An ninh nguồn nước và an toàn hồ đập:

Mối quan tâm của các đại biểu Quốc hội

- Thứ Sáu, 17/07/2020, 05:23 - Chia sẻ
Mới đây, trong thành phần Đoàn khảo sát của Quốc hội về an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm Trưởng đoàn, tôi có dịp thăm lại các hệ thống thủy lợi lớn ở Bắc Trung Bộ mà Quốc hội đã theo dõi sát sao trong suốt trong khoảng thời gian hơn 10 năm trở lại đây. Chỉ nghe qua tên gọi các hồ Cửa Đạt, Bản Mồng, Ngàn Trươi, Tả Trạch có lẽ chúng ta đã hình dung đây là những công trình thủy lợi lớn và quan trọng tầm cỡ quốc gia.

Lớn về dung tích, quan trọng đối với an ninh quốc gia

Nhìn lên sơ đồ hồ đập và sông ngòi khu vực Bắc Trung Bộ do anh Hoàng Văn Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, vẽ nhanh minh họa cho tôi, hồ Cửa Đạt của tỉnh Thanh Hóa nằm trên thượng nguồn sông Chu tại huyện Thường Xuân, dung tích 1,45 tỷ mét khối nước, nhằm giảm nhẹ lũ sông Chu, cấp nước tưới ổn định cho 87 nghìn hecta, cấp nước sinh hoạt cho khoảng 2,5 triệu dân, cấp nước cho sản xuất công nghiệp và phát điện với công suất 115MW.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và Đoàn công tác của Quốc hội khảo sát dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An
Ảnh: T. Thành

Nghệ An có hồ Bản Mồng, dung tích 225 triệu mét khối nằm trên sông Hiếu, từng thuộc diện công trình giãn hoãn tiến độ năm 2011, đến nay công trình đầu mối đã đạt 85% khối lượng, sau lũ chính vụ 2021 bắt đầu tích nước, phát huy hiệu quả dự án, tưới cho trên 18 nghìn hecta các huyện Tây Nghệ An, cấp nước cho sông Cả kết hợp phát điện, cấp nước sinh hoạt cho dân sinh, công nghiệp, chăn nuôi, thủy sản và giảm lũ cho hạ du.

Hà Tĩnh có hệ thống các sông La - Lam, sông Nghèn với hồ Kẻ Gỗ một thời vang bóng thơ ca, sông Rác, sông Rào Trổ… phân bổ tương đối đều từ Bắc đến Nam nhưng tất cả đều là sông ngắn, dốc, nếu không có hồ chứa là nước chảy ra biển hết. Vì thế, Hà Tĩnh có đến 351 hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích 1,6 tỷ mét khối nước, trong đó có hồ Ngàn Trươi là công trình quan trọng đặc biệt có dung tích 775 triệu mét khối nước, lớn thứ 3 cả nước. Thừa Thiên Huế có hồ Tả Trạch dung tích 646 triệu mét khối, có nhiệm vụ chống lũ cho thành phố Huế, cấp nước cho sinh hoạt và công nghiệp, tưới ổn định cho 34.782ha đất canh tác, bổ sung nguồn nước ngọt cho hạ lưu sông Hương để đẩy mặn, cải thiện môi trường vùng đầm phá, phục vụ nuôi trồng thủy sản.

Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh) Bùi Khắc Bằng cho biết, kinh tế địa phương đã có nhiều khởi sắc, hạ tầng, cảnh quan, đời sống, việc làm của người dân được cải thiện đáng kể sau khi hoàn thành giai đoạn 1 của dự án hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang và bà con đang mong chờ giai đoạn 2 để phát huy tối đa hiệu quả của dự án. Các đại biểu Quốc hội không khỏi ngạc nhiên khi được thị sát một đoạn “dưới là kênh dẫn nước, trên là đường giao thông”. Đây cũng là mong muốn của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển là “đến một ngày nào đó, chúng ta sẽ dẫn nước như truyền tải điện, dọc các tuyến đường giao thông là kênh mương thủy lợi hở, kín dẫn nước”. Quả thật là đầu tư vào thủy lợi là khá tốn kém, nhưng nếu so sánh với tổn thất về vật chất và con người do mưa lũ, hạn mặn gây ra thì chẳng thấm vào đâu! Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp ví dụ lũ lụt ở miền Trung năm 2010 đã làm tổn thất trên 10 nghìn tỷ đồng và hơn 100 người chết.

Những hồ chứa nước này, đặc biệt lớn về dung tích và quan trọng đối với an ninh quốc gia, là công trình đầu mối của các hệ thống thủy lợi cùng tên, tưới tiêu cho hàng triệu hecta và bảo đảm cấp nước cho công nghiệp và sinh hoạt nhiều triệu dân, nên đều do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp quản lý. Vấn đề ở đây là, ngoài các hồ lớn quan trọng quốc gia, các địa phương còn quản lý rất nhiều các hồ vừa và nhỏ, rất nhiều trong số đó chưa thật sự an toàn. Một số tỉnh còn để cấp xã quản lý một số hồ lớn. Do đó, mặc dù công tác quản lý các địa phương làm khá tốt nhưng vấn đề bảo đảm an toàn hồ đập vẫn luôn được đặt ra cao hơn so với nhiều địa phương khác.

Cần có quy hoạch tổng thể

Phát biểu với các địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập là nhiệm vụ rất lớn, nhất là ở các tỉnh có diện tích lớn, đông dân, mạng lưới hồ đập lớn trên địa hình phức tạp. Các địa phương cần có quy hoạch tổng thể bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập, quản lý nước tổng hợp và thống nhất theo lưu vực sông để sử dụng nước hiệu quả nhất, cân đối hài hòa lợi ích giữa thủy lợi, giao thông, thủy điện. Đồng thời, phấn đấu tăng dần tỷ lệ diện tích canh tác chủ động được tưới tiêu vì “nhất nước, nhì phân…”. Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về an toàn đập, hồ chứa thủy lợi. Bố trí đủ kinh phí sửa chữa cấp bách các hồ chứa xung yếu, các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn. Bố trí vốn để duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các đập, hồ chứa. Thực hiện phân cấp quản lý, kiện toàn tổ chức, bộ máy quản lý đập, hồ chứa nước, đẩy mạnh công tác đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ công nhân quản lý vận hành hồ đập.

Việc Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường lựa chọn chuyên đề khảo sát này để trả lời cho các câu hỏi: Thủy lợi đang phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân như thế nào? An ninh nguồn nước trong trước mắt và tương lai? Những vấn đề đặt ra để sử dụng hiệu quả nguồn nước và quản lý vận hành bảo đảm an toàn hồ đập cho thấy tính cấp bách của vấn đề. Nhất là khi chúng ta đang chuẩn bị đánh giá việc thực hiện các kế hoạch 5 năm về phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 ở cấp độ quốc gia, cấp độ ngành, địa phương và chuẩn bị thảo luận các chiến lược 10 năm, tầm nhìn 15 năm giai đoạn 2021 - 2030, 2045, các kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, hướng tới 100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập nước. Chắc chắn kết quả khảo sát sẽ được các đại biểu Quốc hội quan tâm, sử dụng làm tài liệu nghiên cứu, luận cứ để thảo luận các đề xuất của Chính phủ về công trình dự án và bố trí nguồn lực cho thủy lợi giai đoạn tới tại Kỳ họp thứ Mười của Quốc hội sẽ diễn ra vào cuối năm nay.

TS Trần Văn