cuộc đời của mình. Đấy là tập hợp những niềm vui và nỗi đau của chúng ta, hàng nghìn những tôn giáo, ý thức hệ, học thuyết kinh tế, những người hùng và kẻ hèn nhát, những người sáng tạo và kẻ phá hoại nền văn minh, những ông vua và nông dân, những người trẻ đang yêu, những ông bố bà mẹ, những đứa trẻ tràn đầy hy vọng, những nhà sáng chế và thám hiểm, những người giảng giải về đạo đức, những chính trị gia tham nhũng, những siêu nhân, những nhà lãnh đạo tối cao, những vị thánh và kẻ tội đồ trong lịch sử của loài người chúng ta. Tất cả trong một cái chấm nhỏ lơ lửng giữa tia sáng của mặt trời”.

“Trái đất chỉ là một điểm rất nhỏ trong một vũ trụ vô cùng rộng lớn. Hãy nghĩ đến những dòng sông máu đã chảy xuống bởi những vị tướng và các hoàng đế đã kiếm tìm vinh quang và chiến thắng để trở thành những kẻ chế ngự một phần nhỏ của cái chấm ấy. Hãy nghĩ đến những bạo tàn không dứt bởi những cư dân ở một góc nhỏ của chấm ấy với những cư dân khác của góc khác. Họ cứ tiếp tục hiểu nhầm nhau, hăng hái chém giết lẫn nhau và cứ gieo rắc những thù hận mãi. Sự giả dối của chúng ta, việc ta tự huyễn hoặc hình ảnh của bản thân mình, nỗi thất vọng rằng trái đất của chúng ta có một vị trí thuận lợi trong vũ trụ, bị thách thức bởi điểm sáng nhạt ấy”. Ông kết luận: Có lẽ chẳng điều gì thể hiện sự điên rồ của con người bằng hình ảnh thế giới nhỏ bé của chúng ta. Hãy tỏ ra có trách nhiệm khi đối xử với nhau tử tế hơn và cùng bảo vệ cái chấm xanh nhạt ấy, ngôi nhà duy nhất chúng ta từng biết…

Hơn 20 năm sau khi chụp tấm ảnh này, tàu Voyager 1 đã ra khỏi hệ Mặt trời, và đang cách ngôi nhà duy nhất ấy 18 tỷ kilômét, là những thứ mà con người chế tạo ở xa Trái đất nhất. Voyager 1 và 2 vẫn hoạt động, vẫn cần mẫn gửi các tín hiệu về nhà. Chúng cứ đi mãi, xa mãi, vào không gian vô tận mà con người chưa thể tới được, trở thành những sứ giả của loài người trong vũ trụ. Có lẽ, những ai đó ở một nền văn minh khác sẽ tìm được chúng, khi Trái Đất không tồn tại và loài người không còn nữa. Nhưng trước khi chia tay chúng ta mãi mãi, Voyager 1 đã gửi lại chúng ta tấm ảnh này, để chúng ta cùng xem và suy ngẫm về bản thân mình, với câu hỏi: Có đúng là chúng ta thực sự cô đơn trong vũ trụ mênh mông đến nhường này?

Cô đơn giữa mấy tỷ người là một cảm giác khủng khiếp, như Trái Đất cô đơn giữa vũ trụ mênh mông...

Anh Ngọc