3 năm thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội

Mỗi tháng, xử lý hơn 7 nghìn tỷ đồng nợ xấu

- Thứ Tư, 12/08/2020, 05:14 - Chia sẻ
Ngân hàng Nhà nước cho biết, sau 3 năm, hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 293,88 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu. Trung bình, mỗi tháng hệ thống xử lý được 7,15 nghìn tỷ đồng nợ xấu theo Nghị quyết 42, trong khi trước đó chỉ xử lý được 3,52 nghìn tỷ đồng - cho thấy việc xử lý “cục máu đông” của nền kinh tế nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Nợ xấu nội bảng còn 1,86%

Trong phiên họp hôm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến vào Báo cáo kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lũy kế từ ngày 15.8.2017, thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực, cho đến 31.5.2020, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 293,88 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, trong đó xử lý nợ xấu nội bảng 160,92 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 54%. Tính trung bình, tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 đạt 7,15 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 3,63 nghìn tỷ đồng/tháng so với kết quả trước khi có Nghị quyết 42 (khoảng 3,52 nghìn tỷ đồng/tháng).

Đáng chú ý, trước đây, nợ xấu chủ yếu được xử lý bằng dự phòng rủi ro, các biện pháp xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản bảo đảm và khách hàng trả nợ chưa cao. Tuy nhiên, từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết 42 chủ yếu thông qua hình thức khách hàng trả nợ, cụ thể đạt 121,4 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 40,1% tổng nợ đã xử lý. Con số này cao hơn nhiều tỷ trọng nợ xấu được xử lý do khách hàng tự trả giai đoạn 2012 - 2017 khoảng 22,8%. Điều này cho thấy ý thức trả nợ của khách hàng đã cải thiện đáng kể.

Kết quả mua bán nợ xấu của Công ty TNHH Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cũng tích cực hơn. Lũy kế từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực đến 31.5.2020, VAMC đã mua 68 nghìn tỷ đồng nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt; mua 83 khoản nợ theo giá thị trường với dư nợ gốc đạt 8.013 tỷ đồng và giá mua bán nợ đạt 8.207 tỷ đồng. Cũng trong thời gian này, VAMC thu hồi được 91,4 nghìn tỷ đồng nợ xấu, bằng 60% tổng giá trị thu hồi nợ lũy kế từ năm 2013 đến nay (152,7 nghìn tỷ đồng); đấu giá thành công 15 khoản nợ với tổng giá trị trúng đấu giá đạt 1.322 tỷ đồng.

Theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, Nghị quyết 42 đã tạo cơ chế xử lý đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm các khoản nợ xấu. Trong gần 3 năm qua, các quy định tại Nghị quyết 42 đã được các tổ chức tín dụng, VAMC áp dụng có hiệu quả bước đầu trên thực tế. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng giảm qua các năm, đến 31.5.2020 còn 1,86%.

Tốc độ xử lý nợ xấu nhanh hơn nhờ Nghị quyết 42 của Quốc hội.
Nguồn: ITN

Nợ xấu đang gia tăng nhanh

Tuy bức tranh nợ xấu đã bớt xấu hơn nhờ Nghị quyết 42 nhưng dịch bệnh Covid-19 khiến triển vọng tích cực này khó duy trì trong dài hạn.

Mặc dù nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế, nhưng hiện vẫn chưa thể xác định chính xác thời điểm phục hồi kinh tế toàn cầu. Các tổ chức quốc tế tiếp tục điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài vùng ảnh hưởng này. Theo đánh giá của NHNN, chất lượng tín dụng toàn ngành có xu hướng suy giảm, nợ xấu đang gia tăng nhanh trong 5 tháng đầu năm 2020, trích lập dự phòng tăng, có thể tác động mạnh đến kết quả hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng trong năm 2020. Dựa trên kịch bản tăng trưởng GDP năm nay khoảng 4%, NHNN ước tính tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối năm ở mức 2,41% (tăng 0,78 điểm phần trăm so với cuối năm 2019).

“Dịch bệnh Covid-19 dự báo còn diễn biến phức tạp, khó lường và tiếp tục ảnh hưởng bất lợi đến phát triển kinh tế - xã hội cũng như kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42”, Thống đốc Lê Minh Hưng dự báo.

Thực tế hiện nay, dịch bệnh Covid - 19 đang tác động trực tiếp đến tình hình hoạt động, chất lượng tài sản và kết quả kinh doanh của các ngân hàng. Một mặt, tín dụng tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước. Mặt khác, dịch bệnh tác động xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm suy giảm năng lực trả nợ của khách hàng khi đến hạn, gia tăng nợ xấu toàn ngành, ảnh hưởng đến kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42.

Bên cạnh đó, quá trình triển khai Nghị quyết 42 còn cho thấy có một số khó khăn, vướng mắc trên thực tế cần sự phối hợp của các bộ, ban, ngành có liên quan xử lý, đặc biệt là việc thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm. NHNN cho rằng đây là điểm mấu chốt để quá trình triển khai Nghị quyết 42 có hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Nghị quyết 42 có hiệu lực trong 5 năm, theo đó sẽ kết thúc vào ngày 15.8.2022. Tuy nhiên, mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị kéo dài thời gian thí điểm xử lý nợ xấu đến hết năm 2025 vì quá trình xử lý nợ xấu khó khăn, cần thời gian dài hơn, và cũng chịu ảnh hưởng của dịch Covid - 19.

Tính đến hết tháng 5.2020, tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh ở mức 2,2%. Tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 đã xử lý là 123,2 nghìn tỷ đồng và chủ yếu được xử lý theo phương thức thông thường là đôn đốc khách hàng trả nợ và mua lại nợ xấu của VAMC. Nợ xấu xử lý qua thủ tục rút gọn không đáng kể.

Theo phản ánh của TP Hồ Chí Minh, việc áp dụng quyền thu giữ tài sản của các tổ chức tín dụng còn bất cập liên quan đến yêu cầu về điều khoản thu giữ tài sản trong hợp đồng thế chấp. Dù ngân hàng đã chủ động đàm phán với người vay, nhưng còn phải tùy thuộc vào sự hợp tác của khách hàng. Nhiều trường hợp dù tài sản đủ điều kiện thu giữ nhưng các bên liên quan chống đối, không hợp tác, thậm chí xảy ra các vụ tranh chấp giả hay các tình tiết mới nhằm ngăn cản việc thu giữ, khi đó việc xử lý theo biện pháp rút gọn sẽ chuyển sang thông thường. Bên cạnh đó, tòa án cấp dưới chưa mạnh dạn triển khai thủ tục rút gọn do chưa có tiền lệ và tâm lý sợ sai sót.

Hà Lan