Móng chắc mới chồng được tầng cao

- Thứ Ba, 21/05/2019, 07:59 - Chia sẻ
Văn hóa đọc được nhắc tới nhiều những năm gần đây, nhưng theo TS. Nguyễn Quốc Vương, người đang tổ chức nhiều hoạt động khuyến đọc cho biết, thường có 2 tình huống: Người cho chuyện đó là đương nhiên, nói làm gì; người lại nghĩ chuyện đó là vô nghĩa, vì thực tế nhiều người không đọc sách vẫn sống bình thường. Vậy tại sao phải đọc sách?

Biết chữ nhưng không đọc sách

Đọc lại nhiều văn bản hành chính, cũng như truyền thông, có thể thấy, từ “đọc sách” xuất hiện tần suất nhiều, trở thành điểm được chú ý của cộng đồng, tâm điểm của truyền thông chỉ 10 - 15 năm trở lại đây. Nghiên cứu chương trình giáo dục Việt Nam qua các thời kỳ, TS. Nguyễn Quốc Vương thấy, từ “đọc sách” hầu như không xuất hiện.

Có thể thấy, từ hơn 95% dân số mù chữ trước khi đất nước giành được độc lập, đến nay số người biết chữ đã chiếm tỷ lệ tương đương, nhưng nảy sinh vấn đề mới là nhiều người biết chữ mà không đọc sách. Thống kê dựa trên số đầu sách xuất bản và quy mô dân số, người dân Việt Nam đọc chưa đầy 4 cuốn sách/năm, và thực tế, tỷ lệ người đọc sách còn ít hơn nhiều. Các tỉnh, thành phố đều có thư viện nhưng số lượng bạn đọc khá ít ỏi, bởi nhiều lý do từ cả bên “cung” và “cầu”. Nhiều thư viện không có sách hay, phù hợp; phục vụ kém, thủ tục phức tạp, không có dịch vụ đi kèm, hoạt động của thư viện không phong phú... Bên cạnh đó, đã có thời gian dài, tâm lý đọc sách là việc của những người theo đuổi khoa cử. So sánh với nhiều quốc gia, số người đọc sách và tỷ lệ sách đọc/năm của Việt Nam còn khá thấp. 

Trong khi đó, lịch sử văn minh nhân loại chính là lịch sử phát triển văn minh tri thức và năng lực sáng tạo. Trọng tâm và nền tảng cho sự hình thành tri thức và tư duy sáng tạo đó là từ việc đọc sách. Người ta đã ví von, đọc sách như xây nền móng, nền có chắc mới có thể “đóng” tầng cao, về cả tri thức và văn hóa. Điều này đặc biệt đúng trong thời buổi thế giới thay đổi nhanh như vũ bão, nước ta đứng trước sức ép của sự phát triển, đồng thời vấn đề gìn giữ các giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc đang được đặt ra bức thiết.

“Chúng ta đang “chối bỏ”, hoặc chưa đi con đường mà dân tộc nào cũng phải bước qua, để có được văn minh, đó là quốc dân phải là quốc dân đọc sách. Cuối cùng, không chóng thì chầy, chúng ta vẫn phải đi qua đó nếu muốn phát triển, bởi văn hóa đọc là nền tảng quốc gia” - TS. Nguyễn Quốc Vương nói.


Văn hóa đọc đang được khơi dậy rộng rãi Nguồn: ITN

“Thức tỉnh” để phát triển văn hóa đọc

Trong thời đại truyền thông và mạng xã hội khá phát triển, số người đọc thông tin trên internet ngày càng tăng. Theo các chuyên gia, thông tin trên mạng có thể dễ dàng đọc trong thời gian ngắn, tìm thông tin nhanh, đọc sách ít khi được xuất bản... Tuy nhiên, nếu chỉ đọc các “mảnh vỡ” thông tin ấy, người đọc khó có kiến thức sâu rộng về một vấn đề. Đó là chưa kể tới việc tiêu tốn hàng giờ lướt hết trang web này đến trang web khác, sẽ khiến người đọc “chìm” trong những mẩu tin hời hợt, thậm chí “ngộ độc thông tin”. Giữa cơn lốc truyền thông ấy, sách như nối người đọc với một dạng thông tin chậm hơn, sâu lắng hơn, không chỉ cung cấp tri thức, sách còn mang tới cho độc giả những trải nghiệm đa dạng để sống nhân văn hơn.

Những năm gần đây, việc đọc sách đã được chú ý tại Việt Nam, với nhiều nỗ lực từ phía Nhà nước và các cá nhân, tổ chức cộng đồng. Nhà nước cũng quan tâm phát triển văn hóa đọc, như tổ chức Ngày sách Việt Nam hàng năm, xây dựng Đường sách, Phố sách... Bên cạnh đó, những nỗ lực khơi dậy văn hóa đọc như chương trình Sách hóa nông thôn, các phong trào khuyến đọc, câu lạc bộ đọc sách, không gian đọc, thư viện cộng đồng, giao lưu nói chuyện về sách... ngày càng lan rộng từ thành thị đến nông thôn, đã mang đến những hiệu ứng tích cực, dần thu hút đông đảo mọi người đến với “người bạn tri thức”. Những kết quả này tác động trở lại việc đọc sách của học sinh trong một số nhà trường.

TS. Nguyễn Quốc Vương cho rằng, những nỗ lực từ phía Nhà nước và nhân dân cùng song hành, tương tác, đã thúc đẩy việc đọc; trong đó, vai trò “thức tỉnh” của công dân cực kỳ quan trọng. Nhìn chung trong cả nước, văn hóa đọc vẫn ở mức thấp và cần được chú ý nhiều hơn. Chỉ khi nào đọc sách trở thành nhu cầu tự thân, mỗi người có được thói quen, sở thích và kỹ năng đọc lành mạnh, văn hóa đọc mới có thể phát triển, đóng góp quan trọng vào việc xây dựng nền kinh tế tri thức và một xã hội phát triển bền vững.

Thảo Nguyên