Mối quan hệ giữa ĐBQH, ĐB HĐND với cử tri

- Thứ Ba, 15/06/2010, 00:00 - Chia sẻ
Mối quan hệ giữa ĐB dân cử với cử tri là mối quan hệ như Gơt nói: cây đời mãi mãi xanh tươi.Đề tài đó không mới nhưng luôn là nguồn cảm hứng, là sức sống của một xã hội dân chủ.ĐBQH, Chủ tịch HĐND thành phố Hồ Chí Minh Phạm Phương Thảo giao lưu trực tuyến cùng bạn đọc Báo điện tử ĐBND.

ĐBND: Kính thưa chị Phạm Phương Thảo

Mối quan hệ giữa đại biểu dân cử với cử tri là đề tài cũ mà lại luôn tươi mới. Bởi đối với cả đại biểu dân cử và cử tri thì đây là mối quan hệ máu thịt. Vì lẽ đó ĐBND xin mời chị cùng giao lưu với độc giả của Báo ĐBND.

ĐBQH, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Phạm Phương Thảo: Tôi cám ơn Báo ĐBND đã tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến hôm nay. Đây cũng là dịp để cử tri cả nước và cử tri TP Hồ Chí Minh quan tâm đến hoạt động của cơ quan dân cử và đại biểu dân cử. Mong rằng, qua Báo ĐBND, tôi và cử tri sẽ có cuộc gặp gỡ và trao đổi thú vị, vui vẻ và đầm ấm.

Lý Văn Thành- 99 Hoàng Vãn Thụ, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang

QH được cử tri của một khu vực rộng lớn hành chính bầu chọn - bằng cách nào QH nắm bắt được tâm lý, nguyện vọng hoặc những kiến nghị chính đáng của đại đa số cử tri? Vì hiện nay cách tiếp xúc với cử tri (mà chủ yếu là cán bộ có chức, có quyền được mời dự) rất hình thức, họ có phát biểu thì cũng nhìn trước, nhìn sau... vô bổ, chung chung, chẳng động chạm đến ai?

 ĐBQH, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Phạm  Phương Thảo: Mối quan hệ giữa đại biểu và cử tri là máu thịt. Tôi xem mối quan hệ giữa đại biểu và cử tri là trách nhiệm, là bắt buộc, là tự giác. Đó là mối quan hệ hai chiều, thường xuyên, thấu đáo, chân thành. Muốn đạt điều đó, người đại biểu phải tìm mọi cách để được gần với cử tri và để cử tri có điều kiên gần mình. Quan hệ giữa đại biểu với cử tri không chỉ là quan hệ tiếp xúc, thể hiện ở một số cuộc tiếp xúc trước và sau các kỳ họp QH, HĐND mà đại biểu phải lắng nghe những ý kiến chính đáng, những bức xúc của cử  tri qua nhiều kênh, từ báo chí, cho đến các kênh trong bộ máy nhà nước, gặp gỡ trực tiếp với cử tri... Sự gặp gỡ trực tiếp cử tri tác động mạnh mẽ tới đại biểu, qua đó đại biểu có thể ghi nhận cảm xúc cử tri, những vấn đề họ quan tâm; bắt gặp gương mặt họ, mình có thể bắt gặp được ngay những điều cử tri quan tâm. Điều này khiến đại biểu nung nấu rất nhiều. Gặp một ít người, đại biểu cũng chưa thể bắt gặp được những vấn đề lớn mà cử tri quan tâm. Điều đó đòi hỏi người đại biểu phải tự tạo điều kiện để gặp cử tri. Đối với tôi, không phải lúc nào cũng đi ô tô, có thể đi xe đạp, xe máy. Mình phải hòa nhập trong cuộc sống rộng lớn của người dân để có thể chia sẻ mọi lúc, mọi nơi. Khi gặp cử tri, mình lắng nghe chân thành, để cử tri không cảm thấy e ngại, xa lạ. Có cử tri gặp tôi nói rằng, họ sẵn sàng nói hết, và chỉ nói riêng với tôi. Thành thử, mình phải tạo điều kiện để cử tri vượt qua mọi rào cản, không quy chụp họ, có thể gợi mở để nghe được sâu hơn. Có khi nhiều sự gặp gỡ không có báo chí đi cùng thì cử tri có thể nói được nhiều điều mà họ không ngại. Có những cuộc gặp như là tình cờ, cũng có những cuộc gặp mình chủ động đến với cử tri. Sự chủ động gặp gỡ là đòi hỏi cần thiết, để đại biểu chủ động nắm vấn đề cần quan tâm. Những cuộc đi, cuộc gặp gỡ cử tri không phải lúc nào cũng rình rang, có như vậy, mình nắm được thực tế.  Trực tiếp trao đổi chân thành với cử tri, gợi mở nhiều ý tưởng cho tôi về các chính sách, biện pháp để tháo gỡ những vấn đề của thực tiễn...

