Sổ tay

Mổ xẻ đến cùng yếu kém

- Thứ Năm, 30/05/2019, 07:53 - Chia sẻ
Dù tình hình thế giới còn tiềm ẩn những biến động khó lường, nhưng quyết tâm chỉ đạo từ vĩ mô vẫn rất quyết liệt bám sát các mục tiêu Quốc hội giao.

Thành tích nói ít thôi, cần hơn là mổ xẻ đến cùng những gì còn yếu kém để tìm ra giải pháp tháo gỡ. Từng bộ, ngành phải nhìn lại chính mình trong vai trò quản lý nhà nước! Cuộc sống từng ngày diễn ra bao vấn đề nóng thì cách nhìn của các “tư lệnh” ngành thế nào? Không phải tất cả việc chỉ đạo, điều hành của các ngành, các bộ đã bắt trúng thực tiễn. Vẫn còn tình trạng các bộ ngành chưa thật sự chung tay ở những lĩnh vực mang tính liên ngành. Tình trạng “ngâm” hồ sơ văn bản để người dân và doanh nghiệp phải ngửa cổ chờ không phải không có. Chỉ khi dư luận, báo chí lên tiếng, Chính phủ chỉ đạo làm rõ trách nhiệm thì bộ, ngành mới “ríu chân” xử lý, còn không vẫn cứ ngó lơ như việc của ai?

 Nhìn tổng thể bức tranh kinh tế đất nước không thể không suy nghĩ về những gì chưa như kỳ vọng. Quy hoạch chồng chéo, thiếu liên thông, dự án mở ra quá nhiều để treo chờ chưa được giám sát chặt chẽ đã “phơi ra” nhiều hệ lụy. Tình trạng đua nhau mở dự án, cắp cặp xin cho, “chạy” dự án từ các nhiệm kỳ trước đang để lại gánh nặng không nhỏ cho nhiệm kỳ này. Thu hút đầu tư ào ạt, thẩm định không kỹ, giờ mới lộ ra những lỗ hổng rất lớn. Giải thích thế nào khi tới 50% doanh nghiệp ngoại không nộp cho ngân sách một đồng nhưng vẫn mở rộng sản xuất.

Đã đến lúc chiến lược kinh tế phải nhìn lại khi đất nước đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Có chế thị trường không thể cứ đem hạt gạo, trái cây, con cá, con tôm “rao ời ợi” đi chào hàng thế giới. Đã đến lúc phải tính xa dài xem thị trường các nước Nhật Bản, châu Âu, Hoa Kỳ... cần gì để chúng ta đáp ứng. Rõ ràng thương hiệu đất nước phải được xây dựng bồi đắp, phải tính đến cả việc chăm lo, chắt chiu từ chính thương hiệu của từng doanh nghiệp và sản phẩm làm ra. Thị trường thế giới ngày càng khó tính, đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước phải thay đổi chiến lược sản xuất kinh doanh, phải đặt chất lượng sản phẩm lên trên hết.

Thế nhưng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp còn non tầm nhìn trước mắt, yếu chiến lược xa dài. Đã thế lại còn bị những sợi dây thủ tục hành chính không đáng có níu giằng. Ai sẽ tháo gỡ những sợi dây ngang dọc này? Rõ ràng phải từ khâu xây dựng và kiến tạo chính sách. Tư duy “xin - cho”, hành xử kiểu ban ơn phải bứt bỏ ngay, mới mong chính sách ban ra đi vào cuộc sống. Còn cứ lợi ích bộ, ngành co kéo, còn tư tưởng cục bộ địa phương, thì chính chúng ta đang tự buộc tay ta (!)

Kinh tế quốc gia với mục tiêu tăng trưởng bền vững, giữ vững an sinh, kiềm chế lạm phát phải đi mạnh vào thực thi kỷ cương một cách thực chất! Nếu tư duy cái gì cũng chạy theo đồng tiền, lấy đồng tiền làm thước đo, thì tệ nạn chạy chọt lo lót trong xã hội sẽ gây ra đủ hệ lụy khó lường. Trật tự trị an từ đô thị đến các vùng quê xa nẻo đã thật yên lòng dân chưa? Quốc hội đang họp mà chuyện thi cử gian lận ở Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình... vẫn chưa hết nóng, chính là tình trạng đồng tiền đang tác oai tác quái cả vào trường học - nơi “dạy người, dạy chữ”.

Minh bạch công khai phải đi trước! Minh bạch từ quy hoạch tổng thể tất cả các lĩnh vực, cho đến sử dụng từng đồng tiền thuế của dân dứt khoát phải được giám sát chặt. Quyền giám sát ấy không chỉ ở các cơ quan của QH, mà phải bằng cả tai mắt của người dân! Đừng sợ dân biết, và hơn thế phải biết nghe dân.

Đăng Quang