Căng thẳng Ấn Độ - Pakistan

Mồi lửa ở Kashmir

- Thứ Bảy, 10/08/2019, 08:02 - Chia sẻ
Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan gia tăng trở lại sau khi New Delhi hủy bỏ quy chế đặc biệt đối với phần lãnh thổ do nước này kiểm soát tại khu vực tranh chấp Kashmir. Giới quan sát lo ngại, “mồi lửa” này có thể thổi bùng xung đột giữa hai nước láng giềng Nam Á.

Căng thẳng gia tăng

Ngày 7.8, Pakistan đã giáng cấp quan hệ ngoại giao với Ấn Độ, nhằm phản đối New Delhi hủy bỏ quy chế đặc biệt đối với phần lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát tại Kashmir, khu vực tranh chấp giữa hai nước suốt 7 thập kỷ qua. Trong tuyên bố đăng trên mạng xã hội Twitter, Chính phủ Pakistan cho biết cũng sẽ đình chỉ thương mại song phương với Ấn Độ, xem xét lại các thỏa thuận song phương đã ký và đưa vấn đề Kashmir lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ). Các nguồn tin địa phương cho hay, Pakistan đang lên kế hoạch đóng cửa không phận đối với các chuyến bay của Ấn Độ như một phần biện pháp trả đũa.

Phản ứng trên được Islamabad được đưa ra sau khi New Delhi có động thái gây tranh cãi, bãi bỏ Điều 370 Hiến pháp Ấn Độ về quy chế đặc biệt về quyền bán tự trị đối với bang Jammu và Kashmir. Cả Ấn Độ và Pakistan đều tuyên bố chủ quyền đối với toàn khu vực Kashmir, nằm ở cực bắc Tiểu lục địa Ấn Độ, với đa số người theo đạo Hồi sinh sống. Khu vực này hiện được chia thành hai phần, do mỗi bên quản lý. Tên gọi Kashmir trước kia chỉ thung lũng Kashmir nằm giữa hai dãy núi Himalaya và Pir Palja. Ngày nay, địa danh này biểu thị một khu vực lớn hơn, bao gồm các vùng lãnh thổ do Ấn Độ quản lý gồm Jammu và Kashmir (trong đó có Jammu, thung lũng Kashmir và Ladakh); các vùng lãnh thổ do Pakistan quản lý gồm Azad Kashmir và Gilgit-Baltistan; khu vực do Trung Quốc quản lý: Aksai Chin và Trans-Karakoram Tract.


Biểu tình phản đối Ấn Độ ở Kashmir

Ấn Độ và Pakistan từng đối đầu nhau trong hai cuộc chiến liên quan đến tranh chấp Kashmir. Năm 1949 - 1972, hai bên nhất trí về Đường Kiểm soát, ranh giới phân chia Ấn Độ và Pakistan ở khu vực khống chế thực tế Kashmir, ngoại trừ Siachen Glacier. Trong khi đó, New Delhi vẫn cáo buộc Islamabad hậu thuẫn và cấp vũ trang cho các nhóm nổi dậy chống Ấn Độ ở Kashmir, bất kể Pakistan phủ nhận.

Thời gian qua, mối bất hòa giữa Ấn Độ - Pakistan vẫn âm ỉ liên quan đến tranh chấp Kashmir. Bất kể thỏa thuận đạt được giữa hai nước năm 2003 về tuân thủ lệnh ngừng bắn, các vụ nã đạn pháo và giao tranh vẫn xảy ra giữa các binh sĩ Ấn Độ - Pakistan tại ranh giới phân chia khu vực Kashmir. Tuy nhiên, bước đi mới nhất của New Delhi có tác động mạnh mẽ tới khu tranh chấp giữa Ấn Độ - Pakistan trong gần 7 thập kỷ qua. Giới quan sát lo ngại, bất kỳ tính toán sai lầm nào cũng đẩy hai quốc gia láng giềng đều sở hữu vũ khí hạt nhân này đến một cuộc chiến tranh toàn diện. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 6.8 đã bày tỏ lo ngại về căng thẳng giữa hai nước, đồng thời hối thúc Ấn Độ và Pakistan kiềm chế. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết đang theo dõi chặt chẽ diễn biến và hối thúc các bên cần kiềm chế, duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực dọc Đường kiểm soát giữa Ấn Độ - Pakistan.

Toan tính của New Delhi

Việc hủy bỏ Điều khoản 370 Hiến pháp đồng nghĩa với bãi bỏ quy chế đặc biệt đối với bang Jammu và Kashmir. Điều khoản này cho phép Jammu và Kashmir có Hiến pháp và lá cờ riêng, quyền tự trị trong quản trị nội bang, từ quyết định mọi vấn đề từ đối ngoại, quốc phòng đến truyền thông. Cùng với Điều 35A, Điều 370 Hiến pháp Ấn Độ còn cấm công dân Ấn Độ sống ở những bang khác mua đất hay bất động sản ở Jammu và Kashmir. Trước đó, hai viện Quốc hội Ấn Độ đã thông qua nghị quyết về tái tổ chức bang Jammu và Kashmir, trong đó đề xuất tách bang này thành các vùng lãnh thổ liên bang là Jammu, Kashmir và Ladakh, nhằm dọn đường cho chính quyền trung ước Ấn Độ trực tiếp kiểm soát khu vực tranh chấp với Pakistan.

Ấn Độ cho rằng, quy chế đặc biệt làm cản trở sự phát triển của Kashmir và muốn hội nhập toàn bộ khu vực này với phần còn lại của Ấn Độ. Tuy nhiên, quyết định của Ấn Độ làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong dân chúng Kashmir vì cho rằng New Delhi muốn kiếm soát khu vực. Một số cuộc đụng độ lẻ tẻ giữa người biểu tình phản đối Ấn Độ và binh lính bán quân sự ở Kashmir xảy ra ngày 7.8, bất kể lệnh giới nghiêm được ban bố và số lượng lớn binh sĩ Ấn Độ được triển khai trong khu vực. Hãng tin CBS News dẫn lời Shah Faesal, một chính trị gia ở Kashmir cho biết, Kashmir đang trải qua cuộc phong tỏa chưa từng có. Với các lệnh hạn chế tụ tập đông người và biện pháp an ninh được thắt chặt, đường phố ở Srinagar thuộc Thung lũng Kashmir thuộc Ấn Độ gần như không một bóng người. Cư dân tại đây đang vẫn trong tình trạng bị kiểm soát an ninh gắt gao. Điện thoại, internet đều bị cắt. Giới quan sát cho rằng, một khi các đặc quyền dành cho cư dân ở Kashmir bị xóa bỏ, như quyền về đất đai, việc làm, thì cuộc chiến đòi ly khai sẽ trở nên dữ dội hơn.

Sau khi bãi bỏ cơ chế đặc biệt đối với phần lãnh thổ do New Delhi kiểm soát tại Kashmir, Ấn Độ đã triển khai thêm ít nhất 8.000 binh sĩ bán vũ trang từ nhiều địa phương trên cả nước đến thung lũng Kashmir, nâng số binh sĩ bán vũ trang đồn trú tại đây lên hơn 43.000 người, đồng thời đặt các lực lượng Lục quân và Không quân trong tình trạng báo động cáo. Theo một số nguồn tin, Chính phủ Ấn Độ thông báo cho du khách lập tức rời khỏi khu vực Kashmir và điều động thêm hàng nghìn binh sĩ đến khu vực.

Ngọc Khánh