Trần Linh Trang - 187 Tây Sơn, Ðống Ða, Hà Nội : Tôi chưa bao giờ được gặp đại biểu nơi tôi ở. Vậy lịch làm việc của các đại biểu với cử tri thế nào? Tôi muốn gặp đại biểu nơi tôi ở thì liên lạc thế nào?

ĐBQH, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Phạm Phương Thảo: Bạn có thể gửi thư hoặc đến Văn phòng Đoàn ĐBQH để xem lịch tiếp dân.

Nguyễn Vinh, 24 tuổi, Ðà Nẵng

Thưa cô, Cháu được biết, HÐND TP Hồ Chí Minh là một trong những cơ quan dân cử “mạnh” so với cả nước. Và để làm được điều đó đòi hỏi người cầm trịch phải đủ bản lĩnh, đủ tâm huyết, đủ trí tuệ…?

ĐBQH, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Phạm Phương Thảo: Rất cám ơn sự quan tâm của bạn đối với HĐND TP Hồ Chí Minh. Làm nên sự thành công đó là tất cả ĐB HĐND TP HCM, trong đó có vai trò của người đứng đầu. Và bản thân tôi cũng đã có nhiều cố gắng. Chỉ biết là phải làm hết sức mình để xứng đáng với kỳ vọng của người dân, chứ biết làm sao cho đủ trí tuệ, đủ bản lĩnh. Biết rằng, cử tri luôn đòi hỏi và bản thân tôi cũng tự đòi hỏi phải không ngừng cải tiến, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của HĐND; cố gắng lắng nghe mọi sự đóng góp. Và mình vẫn luôn thấy hoạt động trong môi trường cơ quan dân cử thì mình luôn được trưởng thành, được lớn lên mãi. Qua đó, ngày càng khẳng định thêm năng lực, phẩm chất của mình, như nghề dạy nghề. Có môi trường và môi trường đó đòi hỏi sự năng động, sáng tạo.

Anh Quân - Cần Thơ – 38 tuổi

Là người của công chúng, ĐBQH, đại biểu HĐND ràng buộc bởi ánh mắt của cử tri – Ánh mắt hạnh phúc và trách móc - Với chị, đã bao giờ ăn ngon và ngủ yên bởi các ánh mắt trách móc chưa?

ĐBQH, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Phạm Phương Thảo: Tôi có cảm nhận, là mình luôn nhận được sự quan tâm, chú ý của người dân. Ra đường, ở mọi lúc mọi nơi, cũng có người nhận ra. Có người nhìn mình đăm đăm, tưởng họ có gì không vui, tưởng họ có gì vướng mắc, nhưng họ muốn chụp hình cùng mình.  Đi gửi xe đạp, người dân không lấy tiền. Đi nước ngoài, ở giữa Thủ đô Washington, vào cửa hàng Việt Nam có  người mời ăn chè. Gặp mình, nhiều người bày tỏ là như gặp người thân. Tuy nhiên, cũng có nhiều người chờ sẵn để gửi đơn. Hoặc trong ngày lễ tết đang vui vẻ, mình cũng gặp vấn đề bức xúc của người dân. Mình đang ngồi trên diễn đàn, họ chuyển cho mình miếng giấy nhỏ ghi nội dung "muốn gặp chị, đang rất khó khăn, muốn nhờ chị giúp". Những ý kiến nhỏ như vậy không thể bỏ qua. Tôi có sắp xếp để có thể nghe thêm hoàn cảnh của họ. Với những vụ việc cụ thể, nếu có thể giúp đỡ được thì mình giúp. Nhưng, không phải tất cả.

