“Mỗi bệnh nhân là một người thầy”

- Thứ Hai, 25/05/2020, 21:14 - Chia sẻ
Là nhà khoa học nữ duy nhất vinh dự nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020, PGS.TS. VƯƠNG THỊ NGỌC LAN, Trưởng Bộ môn Phụ sản, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh - đã chia sẻ câu chuyện "mỗi bệnh nhân là một người thầy", người bệnh đã dạy chúng tôi những “bài học lớn”. Họ chính là động lực cho chúng tôi nghiên cứu để có những giải pháp mới trong khám, điều trị.

- Được vinh danh ở hạng mục chính của Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020 với công trình nghiên cứu “So sánh việc chuyển phôi trữ với chuyển phôi tươi ở các phụ nữ không có hội chứng buồng trứng đa nang thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm”, bà có thể chia sẻ thêm về ý tưởng thực hiện công trình này?

- Từ câu hỏi phương pháp chuyển phôi tươi hay phôi đông lạnh có hiệu quả hơn, năm 2014 nhóm nghiên cứu đã hình thành ý tưởng nghiên cứu.

Nhóm nghiên cứu gồm tôi - nghiên cứu viên chính và các thành viên của Bệnh viện Mỹ Đức TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ và Đại học Adelaide (Australia). Các nghiên cứu viên Việt Nam giữ vai trò chính trong xây dựng đề cương nghiên cứu. Sau đó, nhóm nghiên cứu tham khảo ý kiến về phương pháp nghiên cứu của 2 giáo sư chuyên ngành là Giáo sư Ben W.Mol và Giáo sư Robert J.Norman ở Đại học Adelaide, Australia. Việc bắt đầu tiến hành thu thập dữ liệu cho nghiên cứu được thực hiện từ giữa năm 2015, tại Bệnh viện Mỹ Đức TP Hồ Chí Minh.

Thực tế, việc thu thập và theo dõi dữ liệu cho đến kết quả sản khoa và trẻ sơ sinh của một số lượng lớn phụ nữ điều trị (782 người) hết sức công phu và khó khăn. Trong quá trình thực hiện, dữ liệu nghiên cứu được kiểm tra và giám sát bởi một Ủy ban Giám sát dữ liệu độc lập gồm 3 giáo sư uy tín trên thế giới.

Công trình nghiên cứu của chúng tôi là công trình đầu tiên trên thế giới chứng minh việc chuyển phôi đông lạnh có hiệu quả tương đương với chuyển phôi tươi trên bệnh nhân thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm mà không bị hội chứng buồng trứng đa nang. Thời gian đầu thực hiện kỹ thuật này, tỷ lệ thành công thấp và chỉ thực hiện được kỹ thuật cơ bản nhất. Trong khi đó, nhu cầu và mong đợi của bệnh nhân lớn nên nhiều năm qua, tôi và các cộng sự quyết tâm nghiên cứu để tăng cơ hội thành công trong điều trị, thực hiện được nhiều kỹ thuật điều trị khác nhau nhằm giảm chi phí, tăng khả năng tiếp cận của bệnh nhân.

Chúng tôi thấy rằng hai phương pháp đều cho các giá trị tương đương. Điều này có ý nghĩa rằng, chúng ta có thể giảm số phôi chuyển vào để hạn chế kính ứng buồng chứng của bệnh nhân, giúp tránh tình trạng đa thai. Điều thứ 2, chúng ta không phải chuyển phôi đông lạnh tất cả các bệnh nhân, vì điều này khiến kéo dài thời gian điều trị và tốn kém chi phí hơn cho bệnh nhân.


PGS. TS. Vương Thị Ngọc Lan

- Ý nghĩa của công trình nghiên cứu là gì, thưa bà?

- Nghiên cứu góp phần giải quyết vấn đề thời sự và tranh luận trong ngành hỗ trợ sinh sản. Kết quả nghiên cứu đã góp phần làm thay đổi thực hành trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản trên thế giới và ở Việt Nam. Hiện nay, mỗi năm trên thế giới có hơn 2 triệu trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON). Riêng ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng hơn 30 nghìn cặp vợ chồng thực hiện TTTON và gần 40 nghìn trường hợp chuyển phôi đông lạnh.

Ý nghĩa khoa học của nghiên cứu tập trung vào 4 điểm chính. Thứ nhất: Nghiên cứu chứng minh được chuyển phôi đông lạnh hiệu quả và an toàn như chuyển phôi tươi, do đó, các cặp vợ chồng điều trị TTTON không cần chuyển nhiều phôi tươi một lúc mà có thể giảm số phôi chuyển xuống, số còn dư được đông lạnh để sử dụng sau đó, tránh việc phải kích thích buồng trứng trở lại nếu thất bại. Thứ hai: Trữ phôi và giảm số phôi chuyển vào buồng tử cung, giúp giảm tỉ lệ đa thai, từ đó, hạn chế các biến chứng thai kỳ cho mẹ và con, cải thiện sức khỏe của trẻ sinh ra từ TTTON. Thứ ba: Các phụ nữ điều trị TTTON có nguy cơ quá kích buồng trứng, có thể thực hiện đông lạnh phôi toàn bộ, sau đó thực hiện chuyển phôi rã đông, sẽ giúp giảm biến chứng quá kích buồng trứng. Thứ tư: Cả 2 phương pháp chuyển phôi đều hiệu quả như nhau, do đó, các bác sĩ không nên chuyển sang thực hiện chuyển phôi đông lạnh cho tất cả bệnh nhân vì sẽ làm kéo dài thời gian từ lúc bắt đầu điều trị đến có thai và tăng chi phí của bệnh nhân.


