Môi trường Khu kinh tế, Khu công nghiệp: nóng lên từng ngày

- Chủ Nhật, 17/04/2011, 08:09 - Chia sẻ
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch - Đầu tư tính đến hết năm 2010, nước ta đã có 15 Khu kinh tế thu hút được gần 700 dự án trong nước và nước ngoài với tổng vốn đầu tư gần 33 tỷ USD và gần 330.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nơi đây đã và đang đặt ra nhiều vấn đề trong việc bảo vệ môi trường

 Đoàn giám sát UBTVQH tại Khu kinh tế Nhơn Hội, Bình Định

Nguồn ô nhiễm hàng đầu đối với môi trường

Khu kinh tế (KKT) bao gồm rất nhiều hoạt động kinh tế và các loại dự án đầu tư khác nhau như: sản xuất công nghiệp, xây dựng các khu đô thị, phát triển các ngành nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, phát triển cảng biển. Xét về mặt môi trường, các hoạt động kinh tế này có yêu cầu bảo đảm các điều kiện môi trường khác nhau, không phù hợp với nhau, đặc biệt giữa khu công nghiệp (KCN) và khu đô thị; KCN giữa và khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; giữa phát triển giao thông hàng hải, cảng biển và phát triển nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản; giữa bảo tồn thiên nhiên nước và tài nguyên khoáng sản, tài nguyên đa dạng sinh học để phát triển công nghiệp và giao thông vận tải. Điều đáng quan tâm hơn là phần lớn các KKT đều phát triển các ngành công nghiệp nặng. Chính vì thế trong quá trình hoạt động, các cơ sở sản xuất và KCN trong KKT sẽ tiêu thụ nhiều năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản và vật tư…đồng thời thải ra lượng chất thải rất lớn gây ô nhiễm môi trường nước, không khí, nhiều chất thải rắn trong đó có nhiều chất thải nguy hại, khó phân hủy.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Kế Sơn khẳng định hoạt động của các cảng biển của các KKT ven biển cũng là một nguồn gây ô nhiễm lớn đối với vùng nước biển ven bờ, đặc biệt là ô nhiễm dầu, ô nhiễm do đổ thải nước dằn tàu, xả  nước thải và chất thải rắn từ các tàu bè… Ngoài ra, ô nhiễm nước biển ven bờ do các KKT biển gây ra sẽ làm suy thoái các rạn san hồ, các thảm cỏ biến, suy thoái đa dạng sinh học ven biển và ảnh hưởng trực tiếp đến ngành nuôi trồng thủy sản và khai thác thủy sản của dân cư vùng ven biển.

Có thể thấy rằng, hoạt động của các KKT, KCN đang là nguồn gây ô nhiễm hàng đầu với môi trường, nhưng việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường chưa  nghiêm túc. Các đợt thanh tra, kiểm tra định kỳ năm 2010 cho thấy tình trạng vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường tại các KKT, KCN vẫn xảy ra và được khắc phục hết sức chậm trễ. Các loại chất thải trong KCN chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt chuẩn môi trường xả trực tiếp ra môi trường vẫn phổ biến, có nơi lên đến 20,15% các KCN đang hoạt động hoặc đã tiến hành xây dựng nhưng chưa lập hoặc chưa được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) theo quy định.

Đa số các cơ sở trong KKT, KCN chưa nhận thức đúng đắn về công tác bảo vệ môi trường cũng như tuân thủ các quy định của pháp luật, tình trạng gây ô nhiễm môi trường và vi phạm các quy định của pháp luật vẫn diễn ra khá phổ biến tại nhiều địa phương. Phần lớn các đơn vị đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng tại KCN thường không đủ vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng như đường xá, sân bãi, cấp điện, cấp nước, hạ tầng môi trường… Điều này dẫn đến tình trạng chung là hệ thống cơ sở hạ tầng chưa có, hoặc chưa hoàn chỉnh thì đã có một số nhà máy, xí nghiệp công nghiệp hoạt động do đó vấn đề ô nhiễm môi trường là không thể tránh khỏi. Thậm chí, để thu hút đầu tư, có trường hợp giữa đơn vị đầu tư xây dựng KCN và doanh nghiệp đã có sự thỏa thuận ngầm. Bởi nếu quy định các doanh nghiệp khi vào KCN phải xây dựng trạm xử lý nước thải cục bộ đạt chuẩn nguồn loại B thì khó có thể thu hút được doanh  nghiệp đến thuê đất. Sự thỏa thuận ngầm này phổ biến ở các KCN có nhiều cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, vốn hạn chế, khó chấp nhận khi phải thêm gánh nặng đầu  tư trạm xử lý nước thải cục bộ.

Nhưng… chưa có bộ phận chuyên môn về bảo vệ môi trường

Kết quả giám sát của UBTVQH trong năm 2010 và đầu năm 2011 cho thấy đa số các KTT được khảo sát chưa tổ chức được bộ phận chuyên môn về bảo vệ môi trường theo quy định tại Nghị định số 81/ 2007 NĐ - CP ngày 23.5.2007 của Chính phủ  như KKT Nam Phú Yên, Cho Lo, Lao Bảo… Một số KKT có cán bộ bảo vệ môi trường song hoạt động kiêm nhiệm, chưa tập trung hoàn toàn trong lĩnh vực môi trường. Bộ phận chuyên môn về bảo vệ môi trường thường tập trung ở các cơ quan quản lý, đầu tư không gắn chặt trách nhiệm với từng KCN cụ thể. Trong khi đó, cán bộ của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tại địa phương không đủ lực lượng để theo dõi, giám sát toàn bộ hoạt động của các doanh nghiệp trong các KCN, chỉ đáp ứng một phần việc quản lý môi trường bên ngoài hàng rào KCN. Các vấn đề môi trường bên trong KCN chỉ có thể quản lý tốt bởi chính bộ phận quản lý bên trong mỗi KCN thì các KCN lại thiếu tổ chức và lực lượng để triển khai. Chính vì thế Ban quản lý chưa được ủy quyền tổ chức thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM đối với các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh trong KCN, KKT.