HD- TP Hồ Chí Minh: Em Phương Thảo này, chị bán vải ở chợ, vải may áo dài đẹp lắm, chị muốn cho em mặc mà đi họp, em có ưng không? Chị đưa đến đâu bây giờ? Hay em ghé qua chị, chợ Bến Thành, hỏi chị Sáu HD ai cũng biết.

ĐBQH, Chủ tịch HĐND Phạm Phương Thảo:  Xin cám ơn chị Sáu HD. Chắc là hôm nào rảnh em sẽ ghé qua. Chuyện ăn mặc của mình thì cũng đơn giản thôi. Cũng thích dùng hàng Việt Nam. Có hôm lên ti vi mặc toàn đồ Việt Nam, đẹp lắm! Hôm tiếp bà Hilary Clinton em cũng mặc một bộ áo dài mua ở chợ Bến Thành giá 200 ngàn đẹp lắm.

Bùi Văn Tạo, 28 tuổi, Ninh Bình: Theo dõi phiên họp QH, tôi thấy bà chất vấn Phó thủ tướng, trong chất vấn của Bà, có vấn đề nào xuất phát từ kiến nghị của cử tri không?

 ĐBQH, Chủ tịch HĐND Phạm Phương Thảo: Nhìn chung, những vấn đề chất vấn tại hội trường cũng như chất vấn bằng văn bản đều xuất phát từ kiến nghị hoặc từ sự quan tâm của cử tri. Ví dụ, chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh tại Kỳ họp thứ Bảy về những tác hại của game online không chỉ là mối quan tâm của số ít mà là của rất nhiều người. Thực tế là gần đây, nhiều gia đình đã rất muốn gửi con vào các trung tâm cai nghiện game online.

Nguyễn Văn Tình, 26 tuổi, Huế: Việc lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri là quan trọng, nhưng kiến nghị của cử tri được giải quyết như thế nào - quan trọng hơn chứ không phải là nghe xong rồi thôi… Ở TP Hồ Chí Minh có xảy ra việc này không ạ?

 ĐBQH, Chủ tịch HĐND Phạm Phương Thảo: Đúng là như vậy. Vấn đề cử tri quan tâm là những phản ánh, kiến nghị của cử tri sẽ được giải quyết như thế nào. Nếu ý kiến, kiến nghị của cử tri không được giải quyết thì lần sau có thể cử tri sẽ không hào hứng gặp gỡ, phản ánh với đại biểu nữa. Tuy nhiên, không phải lúc nào và không phải mọi điều đều có thể giải quyết chóng vánh một cái rụp được. Có khi đại biểu phải tiếp tục phản ánh, kiến nghị, bởi có những vấn đề thuộc tầm quốc gia; hoặc những vấn đề ở tầm địa phương thì phải xử lý bằng những chính sách cụ thể, phải có sự chuẩn bị, có thời gian.

Trần Văn Quang, 47 tuổi, Hà Nội: Có khi nào, chị phải đối mặt với tình huống "phải quyết cho đẹp lòng nhau" chưa?

ĐBQH, Chủ tịch HĐND Phạm Phương Thảo: Rất nhiều khi tôi phải đối mặt với những vấn đề khó. Tuy nhiên, cũng phải cố gắng thể hiện chính kiến. Có những vấn đề cũng phải thẳng thắn, có những vấn đề cũng phải chờ đợi. Quyết liệt, nhưng không cực đoan. Vấn đề là hiệu quả và trên hết là phải đặt lợi ích của nhân dân lên trên.  

Lý Thanh Nguyên, 22 tuổi, Nghệ An

Cháu được biết, HĐND TP Hồ Chí Minh thường xuyên có nhiều hoạt động thiết thực nhằm lắng nghe ý kiến, kiến nghị của không chỉ cử tri mà còn cả đối với các em thiếu nhi. Vậy tại sao HĐND TP lại hướng đến các đối tượng này và HĐND TP "học" được những gì từ hoạt động đó, thưa cô?