PGS. TS. Vương Thị Ngọc Lan - nhà khoa học nữ duy nhất nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020.

- Là nhà khoa học nữ thứ hai của Việt Nam được trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu, cảm xúc của bà như thế nào?

- Việc nhận được Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020 là việc vô cùng tự hào đối với đội ngũ làm nghiên cứu khoa học như chúng tôi. Tuy nhiên, bên cạnh sự vinh dự, tự hào đó chúng tôi cũng nhận thấy trách nhiệm của mình là làm thế nào để tiếp tục thúc đẩy cho các nhà nghiên cứu có nghiều công trình có ý nghĩa hơn đối với xã hội.

- Ở góc độ khoa học, bà có khuyến nghị gì để thúc đẩy việc nghiên cứu khoa học, công nghệ ở Việt Nam?

- Tôi thấy rằng trong những năm vừa qua Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) và Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Nafosted) đã có những sự quan tâm nhất định đến đội ngũ những nhà khoa học Việt. Trước đây thực sự để tiến hành nghiên cứu khoa học để có được kinh phí là rất khó khăn. Tuy nhiên, hiện nay việc tiếp cận kinh phí từ Quỹ này đã dễ dàng hơn rất nhiều. Chúng tôi nhận được sự quan tâm, hỗ trợ cho những công trình nghiên cứu của mình.

Tôi nghĩ rằng, Bộ KH và CN đã "nhìn" ra được chính sách và các quỹ đã hỗ trợ tích cực cho các nhà khoa học. Tuy nhiên, nếu chúng ta có nhiều nguồn kinh phí để hỗ trợ thêm nhiều hơn nữa các công trình nghiên cứu thì phong trào nghiên cứu của các khoa học sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ, hiệu quả hơn. Các lĩnh vực nghiên cứu cũng sẽ đa dạng và lan rộng hơn, chất lượng các công trình cũng sẽ được nâng cao, đưa tầm  nghiên cứu khoa học của Việt Nam, đặc biệt là các đưa các trường đại học của Việt Nam xếp hạng ngày càng cao hơn trên bảng xếp hạng của thế giới. Mặt khác, các công trình khoa học này cũng sẽ được phát triển phục vụ được nhiều hơn cho người dân và ứng dụng hiệu quả hơn vào cuộc sống.


PGS. TS. Vương Thị Ngọc Lan

- Hiện nay, khó khăn lớn nhất khó khăn nhất đối với các nhà khoa học Việt Nam là gì, thưa bà?

- Tôi cho rằng hiện có hai khó khăn lớn nhất đối với các nhà khoa học Việt. Khó khăn thứ nhất thuộc về vấn đề chính sách. Khó khăn thứ hai thuộc về cá nhân mỗi cá nhân làm khoa học.

Đối với khó khăn về chính sách, các nhà nghiên cứu sẽ phải đối mặt với việc làm thế nào để có nguồn kinh phí cho những nghiên cứu dài hơn và đạt được kết quả tốt nhất. Bởi vì, các công trình nghiên cứu phải có chất lượng thì việc công bố mới có giá trị.

Khó khăn thứ 2 thuộc về cá nhân các nhà khoa học, trong đó, thời gian dành cho nghiên cứu là khó khăn lớn. Bởi những nhà nghiên cứu khoa học như chúng tôi ngoài việc nghiên cứu còn có công việc chuyên môn. Riêng cá nhân tôi là bác sỹ, ngoài việc nghiên cứu khoa học tôi còn phải khám, điều trị cho các bệnh nhân và dạy sinh viên. Các thầy cô khác ở các trường đại học cũng phải giảng dạy, đồng thời còn phải chia sẻ thời gian cho nhiều mối quan tâm khác.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020 cho PGS. TS Vương Thị Ngọc Lan

- Bà có thể chia sẻ về hướng nghiên cứu, dự định của bà và các cộng sự trong thời gian tới?

- Hiện nay, tôi cùng cộng sự đang có 4 chùm đề tài nghiên cứu chính là tiếp tục các vấn đề liên quan đến chuyển phôi; kỹ thuật trưởng thành noãn non trong ống nghiệm; so sánh kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm cổ điển và tiêm tinh trùng vào bào tương noãn; sự phát triển thể chất - tâm thần - vận động của các trẻ sinh ra từ các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

- Bà có nhắn nhủ gì với các nhà khoa học trẻ Việt Nam?

- Tôi hy vọng mỗi bạn sinh viên, nhà nghiên cứu hãy coi nghiên cứu khoa học như một phần cuộc sống và là việc làm hàng ngày… Công trình nghiên cứu khoa học phải hiệu quả và có ý nghĩa thực tiễn. Nghiên cứu xong không phải để cất trong ngăn bàn mà phải ứng dụng được vào cuộc sống, giúp ích cho xã hội.

- Xin cảm ơn bà!

PGS.TS. Vương Thị Ngọc Lan lâu nay được biết đến là một chuyên gia hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực thụ tinh trong ống nghiệm. Bà đã giúp 10 nghìn trẻ ra đời bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm. Với nhiều thành quả trong nghiên cứu khoa học, bà vinh dự được nhận nhiều giải thưởng, danh hiệu cao quý như Giải thưởng Kovalevskaya 1998 (tập thể) về công trình thụ tinh ống nghiệm đầu tiên tại Việt Nam; Giải thưởng Nhà nước 2005 (tập thể); Bằng khen của Bộ Y tế về nghiên cứu khoa học năm 2018; là một trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam 2017 do Tạp chí Forbes bình chọn.

Đức Hiệp thực hiện