Thực tế này lại nảy sinh  một vấn đề khác trong công tác bảo vệ môi trường. Đó là sự chồng chéo, thiếu cơ chế phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra cũng như thực hiện các chức năng quản lý nhà nước về môi trường giữa thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường; giữa các lực lượng thanh tra liên ngành. Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Nam Phú Yên, Lê Văn Thành cho rằng với nhiều cơ quan cùng có chức năng và thẩm quyền thanh tra, kiểm tra môi trường nên tình trạng chồng chéo là khó tránh khỏi, đặc biệt là trường hợp cùng một doanh nghiệp nhưng nhiều đoàn thanh tra môi trường đến kiểm tra.


Trạm xử lý nước thải tập trung tại Bình Định

Đâu là nút “gỡ”?

Đồng bộ hóa khung pháp lý và các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường tại KKT, KCN nhằm nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả để pháp luật đi vào cuộc sống được coi là một điểm  tháo gỡ quan trọng, có tính chất mở đầu cho những vấn đề liên quan đến môi trường tại đây. Theo đó, trước hết cần rà soát tổng thể các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, bổ sung những chế tài có tính ràng buộc chặt đối với những hành vi pháp luật bảo vệ môi trương KKT cũng như bổ sung, hoàn thiện những cơ chế khuyến khích đầu tư bảo vệ môi trường và xử lý chất thải công nghiệp, tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quản lý môi trường KKT.

Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong, Khánh Hòa Thái Huy Đức cho rằng, việc xác định KKT cùng nhóm đối tượng quản lý như KCN theo quy định tại Điều 36 Luật Bảo vệ môi trường là chưa hợp lý do tính chất hoạt động của KKT rất khác so với KCN với quy mô diện tích lớn hơn KCN, bao gồm nhiều hoat động phát triển KT-XH khác nhau như: sản xuất kinh doanh, dịch vụ, đô thị, nông nghiệp…Hơn nữa KKT có một cơ quan nhà nước quản lý trực tiếp là Ban quản lý KKT, trong khi đơn vị quản lý trực tiếp KCN là doanh nghiệp kinh doanh phát triển hạ tầng. Chính vì thế nên có một điều, khoản riêng quy định về bảo vệ môi trường dành cho KKT. Ngoài ra, theo Điều 14 Luật Bảo vệ môi trường, các quy hoạch phát triển KT-XH cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp vùng, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực trên quy mô cả nước… đều phải lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược nhưng lại bỏ sót đối tượng là KKT. Đây là một vấn đề cần tính tới khi sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường. Vì KKT có mục tiêu phát triển kinh tế với sự tập trung cao độ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Do vậy, các vấn đề về tranh chấp nguồn tài nguyên, sự quá tải đối với các lưu vực thải chất thải, vấn đề ô nhiễm môi trường chéo giữa các dự án là rất dễ xảy ra nếu không có sự xem xét, đánh giá tác động môi trường một cách nghiêm túc, khoa học  ngay từ khi lập quy hoạch. Việc chỉ quy định đánh giá tác động môi trường đối với từng dự án cụ thể mà thiếu những quy định về đánh giá tác động môi trường trong từng giai đoạn lập KKT sẽ làm cho công tác quản lý môi trường KKT rất bị động, không tạo ra động lực để thúc đẩy sự phát triển của các dự án, làm cho sự phát triển KKT thiếu bền vững.

Bên cạnh việc gỡ bỏ những vương mắc từ quy định pháp luật thì cần có những cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực xử lý chất thải. Phó trưởng Ban quản lý KKT Đông Nam, Nghệ An Lê Quang Hòa cho rằng, Chính phủ cần ban hành chính sách miễn tiền thuê đất, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế nhập khẩu máy móc thiết bị và được vay ưu đãi với lãi suất 0%việc trong thời gian xây dựng đối với các dự án xây dựng Nhà máy xử lý nước thải tập trung. Đồng thời, UBND tỉnh cần thực hiện việc bổ sung tổ chức bộ phận môi trường; tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường các cấp theo quy định tại Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14.3.2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế.

Thiết nghĩ, ngoài việc áp dụng các biện pháp hành chính, cưỡng chế trong điều kiện của nền kinh tế thị trường để đưa các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường vào cuộc sống phải đặc biệt chú trọng đến việc nghiên cứu áp dụng các công cụ kinh tế  như các loại phí môi trường, nhãn sinh thái, ký quỹ môi trường, áp dụng chính sách hỗ trợ về vốn, khuyến khích áp dụng các cơ chế chuyển nhượng, trao đổi quyền phát thải và trách nhiệm xử lý chất thải phù hợp với cơ chế thị trường… trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, người gây thiệt hại đối với môi trường phải khắc phục, bồi thường.

Phùng Hương