ĐBQH, Chủ tịch HĐND Phạm Phương Thảo: Cháu hỏi hay đó. Gặp gỡ trẻ em, lắng nghe tiếng nói trẻ em cũng đọng lại nhiều điều đáng suy nghĩ. Bởi vì, tiếng nói trẻ em cũng phản ánh những vấn đề của người lớn, của xã hội, không chỉ ở địa phương mà còn ở tầm quốc gia. Ồ, các em đã phản ánh và kiến nghị những điều rất hay; như vừa qua các em đã kiến nghị nhiều điều liên quan đến xây dựng nếp sống văn minh đô thị, đến việc học hành, vui chơi... Các em nói rất ngắn, nhưng rất có nội dung, có thông điệp. Mỗi buổi gặp có thể ghi nhận 45 ý kiến, có lần 60 ý kiến, mỗi em nói 30 giây, nói một phút. Nhưng, đó là những sự đề đạt cho thấy các em mong mỏi người lớn phải làm gương, cha mẹ phải dành thời gian quan tâm đến con cái; chính quyền phải quan tâm, sắp xếp việc buôn bán ở vỉa hè (các chảo chiên thức ăn ở lề đường có thể gây nguy hiểm cho trẻ em và người lớn). Có em còn nói những câu rất triết lý (như, đừng băng qua cuộc sống quá nhanh mà bất chấp người khác, làm tổn thương đến người khác). 

Mai Phương -maiphuongmai@gmail.com

Cách đây 2 năm, cháu từng đọc được bài báo "Chủ tịch HĐND TP HCM đi xe đạp" trên báo Tuổi trẻ. Tác giả bài báo cũng là một độc giả, còn chụp lại hình ảnh của cô đang đi xe đạp bằng chính điện thoại di động của mình. Trong bài báo, anh bày tỏ thực sự ngạc nhiên và vui mừng khi chứng kiến một vị lãnh đạo TP đang làm gương tốt cho người dân trong cuộc hưởng ứng cuộc vận động đi xe buýt và xe không động cơ, chứ không hô hào nói suông. Là người Hà Nội, cháu cũng rất bất ngờ trước tình cảm mà người Sài Gòn dành cho vị lãnh đạo của mình. Ngoài việc làm trên, cô còn những lần "không nói suông" nào khác để chinh phục cử tri?

ĐBQH, Chủ tịch HĐND Phạm Phương Thảo: Cô luôn cố gắng phấn đấu để nhiều điều có thể thuyết phục bằng chính cuộc sống của mình, chính con người của mình, chứ không chỉ thuyêt phục bằng lời nói suông. Ví dụ như cố gắng đi máy bay bằng vé bình dân, không dùng ô tô công đi việc riêng, không lấy tiền ngân sách để chiêu đãi, quà cáp. Bản thân cũng tham gia nhiều hoạt động xã hội. Cô và gia đình là những người đi hiến máu nhân đạo thường xuyên. Ở TP Hồ Chí Minh có những người dân đã hiến máu hơn 100 lần, nhưng cô mới hiến được 24 lần...

Phạm Thị Trang, 56 tuổi, Quảng Trị: Trước đây, dù khi còn công tác và kể cả khi đã về hưu, tôi rất quan tâm đến hoạt động của cơ quan dân cử. Theo chị, khi hoạt động ở QH với tư cách là ĐBQH, khi về địa phương với tư cách là Chủ tịch HĐND TP có gì khác biệt?

ĐBQH, Chủ tịch HĐND Phạm Phương Thảo: Cũng khá giống nhau. Đại biểu dân cử ở địa phương thì liên quan đến nhiều việc ở địa phương. Còn làm ĐBQH thì có nhiều việc ở tầm quốc gia. Vì vậy, có rất nhiều điều, đại biểu cần có những thông tin ở tầm chuyên gia, người đại biểu sẽ thu nhận được qua các cuộc hội thảo, các chuyên đề. Vấn đề là phải cập nhật, phải tích lũy.

