Tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng

Mới có 50% bộ, ngành, địa phương ban hành

- Thứ Sáu, 17/05/2019, 08:00 - Chia sẻ
Ngày 16.5, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá việc thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Đến nay, mới có 50% bộ, ngành, địa phương ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng (diện tích trụ sở, công trình sự nghiệp, máy móc, thiết bị), dù hạn chót là ngày 31.7.2018. Vì sự chậm trễ này, nhiều đơn vị không thực hiện được việc đầu tư, mua sắm, thuê, giao, điều chuyển, bán đối với tài sản công.

Chỉ còn “nợ” Nghị định BT

Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực từ ngày 1.1.2018. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, triển khai Luật này, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng ban hành 14 nghị định, 3 quyết định. Trên cơ sở đó, Bộ đã ban hành 8 thông tư hướng dẫn. “Ngoại trừ nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho các hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), Chính phủ đang xem xét để ban hành trong tháng 5 này, đến nay, tất cả văn bản hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã được ban hành đầy đủ và tương đối đồng bộ”, ông Hà cho hay.

Cũng theo đánh giá của Thứ trưởng Trần Xuân Hà, “việc quản lý tài sản công theo luật mới đã được thực hiện một cách nghiêm túc và có hiệu quả, bước đầu đạt được nhiều kết quả quan trọng”. Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, đã có 11 bộ, ngành và 62 địa phương ban hành văn bản về phân cấp thẩm quyền trong việc quản lý, sử dụng tài sản công. Vì vậy, việc quyết định trong quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công được thông suốt, tạo sự chủ động cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Cùng với đó, có 6 bộ, ngành và 15 địa phương ban hành quy định về phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dùng; 3 bộ, ngành và 5 địa phương ban hành quy định về phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức công trình sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý.


Việc chậm hướng dẫn tiêu chuẩn, định mức trong lĩnh vực y tế, giáo dục gây nhiều khó khăn cho các đơn vị, địa phương

Chậm ban hành tiêu chuẩn, định mức

Sau một năm thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, có 31/35 bộ, ngành và 62 địa phương thực hiện cập nhật, chuẩn hóa dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công. Có 19 bộ, ngành và 34 địa phương thực hiện phân cấp đăng nhập dữ liệu về tài sản công vào Phần mềm quản lý đăng ký tài sản nhà nước; 34 địa phương thực hiện phân cấp đăng nhập dữ liệu về tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ vào Phần mềm quản lý đăng ký tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Có 21 bộ, ngành và 35 địa phương có sử dụng các phần mềm khác (ngoài Phần mềm Quản lý đăng ký tài sản nhà nước) để quản lý tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Theo quy định, các bộ, ngành, địa phương phải ban hành quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng trước ngày 31.7.2018. Tuy nhiên, đến nay mới có 12 bộ, ngành và 32 địa phương ban hành tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dùng cho các đơn vị thuộc phạm vi quản lý.  Cũng mới chỉ có 2 bộ, ngành  và 5 địa phương ban hành tiêu chuẩn, định mức diện tích trụ sở làm việc chuyên dùng, công trình sự nghiệp trong cơ sở hoạt động sự nghiệp.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, tiến độ ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng còn chậm đã ảnh hưởng tới việc đầu tư xây dựng, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo và xử lý tài sản. Nguyên nhân chủ yếu là do một số bộ như: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động, Thương binh và Xã hội chưa ban hành quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo nên các bộ, ngành, địa phương không có cơ sở để xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, định mức cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý. Ngoài ra, do số lượng máy móc, thiết bị chuyên dùng, diện tích trụ sở chuyên dùng, diện tích công trình sự nghiệp nhiều, chủng loại đa dạng, mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu khác nhau nên việc tổng hợp, xây dựng tiêu chuẩn, định mức chưa được kịp thời.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẩn trương ban hành các văn bản chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng để các địa phương làm cơ sở thực hiện. Trong một số trường hợp chưa ban hành quy định về phân cấp quản lý tài sản công hoặc chưa ban hành quy định về tài sản có giá trị lớn để phân định thẩm quyền phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý vào mục đích kinh doanh, cho thuê, thì bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm phê duyệt.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho rằng, cần phân cấp mạnh hơn nữa, tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương có thẩm quyền quyết định phương án xử lý, sắp xếp tài sản công của bộ, ngành, địa phương mình, kể cả việc quyết định hình thức bán đấu giá tài sản trên đất để nộp vào ngân sách nhà nước. Một số quy định (cấp nghị định) cần làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh cũng như đối tượng áp dụng, đặc biệt là việc sắp xếp lại các cơ sở nhà, đất thuộc doanh nghiệp nhà nước 100% do Nhà nước sở hữu cũng như trên 50% vốn của Nhà nước. Trong đó, mô hình các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chuyển sang mô hình công ty mẹ, công ty con cũng cần hướng dẫn cụ thể để thực hiện. Việc sắp xếp cơ sở nhà, đất của các cơ quan hành chính sự nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công cần đẩy nhanh tiến độ hơn nữa, đồng thời có biện pháp quản lý và giám sát chặt chẽ để sử dụng tài sản công đúng mục đích, có hiệu quả tài sản của Nhà nước. 

Hà Lan