Mỗi kỳ chất vấn đều cho chúng ta hy vọng...

- Thứ Ba, 10/06/2014, 11:30 - Chia sẻ
Mỗi một kỳ chất vấn đều cho chúng ta hy vọng, hy vọng qua đó có thể hiểu rõ hơn thực trạng của vấn đề đang quan tâm, đồng thời hy vọng ở quyết định và cách thức mà các vị Bộ trưởng, Tư lệnh ngành sẽ làm để khắc phục những yếu kém trong ngành phụ trách. Cho nên có thể nói mỗi một kỳ chất vấn là một kỳ cử tri kỳ vọng những điều tốt đẹp hơn ở phía trước, còn đáp ứng được hay không thì phụ thuộc vào các Bộ trưởng sau khi trả lời chất vấn phải có những hàng động cụ thể như thế nào. Phó chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Lê Minh Thông chia sẻ như vậy trước phiên họp chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền: Làm thế nào để đồng tiền bát gạo chúng ta chi ra bảo đảm hiệu quả đầu tư công

Tại phiên chất vấn lần này, tôi quan tâm đến vấn đề trả lời chất vấn của Tổng Thanh tra Chính phủ liên quan đến việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân; đặc biệt vấn đề tố cáo giải quyết khiếu nại tố cáo đông người kéo dài dai dẳng, những vấn đề trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân. Ngày 1/7 tới đây, Luật Tiếp công dân sẽ có hiệu lực. Tôi nghĩ đây là vấn đề rất quan trọng đối với trách nhiệm của Tổng Thanh tra Chính phủ giúp cho Chính phủ trong việc chỉ đạo điều hành những vấn đề liên quan đến các cấp, ngành trong việc triển khai Luật Tiếp công dân như thế nào trong thực tế.

Về Bộ Tư pháp, tôi nghĩ còn vấn đề quan trọng đó là liên quan đến thi hành án dân sự. Chúng ta có Tổng cục Thi hành án dân sự, trong thời gian qua, việc thi hành án dân sự đang gặp nhiều bất cập, đặc biệt án đã tuyên nhưng rất khó thi hành án. Tôi nghĩ rằng Bộ Tư pháp cũng sẽ có trách nhiệm giải trình trước QH về nguyên nhân để xảy ra tình trạng này và những giải pháp khắc phục để thực hiện có hiệu quả. Bên cạnh đó, còn nhiều vấn đề liên quan đến kinh tế - xã hội mà ĐBQH rất quan tâm chất vấn. Tuy thời gian không nhiều nhưng một vấn đề quan trọng mà ĐBQH rất mong muốn là Thủ tướng hoặc Phó thủ tướng có thể giải trình trước QH để làm rõ thêm vấn đề phối hợp trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc giải quyết cơ chế chính sách. Cùng với đó, phải đề cao trách nhiệm và tâm huyết của các Bộ trưởng, trưởng ngành làm thế nào để phối hợp trong lĩnh vực của mình, cùng với các bộ khác giải quyết thấu đáo những vấn đề mà cử tri và ĐBQH kiến nghị.

Đối với Bộ Tài chính, vấn đề quan trọng là chi ngân sách phải phát huy hiệu quả trong cuộc sống. Tôi nhấn mạnh rằng, làm thế nào để đồng tiền bát gạo chúng ta chi ra phải bảo đảm hiệu quả đầu tư công. Trong tất cả các khoản chi đó phải tính khoản chi nào là ưu tiên trước mắt để chúng ta đầu tư. Ví dụ, trong kỳ họp này QH biểu quyết thông qua gói 16.000 tỷ để chi hỗ trợ ngư dân và các cơ quan chấp pháp trên biển. Đây là khoản phải ưu tiên trước mắt để tập trung thực hiện nhiệm vụ cấp bách. Do vậy, Bộ Tài chính cần linh hoạt hơn song cũng phải tập trung khoản chi nào ưu tiên để đáp ứng yêu cầu trong cuộc sống, phát triển đất nước. Tuy lần đầu tiên Bộ Tài chính đăng đàn trước QH nhưng với những việc Bộ trưởng đã làm tôi tin Bộ trưởng sẽ trả lời tốt những vấn đề đó.
 
Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Lê Minh Thông: Lĩnh vực giáo dục và đào tạo còn rất nhiều vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm
 
Trong những vấn đề được chất vấn lần này, tôi đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Bởi trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo có rất nhiều vấn đề mà các đại biểu, cũng như cử tri rất quan tâm, đặc biệt là việc đổi mới cơ bản nền giáo dục của nước ta. Bên cạnh đó còn có rất nhiều vấn đề liên quan đòi hỏi ngành giáo dục và đào tạo cần chủ động hơn nữa, tích cực hơn nữa trong việc xây dựng đề án đổi mới thiết thực, cụ thể, sát với thực tế của Việt Nam để tạo ra sự đột phá trong giáo dục và đào tạo. Hiện nay, chúng ta đào tạo rất nhiều nhưng số lượng sau khi được đào tạo không tìm được việc làm cũng chiếm một tỷ lệ không nhỏ; hay vấn đề thành tích, tiêu cực trong giáo dục và đào tạo cũng là vấn đề được nói nhiều nhưng làm chẳng được bao nhiêu; rồi vấn đề liên quan đến đổi mới chương trình giảm tải cho học sinh, chương trình học quá nặng, học ở trường, ở nhà, học thêm, học đủ thứ, không còn thời gian để vui chơi đã dẫn đến các em học sinh gần như mất hết tuổi thơ. Đây là những vấn đề mà cử tri và đại biểu rất quan tâm, đào tạo là rất quan trọng nhưng bên cạnh trí tuệ cũng cần phải bồi dưỡng cảm xúc, hiểu biết thẩm mỹ, có khả năng ứng phó với quá trình biến đổi và tính phức tạp của cuộc sống.

Mỗi một kỳ chất vấn đều cho chúng ta hy vọng, hy vọng qua đó có thể hiểu rõ hơn thực trạng của vấn đề đang quan tâm, đồng thời hy vọng ở quyết định và cách thức mà các vị Bộ trưởng, Tư lệnh ngành sẽ làm để khắc phục những yếu kém trong ngành phụ trách. Cho nên có thể nói mỗi một kỳ chất vấn là một kỳ cử tri kỳ vọng những điều tốt đẹp hơn ở phía trước, còn đáp ứng được hay không thì phụ thuộc vào các Bộ trưởng sau khi trả lời chất vấn phải có những hàng động cụ thể như thế nào.

ĐBQH Bùi Thị An (Hà Nội): Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chọn vấn đề nào làm khâu đột phá để cải cách cơ bản và toàn diện giáo dục?

Đất nước muốn phát triển bền vững thì phải bắt đầu từ nguồn lực. Bên cạnh yếu tố xã hội, gia đình thì chất lượng nguồn lực lại phụ thuộc rất nhiều vào giáo dục. Vậy làm sao để thực hiện được đúng yêu cầu cải cách cơ bản và toàn diện giáo dục và làm thế nào để không lãng phí thời gian, tiền bạc của người dân, để đạt được hiệu quả như mong muốn. Tôi cho đây là vấn đề rất quan trọng. Vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chọn cái gì làm khâu đột phá, chọn như thế nào, lộ trình ra sao?

Vấn đề nổi cộm mà các ĐBQH sẽ đặt vấn đề rất nhiều, đó là liên quan đến vấn đề đổi mới sách giáo khoa, đánh giá tác động như thế nào khi chúng ta dự kiến một khoản chi rất lớn để thực thi nhiệm vụ này. Với điều kiện hiện nay thì phải tính như thế nào cho hợp lý. Việc đổi mới phải tiếp cận theo lộ trình chứ không thể đổi mới một cách nôn nóng. Phải tính toán đồng tiền của người dân bỏ ra để đổi mới cải cách giáo dục phải đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Nội dung sách giáo khoa phải lược bỏ tối đa những nội dung không cần thiết. Lược bỏ ở đây không phải là lược bỏ cái khó mà bỏ những cái không cần thiết, giữ lại những cái cần thiết, thậm chí có thể chỉ bằng một nửa hiện nay. Đó là những cái tối cần cho sự phát triển trí tuệ của trẻ em. Chỉ những người có tầm nhìn xa trông rộng mới lựa chọn được chứ như bây giờ thì tôi thấy vẫn còn rất lúng túng. 

Lê Hoa- Thanh Tú ghi