Cháu Thăng Long-học sinh Trường Trưng Vương, Hà Nội

Kính gửi bác Phạm Phương Thảo

Bác Thảo ơi, bác có thể gửi cho cháu một tấm ảnh của Bác mà Bác thích nhất qua mạng được không?

ĐBQH, Chủ tịch HĐND Phạm Phương Thảo: Được chứ. Nhờ cô Thu Nga chuyển giúp vậy. Tất nhiên, bác không biết có đẹp không và cũng không biết thế nào là đẹp nhất, bởi vì toàn là ảnh người khác chụp, họ bảo rằng ảnh đẹp là vì người chụp đẹp. Mà, cháu có định xem tướng bác không? Bác cũng giống như mọi người bình thường khác thôi. Cám ơn cháu.

giao-luu-15610-300-a5s.jpg

Lê Thanh 36 tuổi TP Ðà Nẵng:

Tôi là một cử tri ở TP Ðà Nẵng, tôi ủng hộ làm đường sắt cao tốc Bắc – Nam, nhưng làm thế nào để ý kiến của tôi đến với Quốc hội ?

 ĐBQH, Chủ tịch HĐND Phạm Phương Thảo: Tôi ghi nhận ý kiến của bạn và gửi đến QH.

Nguyễn Thị Minh Huyền 30 tuổi TP Hải Phòng

Thưa bà, tôi là người mẹ, tôi thấy giá sữa bán cho bà mẹ và trẻ em ở Việt Nam cao quá. Bà có cách nào kiến nghị với QH giảm giá sữa để đỡ đỡ thiệt thòi cho bà mẹ, trẻ em ?

 ĐBQH, Chủ tịch HĐND Phạm Phương Thảo: Tôi chia sẻ bức xúc của bạn và những người mẹ trẻ. Giá sữa, giá thuốc và giá một số mặt hàng là quá cao so với thực tế. Đó là điều bất hợp lý cần phải có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước hơn nữa. QH cũng đã quan tâm vấn đề này. Nhiều ĐBQH đã  phản ánh ở nghị trường đòi hỏi Chính phủ phải có biện pháp xử lý.

Kim Quy- Học viện Báo chí

Cô Thảo ơi, cô có nhiều fan hâm mộ, cô có ngại không. Cháu sợ cô mất tự do quá, ra đường muốn làm người bình thường mà không được.

Ví dụ 1: Cô muốn ăn một cây kem, cô ăn bằng cách nào? ví dụ 2: Xung quanh cô là cử tri, cô có mời họ cùng ăn không?

ĐBQH, Chủ tịch HĐND Phạm Phương Thảo: Nhiều người quan tâm thì cũng tốt, nhưng cũng có khi bất tiện đấy. Nhưng cũng không sao, bởi vì mình cũng là một người dân thôi, mình cũng sinh hoạt tự nhiên không phải lúc nào cũng quan cách. Mỗi sáng mình cũng ra đường tập thể dục, đi chợ,... Ở một phương diện nào đó, mình cũng là một người dân bình thường. Có hôm đi lại nhà bà ngoại, có một chị bán xôi ở góc đường hỏi: chị mới đến giúp việc cho bà hả? Có hôm, đã 30 Tết, sắp giao thừa rồi cũng có người điện thoại hỏi han việc này, việc kia, phỏng vấn cho số báo tân niên, mời tham dự nhiều hoạt động... Có thể nói là đầu tắt mặt tối cả năm, nhưng cũng rất vui. Lúc nào cũng phải cố gắng. Quan trọng là biết vượt lên chính mình, bởi vì nhiều người cho rằng, sự chiến thắng bản thân là vinh quang và nhân đạo nhất.

Hoàng Long- Ðại học KHXH và NV Hà Nội

Thưa cô, cô là Chủ tịch HÐND lại là phụ nữ, người mẹ, người vợ... Trong một ngày cô đóng quá nhiều vai, cô có bị lẫn vai không? Cháu tò mò thế vì mới chỉ nhìn thấy cô trên diễn đàn QH và HÐND.

