Chính sách và cuộc sống

Mong đợi của 20 triệu dân

- Thứ Sáu, 20/03/2020, 07:19 - Chia sẻ
Đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, cả trước mắt và lâu dài, luôn là nhiệm vụ chiến lược của ngành nông nghiệp nước ta. Từ bao đời nay, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và đồng bằng sông Hồng luôn là hai vựa lúa lớn nhất của cả nước, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm nhiệm vụ chiến lược này. Thế nhưng, ngoài những khó khăn, thách thức đang tác động trực tiếp đến sản xuất lương thực do nền sản xuất nhỏ, quỹ đất lúa bình quân đầu người thấp, dân số đông, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp thì các vấn đề về môi trường và tài nguyên nước đang ngày càng trở nên gay gắt, phức tạp hơn.

Nằm ở hạ nguồn sông Mekong, khi có tới 90% lưu lượng nước phụ thuộc vào các nước trên thượng nguồn, nhất là khi các nước ở thượng nguồn luôn tận dụng triệt để tài nguyên nước cho phát triển kinh tế - xã hội của họ thì ĐBSCL không bị thiếu nước vào mùa khô mới là lạ. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu và nước biển dâng cũng đang làm tăng nền nhiệt dẫn đến bốc hơi mặt ruộng tăng cao, số lần tưới phải nhiều hơn dẫn đến phải dùng nhiều nước hơn. Lún sụt nền đất bình quân khoảng 0,5-3cm/năm do khai thác nước ngầm quá mức đã làm gia tăng mức độ ngập lũ và xâm nhập mặn. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mùa khô 2019 - 2020 là nặng nề nhất khi lưu lượng nước về ĐBSCL bị thiếu hụt nghiêm trọng so với mức trung bình nhiều năm, thậm chí thấp hơn cả năm xâm nhập mặn kỷ lục 2016, gây xâm nhập mặn sớm, sâu và kéo dài trong năm nay. Từ cuối tháng 2, ranh mặn 4g/l đã vào sâu khoảng 75km ở Cửa Hàm Luông và có thể lên tới 80km vào giữa tháng 3 ở mức rất cao của đợt xâm nhập mặn này. Ở vùng các sông Vàm Cỏ và sông Cái Lớn, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao đến hết tháng 4 năm nay.

Từ thời Chúa Nguyễn khẩn hoang Nam Bộ vào đầu thế kỷ XVII đến nay, hệ thống thủy lợi ĐBSCL liên tục được đầu tư xây dựng, giúp khai hoang, cải tạo môi trường đất và nước, dần đưa ĐBSCL trở thành vùng đất trù phú, vựa lúa của cả nước. Nước được điều tiết bằng hệ thống kênh trục, kênh ngang các cấp, cống, bọng, bờ bao, đê sông, đê biển, trạm bơm, ô bo, hồ chứa nước… Nhiều hệ thống thủy lợi khép kín đã được đầu tư như Bảo Định, Nam Măng Thít, Quản Lộ - Phụng Hiệp, Bắc Cà Mau, Tứ Giác Long Xuyên, Ô Môn - Xà No, Bắc Vàm Nao và Nam Vàm Nao… đảm nhận tưới, tiêu, phòng chống ngập lụt, úng cho trên 5,3 triệu hecta diện tích đất canh tác nông nghiệp hàng năm. Tuy nhiên, hệ thống này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân nơi đây khi quy luật, diễn biến thời tiết, khí hậu, thủy văn thay đổi nhanh như hiện nay.

Đã có nhiều giải pháp được nghiên cứu, đề xuất, triển khai, theo đó, hiện đại hóa hệ thống thủy lợi ĐBSCL bao gồm cả công trình và phi công trình, trên cơ sở tôn trọng quy luật tự nhiên, thích ứng theo tự nhiên, thân thiện với môi trường với phương châm chủ động sống chung với lũ, nước lợ, nước mặn đã trở thành quan điểm xuyên suốt trong chỉ đạo của Đảng và Nhà nước ta. Theo Đề án Hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững tại các tiểu vùng sinh thái vùng ĐBSCL của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước mắt là cải tạo các cửa cống lấy nước hiện có ở vùng ảnh hưởng triều, hoàn thiện hệ thống thủy lợi nội đồng tiến tới xây dựng, sửa chữa, nâng cấp công trình để khép kín các hệ thống thủy lợi; công trình kiểm soát, chuyển nước liên vùng. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang nghiên cứu đề xuất các tuyến chuyển nước ra vùng Bán đảo Cà Mau, vùng ven biển ĐBSCL, xây dựng các hồ trữ nước ngọt vùng ĐBSCL với tổng dung tích khoảng 300 triệu m3.

Đây là những công trình lớn, tổng mức đầu tư cao, xây dựng trong một thời gian nhất định, có thể là 5 năm, 10 năm tùy thuộc vào diễn biến của tình hình, phân kỳ đầu tư và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước. Do đó, Chính phủ nên sớm nghiên cứu, xây dựng dự án, tổng hợp trong chiến lược 10 năm, kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm để Quốc hội xem xét, quyết định, tạo những điều kiện thuận lợi nhất về nguồn lực và cơ chế để thực hiện.

Tại Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17.11.2017 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, Chính phủ đã nhận định ĐBSCL là vùng đất mẫn cảm với thay đổi của tự nhiên và đặt mục tiêu đến năm 2050 hạ tầng thủy lợi ĐBSCL phải được xây dựng đồng bộ phù hợp với mô hình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu tại các tiểu vùng sinh thái, đồng thời phải có biện pháp hiệu quả phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho dân sinh và nền kinh tế khi có thiên tai xảy ra. Có như vậy, ĐBSCL mới có thể phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Vấn đề quan trọng là chúng ta thực hiện quyết sách đúng đắn đó như thế nào và Quốc hội giám sát việc thực hiện ra sao để đáp ứng được sự mong đợi của hơn 20 triệu người dân ĐBSCL.

Bảo đảm an ninh lương thực của quốc gia và quản trị nguồn nước, phát triển thủy lợi ở ĐBSCL là hai vấn đề chiến lược có quan hệ mật thiết gắn liền với nhau.

Trần Văn - Đại biểu Quốc hội Khóa XII, XIII