Sổ tay

Mổ xẻ “hội chứng” đội vốn!

- Thứ Ba, 15/10/2019, 07:55 - Chia sẻ
Tình trạng đội vốn của các dự án đầu tư công cần phải mổ xẻ và đánh giá một cách nghiêm túc! Vì sao có những dự án đội vốn quá khủng? Không chỉ các dự án lớn tầm vóc quốc gia, mà cả các dự án của các bộ, ngành, tỉnh thành vốn cứ “nở ra” so với phê duyệt ban đầu.

Bao nhiêu họp bàn, hội thảo, cả tiếng nói quyết liệt của các ĐBQH trên diễn đàn truy tìm căn nguyên của “hội chứng” đội vốn, nhưng xem ra nói cứ nói, bàn cứ bàn. Kiểm toán, thanh tra, kiểm tra nhà nước “sờ” đến dự án nào thì cũng có chuyện đội vốn, chỉ là nhiều hay ít mà thôi.

Chợt nhớ đến đề xuất chưa xa cho một dự án đổi mới SGK của ngành giáo dục lên tới mấy chục nghìn tỷ đồng. Khi dư luận lên tiếng thì bộ chủ quản “vẽ ra” ý tưởng của dự án “ngẫu hứng” này vội rút lại và con số bạc tiền đề xuất trình Chính phủ như quả bóng xì hợi xẹp xuống. Rồi câu chuyện “nở vốn” dự án nạo vét sông ở Ninh Bình làm nóng ran nghị trường QH các kỳ họp trước, cũng bởi một dự án nở như “nồi cơm Thạch Sanh” đội vốn tới mấy chục lần. Dẫn ra thế để thấy việc mở dự án, xây dựng, và cả phê duyệt các dự án lớn nhỏ còn quá nhiều lỗ hổng!

Đất nước đang trên đường hội nhập còn phải xây dựng nhiều công trình lớn. Chặn đứng tình trạng các dự án đội vốn quá khủng, như dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội), dự án Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên (TP Hồ Chí Minh), là việc cần phải làm ngay.

Hãy nhìn tổng thể những nguyên nhân các dự án sinh ra đội vốn. Đó chính là kiểu lách luật. Thôi thì dự án khi trình cứ con số nhỏ thôi, dễ được phê duyệt, rồi bổ sung dần lên. Có dự án bổ sung tới 5 - 7 lượt, thậm chí còn nhiều hơn thế. Cách quản lý các dự án công cứ kiểu lách luật, né luật thế này, hỏi sao công trình lớn nhỏ không thi nhau đội vốn?

Lý do và những biện minh ở các dự án đội vốn chả thiếu. Nào thực tế phát sinh khó lường. Nào do giải phóng mặt bằng chậm. Nào giá đền bù cho người dân chưa hợp lý. Nào trượt giá, thời giá tăng lên… Tất cả các biện minh ấy mới nghe thì đều rất thuyết phục. Nhưng cái không thuyết phục, xem ra cả chủ đầu tư được trao quản lý dự án và các nhà thầu, DN thi công, cung ứng mua sắm máy móc thiết bị, cho đến đơn vị giám sát thi công, kỹ thuật cũng không muốn công khai. Vì càng “bí mật”, càng kín bao nhiêu càng tốt.

Tham nhũng trong các dự phát sinh chính là từ những giao kèo, ký tá này. Giới nhà thầu quen làm các dự án lớn thường “rỉ tai” với nhau: “Hoa hồng phần trăm” đếm qua đếm lại nhiều khi vượt cả cái “ba rem” phần trăm bất thành văn 10% đã có từ lâu! Con số đếm ngược 10% giờ quá lạc hậu. Có hay phong bì “bôi trơn” giờ là tiền đô. Có hay giờ chuyện hối lộ, nhận hối lộ cả vài triệu đô kia. Nhỡn tiền từ vụ mua bán giá trị ảo AVG xì ra việc đưa và nhận hối lộ quá ghê kia, vụ trí trá bán mua nhà đất công sản ở  8 - 12 Lê Duẩn, vụ đổi đất lấy hạ tầng ở khu đô thị Thủ Thiêm, vụ sang nhượng đất ở Phước Kiểng, Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh)… vì sao có những ký tá phê duyệt cho các DN tư nhân đại gia moi tiền bạc nhà nước dễ thế?

 Đó chính là câu chuyện “đẻ ra” những “ông vua con” trong các dự án không đấu thầu mà lại được chỉ định thầu. Đó còn là câu chuyện mua sắm không qua đấu giá rất vô lý và trái luật. Điều rất lạ là không ít dự án biết vô lý, biết trái luật, lách luật nhưng vẫn cứ làm. Câu chuyện ai “chống lưng”, ai đứng sau ở những dự án đội vốn, phê duyệt đi, điều chỉnh lại liệu có không? Chỉ lạ một điều, những dự án điều chỉnh thì bạc tiền ngân sách chỉ có tăng lên, chỉ có “nở ra”, chứ chả có dự án nào giảm đi một “cắc”? Cần phải công khai tất cả các dự án đội vốn, bạc tiền “đếm ra” cho các dự án đội vốn cả nước. Các cơ quan kiểm toán cần đi thẳng vào các dự án đang có tai tiếng lớn về đội vốn khủng quá ghê xem thực trạng thế nào? Dư luận cử tri đặt thẳng: QH họp tới đây xin hãy “hỏi giùm” người dân về thực trạng các dự án đội vốn khủng, liệu Chính phủ và các bộ, ngành đã có giải pháp nào để chặn lại?

Đăng Quang