ĐBQH, Chủ tịch HĐND Phạm Phương Thảo: Thì cũng phải cố gắng, nhưng không thể để lẫn và không thể để cho vai đóng mình. Về nhà cứ đóng vai lãnh đạo thì... chết. Nhưng đôi khi bị áp lực nhiều nên cũng căng thẳng. Tuy nhiên, về nhà cũng vào bếp, cũng giặt quần áo, ủi đồ, lau nhà... Có khi cũng nấu xôi, chè đem cho mọi người trong cơ quan ăn... Chuyển ton như vậy cũng giảm stress.

Phạm Thanh Nghĩa, 45 tuổi, Đồng Nai

Tại nhiều kỳ họp HĐND TP Hồ Chí Minh, có không ít Đại biểu HĐND đưa ra các hình ảnh, mô hình cụ thể dẫn chứng về vấn đề nào đó, nhất là tại các phiên chất vấn. Điều này có tính thuyết phục cao, nhưng thời gian gần đây, điều này có vẻ "nhàm"… Chủ tịch nghĩ sao về nhận định này?

ĐBQH, Chủ tịch HĐND Phạm Phương Thảo: Tại các phiên chất vấn, nhiều đại biểu HĐND TP đã mang đến những hình ảnh, mô hình để làm sinh động, có chứng cứ, có "nghị cụ". Nhiều lúc cũng làm cho hội trường quan tâm, nóng lên... Mình xem đây là sự cố gắng của đại biểu, góp phần làm sáng tỏ những vấn đề chưa có sự gặp nhau giữa đại biểu và giám đốc các sở, ngành. Đại biểu mang những cành cây bạc màu đến nghị trường để thấy môi trường đang bị tác động, mang những hình ảnh vừa mới chụp trước khi đến nghị trường cho thấy công trình chưa hoàn thành... Nó cũng chứng minh được vấn đề đặt ra. Quan trọng là các vấn đề đều phải được xem xét, giải quyết một cách chân thực, một cách xây dựng, không ai muốn làm quá lên, nóng lên không cần thiết, hoặc dồn ai đó vào chân tường để không có lối ra. Lúc nào chủ tọa Kỳ họp cũng muốn: các vấn đề đều phải có lối ra, đều phải được xử lý. Nếu dồn ai đó vào chân tường thì đại biểu HĐND và Chủ tọa cũng không thắng.

Hắc Hương- TP Vũng Tàu

Ở TP Hồ Chí Minh, chị là Chủ tịch HÐND điều hành kỳ họp, ở QH chị là đại biểu trong một Đoàn ÐBQH. Có bao giờ chị so sánh cách điều hành của Chủ tịch QH, các Phó chủ tịch QH với chị không? Chị điều hành kỳ họp mạnh ở điểm nào?

ĐBQH, Chủ tịch HĐND Phạm Phương Thảo: Ở HĐND mình luôn rút kinh nghiệm qua mỗi kỳ họp để việc điều hành ngày càng tốt hơn. Đến các kỳ họp QH mình cũng rất quan tâm để học hỏi những điều hay. Nếu bạn để ý thì thấy mình không bao giờ ngủ gật mà rất chăm chăm theo dõi để có thể tự rút ra những điều tâm đắc sao cho có sự cộng hưởng, lan tỏa.

Hoàng Hùng- 65 tuổi - Cử tri tỉnh Hòa Bình

Kính thưa Chủ tịch HÐND thành phố Hồ Chí Minh, cử tri là một khối đông đảo nhiều tầng lớp. Có người thế này, người thế khác, vì thế khi tiếp xúc cử tri thật khó. Trường hợp gặp người hung hãn gây gổ thì chị tính sao? Chủ tịch có căn cơ được nội dung một kỳ họp có bao nhiêu phần trăm công việc định sẵn, bao nhiêu phần trăm do tiếp xúc cử tri mà có không?

ĐBQH, Chủ tịch HĐND Phạm Phương Thảo: Không sao. Dù cho cử tri có là người thế này, thế khác nhưng nếu có sự chân thành thì cũng có thể có nhiều điều gặp gỡ. Tôi cũng đã từng gặp những người nóng nảy vì có nhiều bức xúc, nhưng khi đã gặp thì họ cũng có thể hạ nhiệt. Có khi họ đang la lối, nhưng khi mình đến thì lại chào hỏi vui vẻ. Ai lại có thể nổi khùng khi gặp một thái độ chân thành, thân thiện. Theo tôi, mọi điều có thể hóa giải, nếu có một sự đồng cảm chân tình. Có người lúc đầu họ vô phòng tiếp dân ngồi không chịu ra... nhưng cuối cùng mọi điều có thể chia sẻ được, hạ nhiệt được.

