Sổ tay

Môi trường và xe máy cũ nát

- Thứ Hai, 03/12/2018, 08:42 - Chia sẻ
Hà Nội hiện có khoảng 6 triệu xe mô tô, xe máy. Đáng nói, chiếm tỷ lệ không nhỏ trong số này được sản xuất, sử dụng từ những năm 90 của thế kỷ trước; thậm chí nhiều xe tuổi thọ trên 30 năm vẫn đang tham gia giao thông. Đây là một trong những nguyên nhân làm giảm chất lượng không khí do các loại xe “quá đát” này chưa được kiểm soát khí thải...

Thông tin tại hội thảo “Tăng cường vai trò và kết nối hợp tác cải thiện chất lượng không khí cho thành phố Hà Nội” do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phối hợp cùng Cơ quan Hợp tác phát triển Đức (GIZ), Trung tâm Sống và Học tập vì môi trường và cộng đồng (Live & Learn) tổ chức mới đây, các chuyên gia về môi trường cho biết: Trong khí thải của các phương tiện “quá đát” thường có rất nhiều thành phần độc hại như ôxit nitơ, hydrocarbon, CO… khi thải ra môi trường sẽ có phản ứng hóa học tạo ra các loại khí độc hại, làm cho con người bị ngộ độc, thậm chí ngạt thở. Trong quá trình hoạt động, các phương tiện xe cũ nát cũng sẽ thải ra môi trường một lượng khí thải độc hại cao gấp 2 - 4 lần các loại xe mới, được bảo dưỡng định kỳ.

Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, cùng với sự gia tăng dân số cơ học, số lượng phương tiện giao thông cá nhân tại đây cũng tăng mạnh. Đáng chú ý, các phương tiện xe máy cũ không được kiểm soát về khí thải chiếm lượng không nhỏ, đã và đang là tác nhân gây ra ô nhiễm môi trường, không khí. Đơn cử, ô nhiễm giao thông chiếm khoảng 70% tổng lượng phát thải của cả thành phố, nồng độ khí thải ở các đường giao thông, khu vực đông dân cư rất lớn, vượt ngưỡng cho phép khá nhiều lần.

Thực tế, từ tháng 7.2017, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã trình và được HĐND TP phê duyệt “Đề án quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ô nhiễm môi trường trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Trong đó có một nội dung quan trọng là đề xuất Chính phủ quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy nhằm kiểm soát chất lượng xe máy hoạt động trên địa bàn thành phố. Đồng thời, Hà Nội cũng đã đề xuất Chính phủ chính sách cụ thể nhằm quản lý, thu hồi xe mô tô, xe gắn máy cũ, nát thông qua việc kiểm soát khí thải; không phân biệt biển số đăng ký để bảo đảm công bằng...

Tuy vậy, qua khảo sát tại hầu hết tuyến vành đai như: Đường 32, Nguyễn Xiển, đường gom Đại lộ Thăng Long, Phạm Văn Đồng, Quốc lộ 21B… cửa ngõ Thủ đô cho thấy, xe cũ “quá đát” với các ống bô nhả khói đen xì; hoặc xe ba gác máy được “nâng cấp” từ xe cũ dùng để chở rau, hàng hóa, rác, phế liệu... vẫn ngang nhiên lưu hành. Dù là một trong những tác nhân gây ô nhiễm nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông, nhưng vẫn được sử dụng khá phổ biến, phải chăng do việc kiểm soát loại phương tiện xe máy “quá đát” chưa được quan tâm đúng mức?

Trao đổi về vấn đề này trên Báo An ninh Thủ đô, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Đào Việt Long cho biết: Thời gian qua Hà Nội đã tích cực tuyên truyền chủ trương, chính sách sâu rộng đến người dân. Tuy nhiên, lộ trình thải loại xe máy cũ nát trên địa bàn Hà Nội đang gặp một số vướng mắc nhất định; chủ yếu do hành lang pháp lý chưa đầy đủ, hoàn thiện. Hiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến kiểm tra khí thải xe mô tô, xe gắn máy vẫn chưa được xem xét, phê duyệt và ban hành. Bên cạnh đó, việc kiểm tra khí thải xe mô tô, xe gắn máy là vấn đề lớn, phức tạp của xã hội, vì liên quan đến đa số người dân với đủ đối tượng, thành phần, lứa tuổi và có nhận thức rất khác nhau. Trong khi các phương tiện xe máy chưa có quy định về niên hạn thì việc xác định các phương tiện xe máy cũ, nát không đơn giản...

Trước tình trạng chất lượng không khí tại Hà Nội ngày càng xấu, ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe người dân, thì cần có sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các bộ, ngành và địa phương, để sớm tháo gỡ, đẩy nhanh lộ trình rà soát, thải loại xe máy cũ nát trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Trần Hải