Món nợ khó trả

- Thứ Năm, 17/09/2020, 08:16 - Chia sẻ
Trong tổng số 103 văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết phải ban hành kể từ ngày 16.8.2019 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ chỉ còn nợ 32 văn bản gồm: 20 nghị định, 1 quyết định, 1 thông tư liên tịch và 10 thông tư.

Nói “chỉ còn nợ” dù số lượng văn bản nợ như vậy khá lớn là bởi, nếu so với thời điểm cuối nhiệm kỳ Khóa XIII thì số văn bản nợ đã có xu hướng giảm, cụ thể là đã giảm được 25 văn bản so với cùng kỳ năm 2015. Dẫu vậy, nhìn sâu hơn vào “món nợ” rất cũ này thì khó mà lạc quan được.

Trong số 32 văn bản nợ ban hành có đến 8 văn bản quy định chi tiết của 5 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực từ ngày 1.7.2020 trở về trước và 24 văn bản quy định chi tiết của 4 luật có hiệu lực từ ngày 1.7.2020. Đáng lưu ý là, có tới 6 văn bản quy định chi tiết các đạo luật quan trọng như Luật An ninh mạng, Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã bị chậm so với quy định tới hơn 1 năm. Mấy năm gần đây, tình trạng nợ văn bản hướng dẫn chi tiết các luật, pháp lệnh, nghị quyết cũng có xu hướng gia tăng khi năm 2017 số văn bản nợ chỉ là 11, năm 2018 là 12, năm 2019 là 17 và năm nay là 32.

Nợ cũ vẫn chưa hẹn ngày trả hết thì nợ mới cũng đáng lo không kém. Bởi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ còn có nhiệm vụ xây dựng, ban hành 86 văn bản (gồm 53 nghị định, 5 quyết định, 28 thông tư) để quy định chi tiết các nội dung được giao tại 17 luật sẽ có hiệu lực trong năm 2021. Con số này còn tăng thêm nữa nếu nhìn vào các dự án luật dự kiến sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Mười tới khi dự luật nào cũng có hàng chục nội dung được ủy quyền hướng dẫn chi tiết.

Đơn cử như dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông, dù chỉ có 72 điều nhưng có tới 26 nội dung ủy quyền quy định chi tiết; dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) có 102 điều thì cũng có tới 13 nội dung giao Chính phủ hướng dẫn, 15 nội dung giao Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải hướng dẫn; dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) có 69 điều thì 11 nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết…

Trong báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, 17.9, Chính phủ cho biết, số văn bản nợ ban hành hiện nay đa số là các văn bản có nội dung khó, phức tạp cần xin ý kiến chỉ đạo của nhiều cấp hoặc các văn bản mới phát sinh từ ngày 1.7.2020.

Tuy nhiên, còn một lý do khác, được Thường trực Ủy ban Pháp luật chỉ ra qua thực tế giám sát là, trong một số trường hợp, việc chậm trễ là do vướng mắc trong các khâu thực hiện thủ tục để ban hành văn bản; có văn bản được trình Chính phủ từ lâu nhưng chưa được ban hành như dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng đã được cơ quan chức năng trình từ 27.9.2019 hay dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trình Chính phủ từ 30.5.2019...

Thực tế này đặt ra một câu hỏi rất lớn mà Chính phủ phải giải trình thấu đáo là: tại sao, dù đã có nhiều giải pháp đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt việc ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết nhưng món nợ cũ này lại ngày càng tăng lên? Câu trả lời có phải là bởi dù chậm đến mấy thì hình thức kiểm điểm trách nhiệm cũng mới chỉ dừng lại ở việc không xem xét khen, tặng danh hiệu thi đua hay không?

Cuối năm 2019, sau rất nhiều tranh luận gay gắt và cân nhắc thận trọng, Quốc hội đã buộc phải chấp thuận đề nghị của Chính phủ không thu 5.000 tỷ đồng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước mà lý do là bởi hai nghị định hướng dẫn chi tiết vấn đề này đã không được ban hành đúng thời hạn.

Đó cũng là trường hợp hiếm hoi có thể lượng hóa được thiệt hại mà việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật gây ra. Nhưng còn biết bao hệ lụy, thiệt hại khác không thể định lượng được khi luật chậm đi vào cuộc sống? Những nỗ lực lập pháp chưa thể đem lại hiệu quả như mong muốn. Hiệu lực quản lý nhà nước không thể phát huy đầy đủ. Những cơ hội bị mất đi của người dân và doanh nghiệp. Những quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân và doanh nghiệp có thể bị xâm phạm. Những nhũng nhiễu, phiền hà, tham nhũng vặt rất dễ nảy sinh do khung khổ pháp lý chưa được hoàn thiện... Đến nay, chưa hề có một báo cáo nào về những thiệt hại như vậy. Có lẽ chính vì thế mà nợ cũ khó trả dứt, nợ mới chồng nợ cũ.
Đã 7 năm kể khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 67 về việc tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, có lẽ, Quốc hội phải có biện pháp xử lý trách nhiệm nghiêm khắc hơn đối với những cơ quan, bộ, ngành và đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, bộ, ngành nợ văn bản hướng dẫn thi hành thì mới mong xóa được tình trạng nợ nần này. 

Hải Lam