Minh Anh – Phú Thọ - 21 tuổi: Chị Thảo ơi, em năm nay 21 tuổi, em muốn làm đại biểu như chị có được không. Người ta bảo em hơi cứng và khô, em sợ rằng khó. Chị khuyên em đi?

ĐBQH, Chủ tịch HĐND Phạm Phương Thảo: 21 tuổi, em đã có điều kiện để ứng cử làm người đại biểu. Bản thân em tự thấy được mặt hạn chế, thì chị rất tin là sẽ có khả năng để khắc phục. Phương pháp làm việc là một trong những vấn đề quan trọng. Nếu có phương pháp mềm dẻo, phù hợp thì sẽ dễ mang lại hiệu quả. Mong rằng trong cuộc sống em sẽ trải nghiệm nhiều hơn. Bằng chính sự trải nghiệm của bản thân mình thì sẽ có sự lớn lên, có sự trưởng thành.

Thu Huong-Hải Phòng

Qua các buổi truyền hình trực tiếp phiên chất vấn của QH tôi rất ấn tượng với những câu chất vấn của chị. Nhưng tôi cũng ấn tượng không kém những trang phục nền nã, thanh lịch, thiên về màu sáng của chị. Tôi tò mò không biết chị có quan tâm tới thời trang không, chị có thể chia sẻ với phụ nữ chúng tôi về bí quyết thời trang của mình?              

ĐBQH, Chủ tịch HĐND Phạm Phương Thảo: Là phụ nữ tôi cũng quan tâm về thời trang. Nhưng tôi chọn những trang phục phù hợp với lứa tuổi, con người, tính cách... Nói chung là chọn sự giản dị, gần gũi, không quá mốt, nhưng không quá lỗi thời. Miễn sao mình thấy được và người khác cũng thấy được và không để mất nhiều thời gian cho việc trang điểm và ăn mặc. Có người bảo trang điểm 3 phút thành hề, mình cũng nhiều khi trang điểm gần tới 3 phút...

Lê Thắng - Bảo Lộc, Lâm Ðồng- thelang623@yahoo.com

Thưa bà Phạm Phương Thảo, "Quyền phúc quyết của người dân" đã được nêu ra trong Hiến pháp 1946; Hiến pháp 1980, và gần đây nhất là Hiến pháp 1992 có đề cập đến vấn đề "trưng cầu dân ý" nhưng gần như chúng ta chưa bao giời "trưng cầu dân ý" một vấn đề nào cả. Hoàn toàn do Ðảng, Chính phủ, Quốc hội quyết hết. Thậm chí cho đến nay rất nhiều luật đã ban hành mà cũng chưa có "Luật trưng cầu dân ý". Ví dụ: việc xây dựng đường sắt cao tốc gần 56 tỷ USD, chúng ta vay hàng chục tỷ USD từ ODA; thành công hay thất bại chưa biết, nhưng có một điều chắc chắn là những người dân thường và con cháu họ phải trả nợ số tiền đó. Là ĐBQH, đại biểu nhân dân Bà nghĩ sao về vấn đề này? Xin trân trọng cảm ơn Bà!

ĐBQH, Chủ tịch HĐND Phạm Phương Thảo: Cũng có nhiều vấn đề đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Nhưng, có khi chưa rộng và thời gian quá ngắn. Do vậy, tôi nghĩ rằng, cần phải tổ chức nhiều hơn, nhất là những vấn đề lớn được người dân quan tâm và cố gắng nghe nhiều ý kiến phản biện. Tôi được biết dự án Luật Trưng cầu dân ý đã đưa vào Chương trình làm luật. Về các dự án có vay từ nguồn ODA cần phải cân nhắc. Vấn đề là dự án có mang lại hiệu quả không? Phương án trả nợ? ... Một nước như nước ta muốn phát triển thì cũng phải vay nhưng phải tính việc trả nợ sao cho khả thi.

Quốc An: Chị có bao giờ bị anh nhà phàn nàn là tham công tiếc việc không dành thời gian cho gia đình? Nếu anh đề nghị cả gia đình đi nghỉ mát 1 tuần chị có đi  không ?

ĐBQH, Chủ tịch HĐND Phạm Phương Thảo: Rất may, ông xã và các con tôi trong gia đình đều có thể thông cảm và chia sẻ. Ai cũng xắn tay làm công việc nhà, chứ không ỷ lại. Hình như là gia đình mình chưa đi được chuyến nào cả tuần cả. Có đi cũng rất ngắn, thường là loanh quanh trong thành phố.

Ðức Bảo - Hàng Trống Hà Nội

Thưa Chủ tịch, niềm vui lớn nhất theo chị khi làm đại biểu là gì? 

ĐBQH, Chủ tịch HĐND Phạm Phương Thảo: Là được cử tri hài lòng và cảm thấy thân thiện, gần gũi. Là cùng nhau mang đến không khí dân chủ, thúc đẩy thực tiễn phát triển. Người đại biểu suy cho cùng cũng là người được ủy quyền. Và người được ủy quyền được người chủ hài lòng có lẽ là niềm vui lớn nhất.

Nguyễn Huỳnh- TP Hồ Chí Minh

ÐB dân cử và cử tri cùng chiến thắng mọi trở ngại trong đời sống có phải là liệu pháp của chúng ta không? Thưa chị, tôi mơ ước một ngày chị và mọi người dân TP chỉ nói chuyện vui vẻ?

 ĐBQH, Chủ tịch HĐND Phạm Phương Thảo: Còn gì vui bằng khi đại biểu và cử tri cùng có những suy nghĩ và hành động làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Như vậy thì chúng ta có thể làm được rất nhiều điều, vượt qua rất nhiều việc khó. Điều mơ ước của bạn giản dị, nhưng cuộc sống có khi cũng không chỉ có toàn chuyện vui. Quan trọng là mình cùng nhau làm cho cuộc sống vui hơn, làm cho tương lai, cho những người trẻ cảm thấy có niềm tin.

Các chiến sỹ ở Huyện đảo Trường Sa: Chúng tôi tin tưởng ở chị, chị hãy là người đại biểu mà chúng tôi yêu quý. Chúc chị mạnh giỏi.

ĐBQH, Chủ tịch HĐND Phạm Phương Thảo: Mình cũng rất tin tưởng và tự hào về các bạn - những chiến sỹ Trường Sa. Mình cũng đã đi Trường Sa năm 2008, mình rất xúc động, có bạn đã nói:  xin Cô cho con ôm Cô một chút để con đỡ nhớ Mẹ. Hình ảnh và sự hy sinh của các bạn luôn giúp mình có thêm nghị lực trong cuộc sống và trong công việc. Mình luôn tự nghĩ sẽ cố gắng xứng đáng với sự yêu quý của các bạn. Chúc các bạn luôn là người chiến thắng!

Hoàng Thanh Mỹ, 50 tuổi, Quảng Bình

Nhiều đại biểu thường nói, tôi vẫn còn nợ cử tri, vậy chị có nợ gì cử tri không? 

ĐBQH, Chủ tịch HĐND Phạm Phương Thảo: Có. Biết làm sao được. Chỉ biết là cố gắng làm hết sức mình. Đừng có để nợ tiền thôi, còn nợ tình và nợ công việc thì chắc còn nhiều.

ĐBND: Chị có gửi lời chào tạm biệt đến cử tri?

Chủ tịch Phạm Phương Thảo: Không. Tôi không nói lời từ biệt. Vì mối quan hệ đại biểu và cử tri là mối quan hệ máu thịt, lúc nào cũng có nhau, cũng bền chặt, cũng thấu tình đạt lý, không chỉ ở những cuộc gặp gỡ trực tiếp. Trong suy nghĩ, trong hành động, đại biểu và cử tri luôn có nhau.